MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 năm nữa, Hà Nội di dời 70% hộ dân ra ngoài phố cổ

13-07-2012 - 06:51 AM |

Để bảo tồn khu phố cổ, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, bố trí được 70% số hộ sống trong các khu phố này được di dời ra các khu đô thị mới.

Chiều 12/7, HĐND thành phố đã thông qua quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, trong quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2015, phấn đấu 65% di tích quốc gia được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo; hàng năm thực hiện được khoảng 20% việc chống xuống cấp và tu bổ tôn tạo các di tích cấp thành phố bằng nguồn kinh phí ngân sách và xã hội hóa. Đến năm 2020, 70% di tích quốc gia, 75% di tích cấp thành phố được tu bổ, tôn tạo.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, bố trí được 70% số hộ sống trong các khu phố cổ được di dời ra các khu đô thị mới. Cũng tới mốc 2015, Hà Nội hoàn thành quy hoạch đối với khu di tích thành cổ Hà Nội rộng hơn 151 nghìn m2.
 
Thành phố sẽ tập trung lập quy hoạch bảo tồn và xây dựng công viên lịch sử văn hóa khảo cổ học khu Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) với tổng diện tích hơn 60 nghìn m2, trong đó xác định vị trí và diện tích thành lập bảo tàng thiên nhiên, bảo tồn nguyên trạng tại chỗ. Sau năm 2016, khu vực Hoàng thành sẽ chính thức đón khách tham quan cũng như là nơi nghiên cứu, khai thác tiếp các hiện vật khảo cổ học.

Về quy hoạch hệ thống quảng trường, công viên, vườn hoa, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, 45% các khu đô thị mới, các trung tâm quận, huyện, các vùng đô thị, vùng liên xã có công viên hoặc vườn hoa; đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 65 - 70%; đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100%. Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025, tại khu vực trung tâm của 5 khu đô thị vệ tinh đều có quảng trường, gắn với tượng đài, vườn hoa có quy mô phù hợp với dân cư và quy mô đô thị.

Về hệ thống thư viện, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt 1 cuốn sách/mỗi người dân trong thư viện công cộng, 100% số tài liệu quý hiếm trong thư viện cấp thành phố được số hóa; đến năm 2030, phấn đấu có trên 1,5 cuốn sách/mỗi người dân trong thư viện công cộng.

Theo Quang Phong

Dân Trí


ngatt

Trở lên trên