MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài nguyên - Môi trường phát hiện thêm nhiều sai phạm đất đai tại Đà Nẵng

02-08-2013 - 12:13 PM |

Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Đà Nẵng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi để xảy ra sai sót và những tồn tại nói trên.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tổ chức kiểm tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất đối với các dự án tại Đà Nẵng từ khi luật Đất đai 2003 có hiệu lực đến nay và phát hiện thêm nhiều sai phạm.

Theo báo cáo gửi Chính phủ của Bộ Tài nguyên - Môi trường, về cơ bản, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đúng trình tự, thẩm quyền với tình hình thực tế của địa phương, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai nhưng còn một số hạn chế.

Cụ thể, sau khi có luật Đất đai 2003, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, 8 văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể về đất đai giúp công tác quản lý của thành phố đi vào nề nếp. Từ năm 2003, Đà Nẵng đã ban hành quyết định giao, cho thuê đất với 1.061 công trình, dự án với tổng diện tích 15.783,46 ha. Trong số đó, có 220 dự án thuê đất với diện tích 3.411,44 ha, 166 dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 2.896,08 ha.

Bộ Tài nguyên - Môi trường kết luận trong năm 2011 Đà Nẵng chưa thực hiện nội dung Công văn số 79/TTg-KTN ngày 26.3.2011 của Thủ tướng về quyết định nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình cấp bách.

Tháng 7.2012, khi HĐND TP.Đà Nẵng ra nghị quyết thông qua nhu cầu sử dụng đất các dự án, công trình cấp bách, UBND TP.Đà Nẵng mới chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường về nhu cầu sử dụng đất của các dự án, công trình cấp bách trên địa bàn. Số liệu cụ thể là: 233 dự án, công trình với tổng diện tích 15.495,56 ha và 66 dự án, công trình có sử dụng vào đất trồng lúa với diện tích là 1.457,7 ha.

Về công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng liên quan các dự án đầu tư tại Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên - Môi trường phát hiện một số dự án có quyết định thu hồi, giao hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án từ năm 2009-2010, nhưng đến thời điểm kiểm kê đất đai năm 2010 vẫn chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng như dự án: khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu đô thị Quan Nam-Thủy Tú, khu công nghiệp Hòa Cầm, khu công nghệ cao Đà Nẵng...

Bất cập trong giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp GCN quyền sử dụng đất

Kiểm tra 48 trên 1.061 hồ sơ về vấn đề giao đất, cho thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư, Bộ Tài Nguyên - Môi trường kết luận có 2 trong số 14 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được giao đất chưa đúng trình tự thủ tục.

Một trong số này là dự án xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng ngày 31.12.2012 và đi vào hoạt động từ 15.1.2013.

Công trình còn lại là dự án Khu liên hợp thể thao, Trạm xử lý nước thải và khu tái định cư Hòa Xuân thuộc địa bàn Q.Cẩm Lệ.

Trong số 34 dự án còn lại không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có 30 dự án chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục giao đất.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường kiểm tra 41/48 hồ sơ dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có 14 dự án được cấp đúng thủ tục, đối tượng, thời hạn sử dụng đất. 27 trường hợp dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn lại đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh thời hạn lâu dài là trái với quy định của luật Đất đai 2003.

Về việc chuyển quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chỉ ra những bất cập liên quan đến 2 đơn vị là Công ty TNHH Thương mại Hà và Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát. Chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng giao cho công ty quản lý và khai thác đất hoặc các ban quản lý dự án. Theo đó, công ty có chức năng khai thác quỹ đất ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư mà UBND không trực tiếp giao đất. Điều này tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất chỉ liên hệ một đầu mối, song chưa đúng với luật Đất đai năm 2003.

Đối với Công ty TNHH Thương mại Hà, năm 2008, UBND TP.Đà Nẵng thu hồi đất của Ban quản lý Sơn Trà-Điện Ngọc và giao cho đơn vị này 150.750 m2. Trong đó diện tích giao đất có thu tiền là 75.000 m2, diện tích cho thuê trả tiền hằng năm là 75.750 m2, tiền sử dụng đất là 39 tỉ đồng. Công ty TNHH Thương mại Hà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cơ sở sản xuất kinh doanh.

Phần đất được giao có thời hạn lâu dài, phần thuê có thời hạn 50 năm nhưng Công ty TNHH Thương mại Hà không sử dụng đất, đầu tư xây dựng theo nội dung dự án mà chuyển tên cho Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát. Ngày 27.11.2010, UBND TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát vào khu đất 150.750 m2 nói trên, tổng số vốn đầu tư là 380 tỉ đồng, thời gian hoạt động 50 năm từ ngày 7.7.2008. Việc này, Bộ Tài nguyên - Môi trường kết luận là trái quy định tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27.1.2006 của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên - Môi trường kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Đà Nẵng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi để xảy ra sai sót và những tồn tại nói trên. Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cần chỉ đạo kiểm tra, lập thủ tục thu hồi các dự án không sử dụng đất quá 12 tháng liền, hoặc những dự án có tiến độ thực hiện chậm quá 24 tháng theo quy định của luật Đất đai 2003, thu hồi những dự án chuyển nhượng đất trái pháp luật.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.Đà Nẵng sớm kiểm tra, rà soát lại các trường hợp dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài vào mục đích sản xuất kinh doanh; TP.Đà Nẵng cần lập trung tâm phát triển quỹ đất.

Theo Thái Uyên - Lê Quân

ngatt

Thanh Niên

Trở lên trên