MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá 'khủng': Hà Nội không thể ngoài cuộc

26-04-2014 - 08:04 AM |

Cùng với thiết kế phải sửa, việc chậm bàn giao mặt bằng cũng khiến dự án tăng hơn 100 triệu USD (chiếm 30% tổng kinh phí đội giá của dự án).

Trách nhiệm này chính quyền TP Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc.

Theo tìm hiểu của PV, trong số 339 triệu USD (7.144 tỷ đồng) đội giá của dự án Đường sắt đô thị (ĐS ĐT) Cát Linh-Hà Đông, có tới 30% trong tổng số này do bàn giao mặt bằng chậm.

Ban Quản lý dự án Đường sắt, Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, mặc dù đã có sự đôn đốc thường xuyên của Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tập trung hoàn thành công tác GPMB đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án, nhưng đến nay công tác này vẫn tiếp tục chậm.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 2/2014 TP Hà Nội phải hạ ngầm xong đường điện đoạn La Thành - Láng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để từ 1/4 khởi công xây dựng Ga Thái Hà, nhưng đến nay đã gần hết tháng 4/2014, việc thi công đường điện ở đây vẫn đang tiếp diễn. “Chưa có mặt bằng đồng nghĩa với việc các đơn vị thi công chưa thể đến khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật. Các ga Cát Linh, Láng, Văn Khê, Yên Nghĩa… cũng trong tình trạng tương tự”, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt, Cục Đường sắt nói.

Còn theo tính toán của Bộ GTVT, riêng hạng mục giải phóng mặt bằng chậm đã khiến dự án phát sinh thêm 88,3 triệu USD (tương đương 1.854 tỷ đồng). “Đây là số tiền phát sinh do công tác GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến tăng chi phí; chi phí xây lắp tăng dẫn đến chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại cũng tăng theo”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Chưa hết, theo tìm hiểu của PV việc dự án phải thay đổi bãi đúc dầm, làm đường tránh QL 6 cũng liên quan đến việc GPMB chậm. Với việc điều chỉnh thiết kế thi công này dự án phát sinh thêm 12,1 triệu USD, trong đó bãi đúc dầm 10,6 triệu USD, đường tránh QL6 1,9 triệu USD (tương đương 254 tỷ đồng).

Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt, Bộ GTVT cho rằng, nếu cộng 88,3 triệu USD do GPMB và công tác di dời chậm với số kinh phí thay đổi bãi đúc dầm và làm đường tránh QL 6 thì số vốn tăng thêm là 100,4 triệu USD (tương đương 2.100 tỷ đồng), chiếm gần 30% tổng số kinh phí phải bổ sung của dự án. Việc GPMB không đáp ứng được tiến độ khiến một số hạng mục phải điều chỉnh, phát sinh chi phí thì các cơ quan chức năng TP Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc.

"Có dự án tăng thêm 200% là bình thường"(?!)

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Giám sát và Thẩm định Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết: “Có dự án khi duyệt vốn thấp, sau đó tăng thêm 200% cũng là bình thường. Thực tế có xu hướng chủ đầu tư phê duyệt giảm vốn để được duyệt nhiều dự án hơn, sau đó lại điều chỉnh tăng vốn”.

Ông Tự nêu ví dụ: Một chủ đầu tư được phân bổ vốn 100 triệu USD, số tiền đủ làm 1 dự án, nhưng chủ đầu tư chỉ duyệt 60-70 triệu USD cho dự án đó. Số tiền còn lại đem duyệt thêm cho 2 dự án nữa, vậy là chủ đầu tư có 3 dự án. Khi thực hiện sẽ xin tăng vốn. Với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tăng vốn thêm hơn 300 triệu USD, ông Tự cho rằng, nếu đơn vị tính toán, phê duyệt không đúng phải chịu trách nhiệm.

Trả lời về nghi vấn “đánh trống ghi tên” để xin vốn với giá thấp rồi khi thi công xin đội giá, đưa cơ quan cấp vốn vào thế đã rồi như trên, ông Trần Văn Lục (Giám đốc Dự án này) thừa nhận: Trong việc thực hiện các dự án đầu tư có tình trạng này và xảy ra nhiều tại các dự án địa phương xin vốn trung ương. Tuy nhiên, ở dự án này ông Lục nói: “Vấn đề này phải được xem xét cụ thể từ việc lập dự án”.

Cơ quan đưa ra nghiên cứu, dự toán ban đầu cho dự án này là Tổng Cty Tư vấn Thiết kế GTVT (Tedi) thuộc Bộ GTVT. Ngày 25/4, Tổng GĐ Tedi Phạm Hữu Sơn cho biết đang chỉ đạo các bộ phận thực hiện dự án này tập hợp để báo cáo, xem xét trách nhiệm theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Theo Ban QLDA Cát Linh - Hà Đông, điểm “khó hiểu” nhất của Tedi trong dự án này là không đưa hạng mục xử lý nền đất yếu tại khu vực ga đầu mối vào phương án kỹ thuật và dự toán ban đầu; cho dù cơ quan này biết có nền đất yếu. Trong đề xuất điều chỉnh vốn, riêng việc bổ sung cho hạng mục xử lý nền đất yếu chiếm 13,54 triệu USD. Về vấn đề này, ông Sơn nói: “Có nhiều yếu tố kỹ thuật chi tiết và quan điểm khác nhau nên đã dẫn đến việc này. Chúng tôi đang chỉ đạo làm rõ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Sanh, Cục trưởng Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục đã tiến hành họp để triển khai xem xét dự án này dưới góc độ giá xây dựng. Trước hết, sẽ đối chiếu giá dự án này với dự án đường sắt đô thị của TPHCM.

Phát ngôn thiếu trách nhiệm, Cục trưởng Đường sắt bị đình chỉ


Ngày 25/4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký quyết định tạm đình chỉ chức Cục trưởng Đường sắt Việt Nam với ông Nguyễn Hữu Thắng, do ông Thắng có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm liên quan đến Dự án đường sắt Đô thị Hà Nội (tuyết Cát Linh - Hà Đông), gây bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.


Bộ trưởng Thăng yêu cầu ông Thắng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn, đồng thời lý giải nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư (thêm hơn 300 triệu USD) dẫn tới phải điều chỉnh dự án nói trên, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 7/5. Ông Trần Phi Thường (Phó Cục trưởng Đường sắt Việt Nam) được chỉ định phụ trách Cục Đường sắt trong thời gian ông Thắng bị tạm đình chỉ chức vụ.


Trước đó trả lời báo chí về việc đội giá Dự án đường sắt Đô thị Hà Nội thêm hơn 300 triệu USD, ông Thắng nói: “Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.


Theo Nhóm PV Kinh Tế

ngatt

Tiền Phong

Trở lên trên