MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ siết ‘đại sự đất đai’ khi cổ phần hóa

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi cổ phần hóa thì phải thực hiện theo đúng quy định về đấu giá đất, nộp thuế đầy đủ, đúng giá trị cho Nhà nước.

“Đất đai là đại sự. Đúng là trước đây nó không vào túi của Nhà nước, mà nhiều khi bị chia đi chỗ khác. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quản lý đất đai đó nên phải chuyển về Nhà nước. Việc công khai minh bạch là quan trọng để không đáng ngại gì cả”, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu trong buổi tọa đàm ngày 18/9.

Buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với chủ đề: “Nâng hiệu quả DNNN: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị”, trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các DNNN tới đây.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, để các DNNN hoạt động hiệu quả, phải minh bạch thông tin để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn vào tiềm năng chứ không phải vì đất.

“Ví dụ Vinamilk chỉ làm sữa, Sabeco chỉ làm bia nước giải khát chứ họ không làm bất động sản nên giá trị mới tốt, bền vững. Trước đây có sự nhập nhằng giữa các ngành nghề kinh doanh chính, các DNNN có vị thế đất đai ở vị trí tốt mà anh không làm gì thêm để gia tăng giá trị tài sản cả”, ông Tiến nói.

Do đó, Chính phủ đã quy định các DNNN trước khi cổ phần hóa phải sắp xếp lại tài sản đất đai, nếu không dùng hết đất thì chuyển giao lại đất cho địa phương để địa phương sử dụng việc khác. Đây là giải pháp đổi mới sát với thực tiễn, quy định ở Nghị định số 126 về sắp xếp đất đai và Nghị định số 32 của Chính phủ về thoái vốn.

“DNNN sắp xếp xong đất đai đi thì hãy cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng lộ trình đặt ra. Trước đây là ta làm ào ào có bao nhiêu tài sản thì đưa luôn vào báo cáo để bán để tạo ra lợi thế giả tạo. Ví dụ doanh nghiệp cơ khí mà lấy đất đai của mình tạo ra giá trị gia tăng là không phải”, ông Tiến phân tích thêm.

Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận có việc “các lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, lo lắng và các bộ ngành ngại làm thủ tục về đất đai”, nhưng nếu triển khai quyết liệt thì vẫn được. Ông Tiến lấy ví dụ, Hà Nội làm được vì họ có quyết tâm, sắp xếp hàng nghìn mảnh đất lớn nhỏ trước khi cổ phần hóa Hapro và thu hồi được nhiều diện tích đất không sử dụng sau khi cổ phần hóa để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

Do đó, ông Tiến nhấn mạnh, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới mới tư duy, công khai minh bạch.

“Khi cổ phần hóa, Nhà nước đều có mục tiêu nhất định là phục vụ cộng đồng, chứ không phải là để biến tướng đi. Nếu biến tướng (chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thì anh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật: Đấu giá đất, nộp thuế đầy đủ, đúng giá trị cho Nhà nước”, ông Tiến nói thêm.

Còn ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chủ trương rà soát đất đai của DNNN trước cổ phần hóa là giải pháp quan trọng đúng đắn. Thời gian trước có trường hợp làm chưa chặt chẽ đã thất thoát tài sản Nhà nước.

“Giờ làm rõ rồi, đất đấy tham gia ra sao trong quá trình cổ phần hóa vào hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở công khai minh bạch, định giá đúng thị trường như chúng ta mong muốn để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào. Ngoài ra, Nhà nước tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn nào theo quy định của thị trường và cam kết hội nhập của kinh tế Việt Nam”, ông Hùng phát biểu.

Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng kiến nghị, sắp tới Quốc hội nên xem xét lại quy định chuyển quyền sử dụng mục đích đất cho linh hoạt hơn.

“Giờ có những khu đất quy định mục đích sử dụng mấy chục năm rồi mà giờ thời đại công nghệ 4.0, vòng đời sản phẩm, chu trì kinh doanh ngắn lại rất nhiều nên không thể kinh doanh mãi 1 loại sản phẩm được, gây khó cho các doanh nghiệp”, TS Lưu Bích Hồ kiến nghị.


Theo Hà Chính

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên