MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách hợp lý nhưng ý thức thực hiện chưa cao

04-06-2016 - 18:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Sở hữu chéo vẫn luôn là vấn đề nhức nhối trong việc thanh lọc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Biện pháp đưa ra nhiều nhưng việc thực hiện của các ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý vẫn chưa được bao nhiêu.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Ông nhận định như thế nào về tình hình sở hữu chéo tại Việt Nam trong thời gian gần đây?

Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn tồn tại hiện tượng sở hữu chéo, nhưng sở hữu chéo có thể qua nhiều hình thức, được thực hiện dưới nhiều lớp sở hữu. Vì thế, cho đến thời điểm này, mọi người chỉ biết có hiện tượng sở hữu chéo và nó cũng đã được phát hiện trên những báo cáo tài chính, nhưng mạch ngầm thì còn rất nhiều những sở hữu rất khó để phát hiện được.

Trong quá khứ cũng như thời gian gần đây, sở hữu chéo đã đưa đến những thiệt hại lớn trong ngành ngân hàng, thậm chí đã có những vụ kiện tụng về số vốn góp. Bởi khi có sở hữu chéo, những cá nhân, tổ chức kinh tế nắm giữ số vốn lớn có thể dùng quyền lực để sử dụng cho mục đích kinh doanh của họ. Điều này sẽ đưa đến những thiệt hại như nợ xấu, tín dụng không thể kiểm soát cho công ty “sân sau”, thậm chí việc một số ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng cũng do sở hữu chéo lảng vảng trong đó.

NHNN đã đưa ra quy định về tỷ lệ sở hữu của một NHTM. Nhưng đến nay, dù đã quá thời hạn phải hoàn thành, vẫn chưa có nhiều ngân hàng thực hiện đúng quy định. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là gì, thưa ông?

Vào tháng 2-2016, Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Báo cáo này nhận xét, tại Việt Nam, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các ngân hàng tư nhân, giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước vào tháng 4-2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và vấn đề sở hữu chéo.

Thông tư của NHNN yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu của NHTM xuống 5% là điều hợp lý để quyền lực được dàn trải ra. Vì trong hoạt động ngân hàng, một cổ đông có lượng cổ phiếu khoảng 5% đã là rất lớn và với tỷ lệ này thì chỉ cần khoảng 10 cổ đông hợp tác với nhau là có thể có tỷ lệ khống chế cả ngân hàng.

Tuy nhiên, những quy định này chưa được thực hiện phần lớn là do ý thức của các cổ đông. Bởi họ có cổ phần lớn, nhờ đó lợi dụng được vị thế để phát triển kinh doanh, lợi dụng được cổ phần để gom quyền lực thì những cổ đông này không muốn tước bỏ quyền lực của mình. Với nhiều người, việc nắm quyền điều hành một ngân hàng là có một công cụ tài chính rất hữu hiệu để tài trợ những dự án, doanh nghiệp của họ. Mặc dù có giới hạn về tín dụng, nhưng họ vẫn có cách để vượt giới hạn đó. Do vậy, các cổ đông không muốn giảm tỷ lệ sở hữu, loại bỏ sở hữu, nếu đã không muốn thì họ sẽ có cách để lách luật.

Hơn nữa, hiện giá cổ phiếu của các ngân hàng đang ở mức dưới mệnh giá 10.000 VND/cổ phần nên các ngân hàng muốn ráo riết thoái vốn cũng khó bán. Bên cạnh đó là các áp lực đến từ việc tái cơ cấu ngân hàng, nợ xấu và từ các đợt thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các công ty Nhà nước.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có phần đến từ cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước không có biện pháp xử lý thật mạnh tay với những ngân hàng và TCTD chậm trễ. Cơ quan Nhà nước cũng chưa thể thanh kiểm tra toàn diện để tìm ra những sở hữu chéo ẩn mình trong hệ thống để xử lý triệt để.

Vậy làm thế nào để xử lý triệt để hơn tình trạng sở hữu chéo trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Để thực hiện được việc xử lý sở hữu chéo, các cổ đông phải ý thức được tinh thần của quyết định và phải tuyệt đối tuân thủ. Bởi sẽ có những chiêu lách luật như bên ngoài thì tuân thủ sở hữu dưới 5% nhưng bên trong lại để cho các công ty con, công ty liên kết nắm giữ vài % thì tỷ lệ vẫn nhiều hơn con số 5% như quy định.

Luật thì quốc gia nào cũng có lỗ hổng, nhưng vấn đề là mình phải nghiêm túc với việc thực hiện. Có nghĩa là ngân hàng không tuân thủ thì phải cho họ lộ trình, gia hạn để họ thoái vốn đúng theo quy định. Đến thời điểm nào họ không làm được thì phải có biện pháp xử lý theo đúng thẩm quyền.

Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất là việc phát hiện, công khai, minh bạch những cặp sở hữu chéo với những con số đúng sự thật. Cách đây vài năm, NHNN có yêu cầu tất cả ngân hàng và cổ đông phải khai báo vốn sở hữu của họ và tất cả người liên quan. Do đó, NHNN đã có dữ liệu về ai sở hữu ai nhưng có thể vẫn có những người né tránh, lách luật. Nhưng trên hết, NHNN vẫn phải là cơ quan chủ quản nắm được dữ liệu đó rồi đưa ra kế hoạch cho các ngân hàng thực hiện.

Thúc đẩy thoái vốn là cần thiết, nhưng làm thế nào để các ngân hàng, tổ chức tín dụng sau khi thoái vốn vẫn hoạt động bền vững, thưa ông?

Khi một ngân hàng lớn thoái vốn với ngân hàng nhỏ phải có biện pháp để tăng cường sức mạnh tài chính của ngân hàng nhỏ lên, để ngân hàng con có thể trụ được, không những có được nguồn vốn mới mà còn có cơ hội mới để phát triển. Vì thế, thoái vốn không có nghĩa là “đem con bỏ chợ”, cứ thoái vốn ào ào rồi xong.

Dĩ nhiên, trong trường hợp nếu không có giải pháp nào khác hơn thì vấn đề tốt nhất là mua lại toàn bộ cổ phần, sáp nhập với ngân hàng đó hoặc rao bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhưng với điều kiện là bất cứ cổ đông nào của ngân hàng cũ cũng không thể có trên 5% vốn của ngân hàng mới.

Là một chuyên gia ngân hàng đã có thời gian làm việc nhiều năm tại Hoa Kỳ, ông có thể chia sẻ cách thức xử lý sở hữu chéo trong ngân hàng tại Hoa Kỳ?

Theo tôi tìm hiểu, tại các ngân hàng Hoa Kỳ, các cổ đông minh bạch quan hệ của họ với cổ đông khác hết sức rõ ràng, vì ở đây, họ rất sợ một ngân hàng bị xử lý nếu trong trường hợp các ngân hàng Trung ương và cơ quan chủ quản phát hiện ra họ không minh bạch trong khai báo.

Hơn nữa, các cơ quan chủ quản xử lý rất mạnh tay, có thể là đóng cửa ngân hàng nếu phát hiện ra những sai phạm lớn. Hoa Kỳ có đặc điểm là hầu như mỗi năm, các ngân hàng đều bị 3 cơ quan chủ quản thanh tra. Thứ nhất là cơ quan chủ quan của tiểu bang, thứ hai là cơ quan chủ quản liên bang và cuối cùng Công ty Bảo hiểm Quốc gia (FDIC). Dưới sự kiểm soát như thế, nếu cơ quan này không phát hiện được thì cơ quan kia sẽ làm được, trong khi ở Việt Nam hiện chỉ có mỗi NHNN đứng ra kiểm soát.

Về tỷ lệ sở hữu, luật pháp Hoa Kỳ quy định tỷ lệ sở hữu của cá nhân không vượt quá 10%, còn các tổ chức kinh tế không thể sở hữu quá 5%. Do ở Hoa Kỳ quan niệm, các cá nhân không thể khuynh đảo một ngân hàng bằng các doanh nghiệp. Những con số về tỷ lệ sở hữu ở Việt Nam cũng khá tương đồng với Hoa Kỳ nên tôi hy vọng, mọi việc sẽ được thực hiện hiệu quả hơn trong tương lai gần.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: Đã kiểm soát và xử lý hiệu quả hơn

Trong gian đoạn 2011-2015, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng. Sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được xử lý và kiểm soát về cơ bản, các nhóm lợi ích giảm dần. NHNN đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng.

Do đó, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống còn 3 cặp như hiện nay. Tình trạng một tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần tại một số tổ chức tín dụng hoặc một số tổ chức tín dụng sở hữu tại một tổ chức tín dụng đã giảm so với trước đây.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát và xử lý vấn đề sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn của các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả. Phối hợp với các bộ, ngành triển khai việc thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính theo quy định của Chính phủ.

Chi Mai (ghi)

Theo Hương Dịu

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên