MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Di dời Bộ, ngành ra khỏi nội đô: “Đất vàng” thuộc về ai?

13-02-2014 - 12:12 PM |

Được khởi động từ nhiều năm nay, việc “tìm nơi ở mới” cho các Bộ, ngành trung ương trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu.

Nhưng điều đang được dư luận quan tâm là, các mảnh “đất vàng” sau khi các cơ quan này di chuyển đi sẽ được sử dụng như thế nào, ai quản lý…

Đi rồi vẫn muốn ở lại

Yêu cầu di dời các bộ, ngành khỏi khu vực nội đô TP Hà Nội (là khu vực được giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, trên địa bàn 5 quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ) đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Theo Sở QH-KT Hà Nội, tới nay mới có 8 bộ, ngành (trong tổng số 19) được bố trí địa điểm di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới. Quỹ đất đã bố trí di dời các cơ quan này khoảng 20,21ha. Có thể liệt kê một số đơn vị điển hình như Bộ Tài nguyên & Môi trường; Thanh tra Chính phủ; Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an...

Theo Sở QH-KT Hà Nội, quỹ đất để bố trí các cơ quan đề xuất chưa di dời khoảng 77ha. Trong đó, khu trung tâm Tây hồ Tây có quy mô 27ha, chỉ dành bố trí trụ sở mới các bộ. Bên cạnh đó, khu Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, tại xã Mễ Trì (Từ Liêm) sẽ có khoảng 30-50ha đất chờ đón các bộ, ngành. Nơi đây, sẽ bố trí trụ sở mới cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể... Tổng diện tích quỹ đất sau di dời ước tính khoảng 50,8ha. Tuy diện tích không lớn nhưng hơn 50ha đất này được đánh giá là “đất vàng”, có giá trị kinh tế rất lớn vì trụ sở các bộ, ngành phần lớn đều nằm ở mặt đường các tuyến phố trung tâm Thủ đô. Do vậy, sử dụng quỹ đất này như thế nào là vấn đề được dư luận rất quan tâm.

Trong khi đó, theo quan sát của PV, Bộ Nội vụ (trụ sở cũ) ở 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.Hai Bà Trưng) đã xây dựng trụ sở mới tại lô đất D24 – Khu đô thị mới Cầu Giấy. Tuy nhiên, một số cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ vẫn cố nán lại tại trụ sở cũ để làm việc mà vẫn chưa bàn giao lại toàn bộ cho TP Hà Nội quản lý. Cùng với Bộ Nội vụ, thì Bộ TN&MT, Bộ Khoa học Công nghệ cũng cùng chung ý tưởng này. Mặc dù, đã xây dựng và đi vào hoạt động tại lô D24 Khu đô thị mới Cầu Giấy nhưng vài cơ quan trực thuộc Bộ TN&MT vẫn ở lại trụ sở 83 Nguyễn Chí Thanh.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Khi các Bộ được đầu tư để di dời đến trụ sở mới thì đương nhiên không còn quyền lợi, trách nhiệm tại mảnh đất cũ nữa. Tôi cho rằng các Bộ hơi tham lam khi muốn sử dụng trụ sở mới mà không buông tay trụ sở cũ. Họ nên giao lại đất cũ cho TP Hà Nội quản lý và sử dụng sao cho phù hợp với quy hoạch. Việc xây gì, sử dụng các đất trụ sở cũ ra sao phải tuân theo quy hoạch tổng thể, không nên thấy nó đẹp mà xây chung cư, trung tâm thương mại mà nên xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.

Bộ Xây dựng là một trong nhiều bộ có tên trong danh sách phải di dời khỏi nội đô tới khu Tây Hồ Tây. Diện tích xây dựng dự kiến khoảng 2-3 ha. Theo đại diện Bộ Xây dựng thì Bộ Xây dựng sẽ không triển khai xây dựng trụ sở mới, thay vào đó sẽ tiến hành cải tạo sửa chữa để tiếp tục sử dụng. Theo tính toán, việc xây dựng mới cũng mất vài nghìn tỷ, trong khi trụ sở cũ chỉ cần bỏ ra khoảng 100 tỷ để cải tạo thì vẫn sử dụng được vài chục năm.


Mặc dù trụ sở mới Bộ Nội vụ đã đi vào hoạt động nhưng một số cơ quan trực thuộc Bộ vẫn làm việc tại trụ sở cũ (37A Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Ưu tiên xây dựng công trình công cộng

Nhiều Bộ, ngành, cơ quan trung ương đang ở giai đoạn tìm địa điểm xây dựng mới song nhiều chuyên gia, người dân đã lên tiếng đề nghị dành quỹ đất sau khi di dời bộ, ngành cho mục đích công cộng, phục vụ cộng đồng dân cư. Đặc biệt, phải hạn chế tới mức thấp nhất việc cho phép xây dựng các khu nhà ở, căn hộ chung cư cao tầng ở các khu đất này. Bởi nếu như vậy, mục tiêu giãn mật độ dân số cho khu vực nội thành sẽ thất bại.

Về định hướng sử dụng quỹ “đất vàng” ở nội thành sau khi di dời, Sở QH -KT Hà Nội cho rằng các diện tích đất này sẽ được bố trí chức năng sử dụng đất phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm quy định quản lý), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt. Ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị.

Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Chủ trương di chuyển Bộ, ngành của Đảng và Nhà nước là đúng đắn kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Việc di chuyển là để giảm áp lực giao thông, làm cho bộ mặt đô thị tốt hơn, quan trọng hơn là công trình thay thế phải đáp ứng được yêu cầu đô thị tại khu vực đó. Công trình mới không gây áp lực về giao thông , mật độ xây dựng phải thấp hơn công trình cũ .

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Văn Khánh – Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Việc di dời trụ sở các Bộ, ngành không cho xây dựng chung cư như lãnh đạo TP Hà Nội phát biểu cuối năm 2013 thì tốt quá. Mục tiêu là phải giảm tải, trong khi đất giao thông đô thị chỉ có 6% mà nhu cầu thực tiễn là 20-26% nên việc di dời các bộ để phục vụ mục tiêu này rất tốt. Quan trọng là thời gian, và có quyết tâm hay không?

Theo Hiệp Bắc

ngatt

Báo Xây Dựng

Trở lên trên