MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ nên quản kinh tế chia sẻ như thế nào?

Grab và Uber vào Việt Nam tạo nên những cơn bão lớn về tính pháp lý cũng như sự phấn khích, lẫn phẫn nộ từ người dân hay các hãng taxi. Thế nhưng, Grab và Uber (đã đóng cửa tại Việt Nam) chỉ là một phần của kinh tế chia sẻ.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Hồi tháng 5 năm nay, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Đề án mô hình kinh tế chia (KTCS) sẻ để lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Đại diện các bộ, ngành, hiệp hội được báo cáo là cũng đã có những góp ý để hoàn thiện dự thảo đề án này.

Đáng lưu ý là dự thảo đề án được dự kiến báo cáo Chính phủ trong tháng 6 (rồi sau đó tháng 8) năm nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có thêm thông tin gì mới.

Có thể đoán nhận sự lúng túng, vướng mắc của đề án này do tính chất khá mới mẻ của mô hình KTCS ở Việt Nam. Ở nhiều nước, ngay cả những nước phát triển, nơi sản sinh ra các mô hình KTCS hoạt động đã nhiều năm nay Chính phủ cũng vẫn còn chưa tìm ra một phương hướng ứng xử về chính sách đồng bộ và nhất quán với mọi dạng thức của KTCS.

KTCS, theo cách hiểu chính thống, là một thuật ngữ mô tả việc cho thuê các tài sản riêng cho những người khác thông qua kết nối trên mạng (trực tuyến). Việc cho thuê các tài sản riêng theo kiểu ngang hàng (peer-to-peer, hay P2P) không phải là chuyện gì mới mẻ nhưng đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ tiến bộ công nghệ, được phổ biến bởi Internet và các thiết bị thông minh, trở thành một nền công nghiệp. Sự phát triển KTCS trở nên không thể đảo ngược, và song hành bởi cả kỳ vọng lẫn lo ngại, cả lợi ích lẫn rủi ro.

Kỳ vọng và lợi ích

KTCS làm tăng phúc lợi của những bên tham gia nhờ tạo ra các giao dịch mới dựa trên việc sử dụng hiệu quả các tài sản chưa được khai thác hết công suất. Các giao dịch mới này có chi phí giao dịch giảm thiểu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ giá rẻ, nhiều lựa chọn hơn và tiện ích hơn, trong khi người cung cấp tài sản cho thuê thì có thêm thu nhập nhờ chi phí rào cản thâm nhập thị trường thấp hơn.

KTCS cũng có tác dụng phân chia lại thu nhập trong xã hội bằng cách giúp cho người/gia đình có thu nhập thấp có thêm cơ hội để tham gia với tư cách nhà cung cấp. Còn các platform (platform giao dịch) thì được hưởng lợi từ việc thu phí môi giới để người tiêu dùng và nhà cung cấp gặp nhau.

Với các doanh nghiệp, họ có thể hưởng lợi thông qua hiệu ứng thăm dò thị trường và khuyến mãi. Trong giai đoạn khởi đầu, doanh nghiệp tham gia KTCS có cơ hội tung ra các hàng hóa và ý tưởng kinh doanh mới với chi phí thấp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với doanh nghiệp trong những lĩnh vực như chia sẻ nhân lực, lưu trú, và gọi vốn cộng đồng.

Ngoài lợi ích kinh tế, KTCS còn được kỳ vọng cắt giảm chi phí môi trường. Ví dụ, các dịch vụ chia sẻ ô tô sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường nhờ sử dụng hiệu quả hơn số xe hiện có (thông qua ghép chuyến đi…). Về cơ bản, KTCS trong mọi lĩnh vực đều giúp bảo vệ môi trường nhờ tiết kiệm các nguồn lực hữu hạn do nâng cao năng lực khai thác các tài sản hiện hữu.

Tác động tiêu cực và rủi ro

Một trong những vấn đề nổi cộm của KTCS là nó xung đột với các ngành kinh doanh hiện tại. Do các giao dịch của KTCS thay thế một số giao dịch hiện hữu trong các dịch vụ tương đương nên KTCS sẽ chèn ép các doanh nghiệp liên đới. Điều này được thể hiện rõ nhất trong ngành taxi và lưu trú, bị cạnh tranh mạnh bởi dịch vụ chia sẻ ô tô và phòng.

Tuy nhiên, sự mất mát thị phần của những doanh nghiệp truyền thống không chỉ tại bởi KTCS. Mọi phát kiến mới đều tác động tiêu cực đến những ngành truyền thống. Điều đáng nói ở đây là tác động tiêu cực này sẽ là không thỏa đáng nếu các quy chế hiện hành không được áp dụng một cách bình đẳng với các thực thể tham gia KTCS như được áp dụng với các doanh nghiệp truyền thống.

Ví dụ, nhiều chủ nhà tham gia platform chia sẻ phòng không đăng ký kinh doanh nên không bị chế tài bởi các quy định về thuế và an toàn đang được áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống trong ngành lưu trú.

Do đó, có không ít người cho rằng KTCS không phải là một phát minh đặc biệt. Đây chẳng qua chỉ là một cách thức để lách luật, khai thác những lỗ hổng trong luật pháp hiện hành nên thậm chí có thể còn làm suy giảm khối lượng giao dịch tổng thể, dẫn đến làm giảm phúc lợi xã hội. Do đó, Chính phủ cần đảm bảo đối xử bình đẳng khi thiết lập các chính sách quản lý KTCS.

Ngoài ra, do phần lớn giao dịch của KTCS là các giao dịch không giáp mặt cho những dịch vụ không được tiêu chuẩn hóa, diễn ra giữa những cá nhân bất định nên có một số rủi ro. Nhìn chung, do thông tin bất đối xứng nên người tiêu dùng khó mà biết trước được chất lượng dịch vụ cung cấp cho mình trong khi nhà cung cấp dịch vụ thì khó mà biết và theo dõi người tiêu dùng.

Điều này dẫn đến rủi ro đạo đức và, trong một số lĩnh vực, gây ra sự phá hoại tài sản, hoạt động tội phạm (ăn cắp, xâm hại tình dục…), tai nạn giao thông…

Thêm nữa, khi có vụ việc gì đó xảy ra thì giải quyết không dễ dàng chút nào bởi nền tảng thể chế hiện thời không đưa ra được các giải pháp cụ thể như bảo hiểm và bảo vệ của pháp luật. Chữ tín của các platform cũng là vấn đề khi chúng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tiền thanh toán và trao đổi thông tin.

Phương hướng chính sách

Như trên đã cho thấy KTCS sẽ mang lại lợi ích toàn cục nếu các rủi ro được khắc chế hữu hiệu. Do đó, Chính phủ phải thiết lập nền tảng thể chế phù hợp cho nhiệm vụ này.

Cụ thể, tuy nhà cung cấp của KTCS là các cá nhân không chuyên và chỉ cung cấp dịch vụ tạm thời nhưng luật pháp hiện hành vẫn có xu hướng coi họ là những nhà cung cấp chuyên nghiệp. Do đó, nếu buộc các nhà cung cấp không chuyên này áp dụng quy chế hiện hành vốn được áp dụng cho các doanh nghiệp truyền thống thì sẽ gây khó cho họ, buộc họ đứng ngoài thị trường, làm hủy hoại KTCS, giảm phúc lợi xã hội.

Nhưng để tránh rủi ro các nhà cung cấp trong KTCS cạnh tranh thị phần với doanh nghiệp truyền thống thì Chính phủ cần bảo đảm để nhà cung cấp truyền thống và KTCS cạnh tranh một cách bình đẳng.

Cân nhắc cả hai yếu tố cạnh tranh bình đẳng và đặc tính của KTCS, Chính phủ cần đặt ra các giới hạn định lượng. Theo đó, nhà cung cấp KTCS nào vượt quá định lượng này thì cần được coi là "chuyên nghiệp, thường xuyên" và phải chịu chế tài bởi pháp luật hiện hành hiện đang được áp dụng cho các doanh nghiệp truyền thống.

Những nhà cung cấp KTCS còn lại thì sẽ được áp dụng các quy chế nới lỏng hơn. Các nhà cung cấp KTCS nếu muốn được áp dụng các quy chế lỏng hơn cần phải giảm khối lượng giao dịch, và ngược lại.

Với nguyên tắc này, ta có thể hiểu tại sao ở nhiều thành phố trên thế giới, trong lĩnh vực như chia sẻ phòng, lại có việc hạn chế về số ngày tối đa mà khách đặt phòng có thể thuê phòng trên Airbnb.

Nhờ vậy, chủ nhà cho thuê dưới định lượng sẽ được miễn thuế thu nhập đánh trên doanh thu cho thuê, được hưởng quy chế nới lỏng về đăng ký… so với những doanh nghiệp cho thuê bất động sản thông thường.

Đương nhiên là quy chế dựa trên hạn mức định lượng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, nhà quản lý cần biết thông tin về lượng giao dịch của nhà cung cấp dịch vụ KTCS. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ thường có xu hướng báo cáo thấp đi lượng giao dịch, còn nhà quản lý thì khó mà biết được báo cáo nào là gian dối.

Để đối phó tình trạng này thì một số thành phố đã phải, ví dụ trong lĩnh vực cho thuê bất động sản, cho người giả làm người thuê các bất động sản của những nhà cung cấp có nghi vấn và tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất.

Vì vậy, để áp dụng thành công quy chế dựa trên định lượng thì Chính phủ phải tập trung quản lý các platform vì các platform này nắm mọi thông tin về các giao dịch chia sẻ và có ít động cơ báo cáo thấp đi lượng giao dịch. Chính phủ có thể yêu cầu các platform định kỳ nộp báo cáo về khối lượng giao dịch thay cho nhà cung cấp dịch vụ.

Chính phủ cũng có thể yêu cầu các platform tạo ra các dịch vụ trực tuyến để nhà cung cấp dịch vụ đăng ký trước khi tạo lập giao dịch chia sẻ hoặc những dịch vụ đóng thuế tiêu thụ và thuế thu nhập cho mỗi giao dịch thành công. Những việc này sẽ giúp cắt giảm chi phí hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước với KTCS.

Tiếp đó, rủi ro trong giao dịch KTCS sẽ được giảm đi nhờ cơ chế thị trường, chẳng hạn các platform tự nhận thấy phải tạo lập được môi trường đáng tin cậy với rủi ro giao dịch thấp để thu hút người sử dụng.

Thực tế cho thấy nhiều platform đã tự nguyện để điều tiết người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ nhằm giảm thiểu rủi ro giao dịch thông qua nhiều công cụ ví dụ như nhận xét, xếp hạng uy tín, kiểm định cơ sở trước khi diễn ra giao dịch bởi tự bản thân platform hay bởi một bên thứ ba.

Nhờ vậy, Chính phủ chỉ cần đóng một vai trò thứ yếu, tập trung vào quản lý giám sát các platform chứ không phải là các thành viên tham gia.

Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên