MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng

Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2018 (1/1/2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Mở rộng cơ sở thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, chỉ ban hành mới cơ chế, chính sách chi ngân sách nhà nước khi có nguồn tài chính đảm bảo. Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,7% GDP.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP.

Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, không để xảy ra đầu cơ hoặc tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai minh bạch của thị trường.

Giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp; cắt giảm và đơn giản hóa một nửa số điều kiện đầu tư kinh doanh. Phấn đấu năm 2018 đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược.

Theo đó, đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sớm phê duyệt và thực hiện đồng bộ tất cả các đề án và kế hoạch cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực trọng tâm. Đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước

Cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước và bảo đảm bền vững an toàn nợ công. Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; tăng tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội lên khoảng 41%; hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,0.

Đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Phấn đấu thành lập mới 135.000 doanh nghiệp trong năm 2018. Phát triển nông nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Phấn đấu năm 2018 có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 36 - 37 tỷ USD.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 7,7%, khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%, khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng khẳng định, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích; chống thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước từ lợi ích chênh lệch giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất do quy hoạch hoặc các dự án hạ tầng đem lại.

Triển khai lồng ghép mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cam kết quốc tế của Việt Nam vào các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính

Trong năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015.

Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm đều phải được xử lý đúng pháp luật.

Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng

Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật các tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, chống người thi hành công vụ; triển khai tốt lực lượng và cơ sở vật chất sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố, rủi ro thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là liên quan đến thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng; tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án dân sự, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng.

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước, những vấn đề dư luận quan tâm và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước để tạo sự đồng thuận xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa thông tin xấu, độc, sai sự thật.

Trương Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên