MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chia nhỏ căn hộ: Chỉ là giải pháp tình thế?

02-11-2012 - 15:49 PM |

Chủ trương chia nhỏ các căn hộ diện tích lớn trong 4 giải pháp giải cứu thị trường bất động sản của Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đang tạo ra những tranh luận sôi nổi.

Giống như nhiều dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM, chủ đầu tư dự án thuộc công ty cổ phần Đức Khải đang còn tồn đọng hàng trăm căn hộ có diện tích lớn trên 100 m2. Thời gian tồn đọng đã khá lâu mà chưa thấy có dấu hiệu sắp bán được. Sau thông tin Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ chấp thuận chủ trương chia nhỏ căn hộ, chủ đầu tư này hiện tính đến phương án phân chia các căn hộ với kỳ vọng sẽ dễ tiêu thụ.
 
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải cho biết: “Trong số hơn 400 căn còn lại chưa bán được đều là căn hộ lớn từ 160m trở lên, giá thành vượt nhu cầu của người tiêu dùng, nếu bộ Xây dựng ban hành một quy chuẩn mới thì chúng tôi cũng xin điều chỉnh”.
 
Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tại 40 dự án ở các quận huyện trên toàn thành phố, có đến 36 dự án có hàng tồn kho chủ yếu rơi vào căn hộ có quy mô từ 90m2 trở lên. Vì vậy, việc chia nhỏ căn hộ là giải pháp cấp thiết và không gây nên hệ luỵ nào đối với hạ tầng xã hội.
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM phân tích, “nếu căn hộ nhỏ thì số lượng người trong căn hộ đó thường là ít người, còn nếu là căn hộ lớn thì nhiều người ở nên thực tế việc chia căn hộ lớn thành nhỏ thì số lượng dân cư vẫn không thay đổi đến mức chúng ta phải lo lắng. Đó là nỗi lo rất chính đáng của những nhà quy hoạch đô thị cũng như của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên đây là chủ trương đáp ứng nhu cầu thực tế, đáp ứng sức mua của thị trường”.

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đồng tình và mong chờ chủ trương này sớm đi vào thực tiễn để họ có thể giải tỏa được một lượng lớn căn hộ đã tồn đọng khá lâu, thì theo nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, việc chia nhỏ căn hộ có diện tích lớn khác hoàn toàn với việc xây dựng căn hộ nhỏ và dễ gây nên những hệ luỵ về hạ tầng xã hội. 

Một số kiến trúc sư cho rằng, việc xây lớn rồi giờ lại chia nhỏ sẽ gây thay đổi toàn bộ cấu trúc của ngôi nhà và hậu quả là kết cấu sẽ không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, chúng sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề phức tạp khác như điện nước, nhà vệ sinh, lối đi độc lập, cảnh quan, mật độ dân số, xin cấp phép… về lâu dài sẽ tạo áp lực lên hạ tầng xã hội xung quanh dự án. Thực tế, ngay cả các doanh nghiệp bất động sản vào lúc này cũng đã nhận thức được những hệ luỵ trên.
 
Chẳng hạn như ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Đức Khải. Theo ông Khải, “đối với những dự án đã có quy hoạch từ đầu, chắc chắn áp lực về hạ tầng xã hội và kết nối sẽ rất ảnh hưởng. Trong trường hợp này đây là giải pháp tình thế tạm thời để xử lý những khó khăn tồn đọng, còn muốn xây dựng nhà diện tích nhỏ thì phải có định hướng rõ ràng”.
 
Trong khi chờ hướng dẫn rõ ràng hơn từ bộ Xây dựng, hiện vẫn chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào thực hiện chia cắt căn hộ và các doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn không biết các căn hộ tồn kho của mình có thuộc dạng được chia hay không và muốn chia thì phải thế nào. Như vậy, hiệu quả của chủ trương chia nhỏ căn hộ để giải cứu thị trường bất động sản cho đến nay xem ra vẫn chưa mấy rõ ràng về tính khả thi.  

Theo Quỳnh Như
VTV

ngatt

Trở lên trên