MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên rải thảm bê tông nhựa nóng trên cầu vượt nhẹ?

03-09-2012 - 09:06 AM |

Hà Nội đang có kế hoạch nhân rộng loại hình cầu vượt nhẹ bởi những ưu điểm vượt trội của kết cấu cầu.

Tuy nhiên, việc rải thảm bê tông trên mặt cầu cần xem xét để tránh ảnh hưởng đến kết cấu cầu.

Một trong những yếu tố dẫn đến giá thành cầu vượt nhẹ giảm, thi công nhanh là việc hạn chế tải trọng thiết kế của cầu. Chính vì thế, một số báo chí còn giật tít “cầu siêu nhẹ” không phải vì nó được sử dụng bởi vật liệu nhẹ, mà đơn giản, người ta đã thiết kế chỉ cho phép xe có tải trọng dưới 3/5 tấn chạy qua. Điều này là hợp lý vì trên thế giới, các thủ đô đều được qui hoạch cấm các loại xe tải nặng chạy vào trung tâm thành phố, ngoại trừ các đường trục hướng tâm, đường vành đai.

Tuy vậy, sau khi thi công xong phần cầu, người ta đã tiến hành rải thảm bê tông nhựa (BTN) nóng trên cầu, để đảm bảo cho các phương tiện chạy qua cầu được êm thuận, thoải mái.

Sẽ không có điều gì đáng nói, vì BTN vốn là loại mặt đường (mặt cầu) phổ biến nhất trên toàn thế giới. Người ta chọn nó bởi nhiều ưu điểm như giảm tiếng ồn hơn so với mặt đường bê tông xi măng, thi công nhanh, giá thành hạ, dễ duy tu, bảo dưỡng… Tuy vậy, để thi công lớp mặt cầu bằng BTN này, người ta phải sử dụng một dây chuyền gồm 3 lu để đầm chặt lớp BTN đảm bảo theo thiết kế, trong đó lu nhẹ nhất cũng lên đến 6 - 8 tấn, và nặng nhất là 18 tấn.

Ngoài ra, trọng lượng của máy rải BTN loại nhẹ nhất cũng lên đến 20 tấn. Đương nhiên, máy rải này cũng sẽ phải chạy qua cầu vượt, và đặc biệt trong quá trình thi công, máy rải BTN nóng chạy với vận tốc rất chậm, lại phải guồng xoắn tời BTN ra mặt cầu, đồng thời đầm rung sơ bộ lớp BTN vừa được rải ra (tần số rung có khi lên đến 40-50Hz), tức là đặt cầu vượt chịu lực trong điều kiện bất lợi nhất.

Để thi công lớp BTN nóng, thông thường người ta phải vận chuyển BTN từ trạm trộn đến công trường để rải, mỗi chiếc xe tải nếu chở khoảng 25m3 BTN, cộng với tải trọng bản thân của xe, cũng ngót nghét 80 tấn, và xe tải này, không thể không chạy qua cầu với vận tốc rất chậm (bằng với vận tốc máy rải). Trong trường hợp, vì không hiểu biết, người ta bố trí các xe tải chở BTN  chờ sẵn ở trên cầu (thông thường, để đảm bảo nhiệt độ, tốc độ rải, phải bố trí ít nhất 3 - 5 xe tải chở BTN cho mỗi một đợt rải), nên cầu vượt nhẹ lại phải chịu với tải trọng còn khủng khiếp hơn.

Với phân tích sơ bộ như trên, rõ ràng việc thi công lớp BTN trên cầu vượt nhẹ sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu của cầu, vì các kết cấu cầu chỉ được thiết kế với tải trọng tối đa 3.5 tấn, trong khi tải trọng các phương tiện máy móc, thiết bị để thi công lớp BTN này lên đến gần 100 tấn. Việc thi công lớp BTN trên mặt cầu như vậy, sẽ làm biến dạng kết cấu, hoặc ít nhất cũng làm cho các kết cấu cầu vượt đạt đến trạng thái “mỏi”, ảnh hưởng đến độ an toàn khi khai thác cầu.

Cầu vượt nhẹ được thiết kế với một danh xưng khác là cầu “tạm”, với ý nghĩa đây là giải pháp tạm thời, để giải quyết nhu cầu bức xúc của nhân dân về vấn nạn ùn tắc giao thông. Tuy vậy, rất có thể cầu “Tạm” này sẽ tồn tại hàng chục năm. Do đó, rất cần quan tâm đến độ an toàn của các cây cầu vượt, vì trên thực tế, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt xe chạy qua cầu vượt nhẹ.

Rất cần nghiên cứu các loại hình mặt cầu khác cho các cầu vượt nhẹ đang thi công, thậm chí, kể cả việc duy tu, bảo dưỡng mặt cầu của 2 cây cầu vừa thông xe cũng hết sức chú ý bởi sự an toàn cho các cây cầu này.

Với sự phát triển nhanh về công nghệ thi công, sẽ không quá khó để lựa chọn một loại mặt cầu khác cho cầu vượt nhẹ. Thậm chí vì khống chế vận tốc xe chạy nhỏ hơn 40km/h, nên việc lựa chọn kết cấu mặt cầu, vì thế cũng sẽ đơn giản hơn.

Theo Đất Việt

ngatt

Trở lên trên