MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh

23-09-2011 - 11:22 AM |

Nguồn vốn đầu tư huy động các nguồn vốn hỗn hợp để thực hiện dự án: Nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, vốn của các nhà đầu tư... Giai đoạn 1 sẽ khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2018.

Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh là một trong những đoạn tuyến có lưu lượng phương tiện lớn, gia tăng mạnh nhất tuyến Bắc - Nam. Bộ GTVT đang tích cực chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng tuyến đường này. Báo cáo cuối kỳ bước lập dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh vừa được Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) hoàn thành báo cáo Bộ GTVT.

Đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa

Đoạn cao tốc này có điểm đầu tại Km260+000 nút giao Cao Bồ, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (là điểm cuối của đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình). Điểm cuối là Km380+705 - là điểm giao với đường trục quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn (nút giao Nghi Sơn). Tổng chiều dài khoảng 121.12 km.

Tuyến cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa được thiết kế với quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 ÷ 120 km/h. Quy mô dự án được xem xét trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, cho thấy đến năm 2030 đường cao tốc cần 6 làn xe.

Đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa sẽ đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với nền 6 làn xe, mặt 4 làn xe mở rộng từ giữa ra. Trên tuyến dự kiến xây dựng 9 nút giao liên thông. Các nút giao được bố trí tại các vị trí giao cắt giữa đường cao tốc với các đường quốc lộ, trục chính đô thị, đường trục chính vào các khu kinh tế, công nghiệp. Trên toàn tuyến bố trí 28 cống chui dân sinh.

Các đoạn đường gom được bố trí hợp lý, kết hợp cầu vượt và cống chui dân sinh để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân qua đường cao tốc. Trên toàn tuyến bố trí khoảng 59 km đường gom và 14,5 km đường ngang dân sinh với quy mô bề rộng nền 5,0m.

Với cầu lớn, có 2 phương án đầu tư đề xuất như sau: Phương án 1: Xây dựng 6 làn xe có làn dừng khẩn cấp hoàn chỉnh từ giai đoạn 1. Phương án 2: Đầu tư xây dựng 6 làn xe chạy không có làn dừng khẩn cấp. Phương án 1 đáp ứng tốt các tiêu chí về kỹ thuật và đảm bảo an toàn trong khai thác.

Tuy nhiên, việc bố trí thêm làn dừng khẩn cấp sẽ làm tăng chi phí xây dựng công trình và khó khăn cho việc mở rộng trong giai đoạn 2. Phương án 2 tuy có hạn chế về an toàn trong lưu thông nhưng có lợi thế giảm chi phí xây dựng công trình và không gặp phải các vấn đề khó khăn trong việc mở rộng giai đoạn 2. Do vậy kiến nghị đầu tư theo phương án 2, trong trường hợp có nguồn kinh phí cho phép thì sử dụng phương án 1.

Trên tuyến sẽ xây dựng 2 hầm, hầm Tam Điệp và hầm Thung Thi mỗi hầm sẽ có 2 hầm riêng biệt cho mỗi chiều xe chạy. Tổng mức đầu tư của dự án, dự kiến: giai đoạn I là 31.406.851 triệu đồng, Tổng cộng cả hai giai đoạn là 33.437.826 triệu đồng.

Do hiện tại chưa rõ cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án, Tư vấn đề xuất 2 phương án nguồn vốn của dự án. Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ chi phí GPMB. Phần còn lại sẽ vay ODA 30%, vay OCR 40%, vốn nhà đầu tư 30%. Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ chi phí GPMB. Phần còn lại vay ODA 50%, vốn nhà đầu tư 50%.

Đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh

Tuyến đường cao tốc này có điểm đầu (Km380+705) nút giao Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Điểm cuối (Km478+917) vị trí nút giao với QL8A thuộc xã Đức Thịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tổng chiều dài toàn tuyến 98.2km. Đây là đường ô tô cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h. Quy mô mặt cắt ngang quy hoạch là 6 làn xe, giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe với phương án phân kỳ là xây dựng 4 làn xe bên ngoài cùng với dải dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc; dải phân cách giữa và 2 làn xe bên trong sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2.

Tất cả các vị trí đường ngang đều phải tổ chức giao khác mức với đường cao tốc. Trong giai đoạn 1, chỉ xây dựng 2 nút giao liên thông là nút giao Diễn Cát (giao với QL7) và nút giao Hưng Tây (giao QL46 tránh thành phố Vinh). Trên toàn tuyến bố trí 64 vị trí cống chui dân sinh, 9 cầu vượt dân sinh, 16 đường chui dưới cầu.

Trên toàn tuyến có 3 hầm đường bộ: hầm Trường Lâm, hầm Thần Vũ 1, hầm Thần Vũ 2.

Tổng mức đầu tư của toàn dự án với quy mô giai đoạn 1 khoảng 31.405 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 3.138 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư huy động các nguồn vốn hỗn hợp để thực hiện dự án: Nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, vốn của các nhà đầu tư... Giai đoạn 1 sẽ khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2018.

Theo Phương Anh
Báo GTVT

ngatt

Trở lên trên