MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ kiến tạo và xã hội sáng tạo

Những tín hiệu tích cực về kinh tế xã hội năm 2016 tạo niềm tin về sự thay đổi mạnh mẽ trong năm mới. Người dân, doanh nghiệp hy vọng vào những chính sách mang tính đột phá, cởi trói, để giải phóng nguồn lực dồi dào trong cộng đồng xã hội.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ; quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực. Có nhiều cách giải thích khái niệm “Chính phủ kiến tạo”, nhưng dù cách gì thì cũng đi đến điểm chung là một Chính phủ tạo ra các giá trị mới, xóa bỏ các rào cản kìm hãm phát triển, mang lại những lợi ích có thể sờ được, thấy được, không phải là những lý thuyết suông.

Năng lực kiến tạo của Chính phủ được thể hiện qua việc thiết kế chính sách thông minh cho “căn nhà” Việt Nam, để từ đó, mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học có thêm không gian sáng tạo. Một Chính phủ kiến tạo sẽ thúc đẩy một xã hội sáng tạo, sáng tạo mang lại giá trị mới cho đất nước.

Sau phát ngôn của Thủ tướng là hành động từ Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 267 xuống còn 214. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc loại bỏ một số điều kiện kinh doanh chính là sự “cởi trói” cho doanh nghiệp, không gian tự do kinh doanh được mở ra tạo cơ hội cho các chủ thể sáng tạo đa dạng trong xã hội. Cơ hội đó là sự bình đẳng trong kinh doanh, sự minh bạch của hệ thống chính sách, sự thông thoáng của thủ tục hành chính, sự công chính của đội ngũ công chức. Việt Nam muốn có nhiều sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời cũng chờ đợi những hành động mang tính kiến tạo kịp thời và hiệu quả của Chính phủ.

Thời đại toàn cầu và hội nhập kinh tế bắt buộc các quốc gia phải có những cải cách phù hợp, linh động và chính xác. Những chính sách quản trị mang tính mệnh lệnh hành chính là lực cản ghê gớm, làm mất sức của xã hội, nền kinh tế ngày càng tụt hậu. Cho nên, sản phẩm của kiến tạo chất lượng cao hay thấp dựa vào trình độ nhận thức mang tầm thời đại và khả năng đưa ra những chính sách cải cách xuất sắc. Trong đường đua thương trường quốc tế, vận động viên doanh nghiệp Việt chạy bằng sức lực đồng đều của hai chân, một là sức kiến tạo của Chính phủ, hai là sức sáng tạo của chính mình.

Tuy nhiên, thông điệp kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ tạo ra giá trị thực tế khi từng công bộc của dân quyết tâm hành động. Thủ tướng từng lo lắng rằng: “Liệu tinh thần này có vượt qua được cấp tỉnh xuống đến cấp cơ sở không. Chính quyền cơ sở có phục vụ nhân dân, doanh nghiệp hay không? Hay lại hành dân, xa dân, quan liêu, nhũng nhiều, vòi vĩnh nhân dân. Chúng ta có quyết tâm xây dựng được cán bộ liêm chính không?”.

Sự liêm chính của lực lượng công chức là yếu tố cốt tử cho mọi kiến tạo. Kiến tạo là hành động, không thể có một kết quả tốt đẹp từ chủ thể hành động là những người không công chính. Xây dựng một Chính phủ liêm chính không chỉ bằng lời hiệu triệu mà bằng các giải pháp cụ thể để thực hiện thành công tinh gọn bộ máy, trọng dụng nhân tài, loại trừ ra khỏi hệ thống những cán bộ bất tài vô năng. Muốn có một Chính phủ kiến tạo và liêm khiết dứt khoát phải có một lực lượng cán bộ tinh hoa có đủ tài và đức.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Sẽ quyết liệt xử lý hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm tạo niềm tin cho toàn dân. Loại bỏ cán bộ hư hỏng thoái hóa biến chất khỏi bộ máy. Đây là vấn đề cấp bách”.

Người dân, doanh nghiệp hy vọng vào một Chính phủ kiến tạo phát triển và liêm chính.

Theo Lê Thanh Phong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên