MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức công bố Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050

30-07-2011 - 00:26 AM |

Chiều 29/7, Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội đã công bố công khai Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 26/7.

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg  phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Chiều nay, ngày 29/7/2011, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức công bố Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội  tại Cung quy hoạch Quốc gia tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi công bố công khai quy hoạch, bắt đầu từ tháng 8 năm 2011 người dân sẽ được xem quy hoạch tại Cung quy hoạch Quốc gia.

Một số nội dung chính trong bản Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng:

Phạm vi quy hoạch khoảng  3.344,6 km2. Định hướng không gian là một chùm đô thị gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông vành đai và các trục hướng tâm.

Đô thị trung tâm

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Được giới hạn phát triển về phía Tây, Nam từ nội đô đến vành đai 4, phía Bắc mở rộng đến Mê Linh, Đông Anh và phía Đông mở rộng đến Gia Lâm, Long Biên.

+ Khu phía Nam sông Hồng sẽ hình thành chuỗi các đô thị mới gồm khu đô thị Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông và Thanh Trì. Đây là khu vực dân cư mới với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đang được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Đến nay, đã có nhiều dự án khu đô thị mới đang được xây dựng trong khu vực này như Khu đô thị Bắc 32, Tân Tây Đô, Vân Canh, Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Geleximco, Dương Nội, Văn Khê, Văn Phú,Thanh Hà,…

+ Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên (phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1); khu đô thị Đông Anh (phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì

+ Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa

 + Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha.

5 đô thị vệ tinh và 3 thị trấn đô thị sinh thái:

Các đô thị vệ tinh này gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai và Phú Xuyên kết nối với khu đô thị trung tâm bằng đường trục hướng Tâm và đường vành đai. Mỗi đô thị có chức năng riêng nhằm hỗ trợ chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, thương mại, công nghiệp, và dịch vụ,…

+ Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3-1,4 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha.

+ Đô thị Hòa Lạc được định hướng là đô thị khoa học và công nghệ, đào tạo. Trọng tâm chính là dự án Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao, và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.  Đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa, du lịch và nghỉ dưỡng. Đô thị Xuân Mại định hướng phát triển là đô thị dịch vụ công nghiệp hỗ trợ. Đô thị Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mới giao thông trung chuyển hàng hóa và Đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái.

+ 3 thị trấn sinh thái gồm Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn được xây dựng và phát triển theo mô hình đô thị sinh thái nghỉ dưỡng với mật độ xây dựng thấp.

Hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại với các trục hướng tâm và đường vành đai

+ Kết nội giao thông Hà Nội được phát triển theo mô hình trục hướng tâm và đường vanh đai kết nối bằng xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị, đường trên cao

+ 7 tuyến cao tốc hướng tâm gồm Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa.

+ Bên cạnh đó, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.

+ Các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5 và  và vành đai 4. Trục Hồ Tây – Ba Vì vẫn được giữ nguyên trong quy hoạch, tuy nhiên, không đi thẳng như trước đó mà sẽ đi theo địa hình từng địa phương, trục Tây Thăng Long được đầu tư xây dựng mới.

+ Đồng thời, xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng, 3 cầu qua sông Đuống, 2 cầu qua sông Đà.

Xây mới trụ sở các cơ quan Trung ương mới tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì

+ Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình.

+Trụ sở cơ quan Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm.

+ Hiện tại một số trụ sở các Bộ đã và đang được xây dựng mới tại khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Công An xây ở khu vực Tây Hồ Tây, dự kiến Bộ Xây dựng cũng sẽ được xây dựng mới ở khu vực này.

Xây mới khu, cụm trường Đại học, bệnh viện, nhà máy gây ô nhiễm tại khu vực ngoại thành

+ Xây dựng mới 3.500-4.500 ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm khoảng 200-250 ha (5-6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600-650 ha (8-10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300-350 ha (4-5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000-1.200 ha (12-15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600-650 ha (8-10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100-120 ha (1,5-2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150-200 ha (2-3 vạn sinh viên).

+ Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia như: trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược - trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và Thành phố tại các khu vực Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50 ha), Hòa Lạc (khoảng 200 ha), Sóc Sơn (khoảng 80-100 ha), Phú Xuyên (khoảng 200 ha), Sơn Tây (khoảng 50 ha).

Bình An

thuatvk

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên