MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ ‘hành động’ và niềm tin của khu vực tư nhân

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2017, kinh tế nước ta có rất nhiều điểm sáng. Đó là sự lội ngược dòng ngoạn mục về cuối năm so với đầu năm, đó là kết quả của 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội được thực hiện vượt mức kế hoạch. Điều đáng chú ý là bên cạnh những điều kiện còn khó khăn nhưng Chính phủ với những nỗ lực cải cách và hành động đã đưa đến sự hưởng ứng tích cực và khởi sắc trong các hoạt động kinh tế.

TS. Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã tạo nên cú hích lớn cho nền kinh tế

TS. Nguyễn Đức Tùng - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, thành tựu kinh tế-xã hội của năm 2017 đã vượt ra ngoài dự báo của rất nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt khi rào cản nội tại cho tăng trưởng kinh tế còn nhiều. Chính sự điều hành quyết liệt và sự chuyển động mạnh mẽ của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị đã tạo ra cú hích hiệu quả cho việc lập kỷ lục tăng trưởng của nền kinh tế nửa cuối năm và trở thành “dấu ấn” mới của kinh tế Việt Nam, làm tan biến mọi dự đoán đầy nghi ngại của các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trước đó.

Bên cạnh những chỉ đạo cải cách mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ thì phải kể tới vai trò và sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân với rất nhiều dấu hiệu “chuyển mình” tích cực trong năm 2017 vừa qua.

Chính phủ ‘hành động’ và niềm tin của khu vực tư nhân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư tài chính và Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School, Pháp; cũng là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).


Ông Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư tài chính và Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School, Pháp; cũng là Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhận xét, thành tựu trên trước hết là quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh cải cách và đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, kiến tạo môi trường, khuyến khích, dẫn dắt hội nhập vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tiếp đến là việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, vươn lên đóng vai trò lớn hơn, tăng sức bật cho nền kinh tế sau các cú sốc ngoại sinh. Tinh thần của năm quốc gia khởi nghiệp 2016 và định hướng chính sách cởi mở về đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, đang giúp định hình khung thể chế để giúp kinh tế số hoá, công nghệ phát triển, góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, cũng đồng thời đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp thông qua vai trò của Ban IV, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) đưa ra nhận định, nhìn lại đầu nhiệm kỳ Chính phủ, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều khó khăn, thách thức, áp lực vô cùng lớn, những bài toán vướng mắc của cả nền kinh tế mà để tìm được lời giải phải cần tới sự nỗ lực, quyết tâm của cả bộ máy Chính phủ trong nhiều năm. Nhưng, kết quả phát triển kinh tế xã hội 2017 với những thành tựu cực kì ấn tượng đã cho thấy, Chính phủ đang đi đúng hướng và một trong những yếu tố quan trọng tạo ra những thành công mang tính nền tảng này chính là sự quyết liệt trong hành động của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, được cộng đồng doanh nghiệp hết sức ghi nhận.

Trong đó, vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách được doanh nghiệp đánh giá rất cao cũng như đặt niềm tin cùng sự kì vọng to lớn.

Trong suốt thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã theo dõi rất sát sao các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua hoạt động của Tổ công tác cùng Hội đồng tư vấn. Cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, mọi phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đều được xem xét rất thấu đáo, nghiêm túc, khách quan, làm căn cứ để Thủ tướng và thành viên Chính phủ chỉ đạo, điều hành, hoạch định nhiều cơ chế, chính sách cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chính phủ ‘hành động’ và niềm tin của khu vực tư nhân - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa).


Ông Trương Gia Bình dẫn chứng, gần đây nhất, ngay đầu năm 2018, việc Chính phủ ban hành 2 Nghị định quan trọng là Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cùng Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm với những cải cách hết sức mạnh mẽ đã khiến cộng đồng doanh nghiệp thực sự ấn tượng và hào hứng với tinh thần “nói là làm” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ở một góc nhìn của doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, ông Đỗ Văn Huệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Trùng Hạ Thảo HIMA, đại diện các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao miền Nam (DAA Miền Nam) bày tỏ, kết quả năm 2017 trong lĩnh vực nông nghiệp là rất đáng ghi nhận, nhìn chung các lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp như trồng trọt, thuỷ sản, lâm nghiệp cũng như tình hình xuất khẩu nông sản đều khởi sắc. Trong đó thuỷ sản là lĩnh vực ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ và đang có tín hiệu bứt phá mạnh trong thời gian tới. Hoạt động xuất khẩu rau quả cũng có tín hiệu khả quan trong đó ngành rau quả giữ được đà tăng trưởng tích cực.

Ông Huệ cho rằng, kết quả này có thể nói ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp còn phản ánh tác động tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như: Tháo gỡ rào cản về đất đai, vốn, xây dựng chính sách thu hút tư nhân tham gia kinh tế nông nghiệp, ưu đãi phát triển ứng dụng khoa học công nghệ cao, tích cực tìm kiếm các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nói chung và đặc biệt gần đây là các quyết sách cải cách mạnh mẽ để tháo gỡ nhiều rào cản thủ tục hành chính mảng xuất nhập khẩu, quản lý an toàn thực phẩm… nhằm tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chính phủ ‘hành động’ và niềm tin của khu vực tư nhân - Ảnh 3.
Ông Đỗ Văn Huệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Trùng Hạ Thảo HIMA, đại diện các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao miền Nam (DAA Miền Nam).

Cùng chung tay để cải cách hành chính một cách cách mạnh mẽ

Theo các chuyên gia, năm 2018, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Đó là sự chuyển biến trong nhận thức chung về cải cách hành chính còn nhiều hạn chế; rào cản chính sách để thúc đẩy các thành phần kinh tế còn nhiều. Đặc biệt, khả năng chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để tái cấu trúc doanh nghiệp còn chậm, đặc biệt với khối doanh nghiệp tư nhân vì mô hình kinh doanh nhỏ, kém bền vững. Bên cạnh đó là bẫy thu nhập trung bình và nhân giá nhân công ngày càng cao, ưu đãi ngày càng ít cũng sẽ tác động không nhỏ đến năng lực thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Tùng, nền kinh tế Việt Nam năm 2018, vẫn hứa hẹn nhiều cơ hội bùng nổ và khả năng duy trì mức độ tăng trưởng sẽ vẫn có thể 6,8% nếu các vấn đề cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, cùng các lĩnh vực khác được quan tâm một cách thiết thực hơn như: Đẩy mạnh và triệt để tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khối doanh nghiệp tư nhân bằng việc khuyến khích mở rộng lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, giảm bớt các rào cản, cắt giảm chi phí doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt là phải thúc đẩy, tạo ra các chính sách phát triển kinh tế số, khởi nghiệp sáng tạo để tạo ra hàng triệu việc làm mới cho nguồn nhân lực; mở rộng thị trường và nâng cao hiệu xuất đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn…

Đi sâu hơn với quan điểm này, GS Nguyễn Đức Khương cho rằng, thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam còn thể hiện ở nâng chất lượng tăng trưởng thông qua hiệu quả đầu tư, tăng vốn đầu tư cho công nghệ mới và năng suất lao động để tạo sức bật thật sự trong những năm tiếp theo.

Theo GS Khương, nâng cao chất lượng tăng trưởng là điều kiện quyết định sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với bền vững về môi trường và xã hội. Các yếu tố tích luỹ về vốn con người, vốn vật chất, công nghệ và tổng hòa các môi trường tự nhiên, xã hội, pháp luật... có vai trò rất lớn, trong đó con người là trung tâm. Một chiến lược quốc gia rõ ràng về năng suất các yếu tố tổng hợp cùng với các chính sách phát triển nguồn lực con người, chuyển đổi cơ cấu lao động là cấp thiết.

GS Khương phân tích, tập trung vào con người, tri thức và đổi mới sáng tạo công nghệ là điều kiện tiên quyết giúp có năng suất lao động vượt trội. Tri thức là nguồn vốn vô hạn, được coi như một yếu tố sản xuất chính, quan trọng hơn những yếu tố truyền thống là vốn và lao động. Nguồn tri thức đến từ việc huy động và sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực có sẵn và qua quá trình đào tạo liên tục.

Từ góc nhìn liên quan đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Huệ cho rằng, hiện nay nền kinh tế vẫn còn những rào cản về thủ tục hành chính và về mặt thực thi chính sách, pháp luật (cả ở cấp Bộ và địa phương) gây vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây là những điểm nghẽn lớn mà nếu Chính phủ có thể chỉ đạo để tháo gỡ. Cụ thể là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn chưa hiệu quả; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ chưa phù hợp; chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa; sản lượng xuất khẩu tuy đã tăng lên hàng năm nhưng giá trị nông sản so với các nước trong khu vực chưa cao; đặc biệt là cơ chế hợp tác công tư trong xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp còn hạn chế, hình thức, chưa gắn với hiệu quả của quá trình xúc tiến…

Vì thế, khối doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ chuyên ngành rà soát tổng thể các chính sách nói trên gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp.

Theo Chính Nhân

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên