MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường vành đai 5 Hà Nội đi qua 8 địa phương

28-08-2012 - 17:00 PM |

Với chiều dài hơn 385 km, chi phí đầu tư khoảng 86.473 tỷ đồng, Dự án Đường vành đai 5 là công trình giao thông lớn nhất ở vùng Thủ đô Hà Nội.

“Đến thời điểm này, đã có thể hình dung sơ bộ diện mạo của tuyến vành đai ngoài cuối cùng của Hà Nội”, ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) – đơn vị đang tiến hành lập Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 5 cho biết.

Theo báo cáo giữa kỳ về lập Quy hoạch chi tiết tuyến đường do Ban Quản lý Dự án Thăng Long trình, tuyến đường vành đai 5 sẽ là sự kết hợp của đường cao tốc và đường cấp I - II đồng bằng 4 – 6 làn xe. Tuyến đường tương lai có chiều dài hơn 385 km sẽ có điểm đầu và điểm cuối tại Km 383 + 300 trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Tuyến vành đai ngoài cùng này sẽ đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố là Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang và Thái Nguyên, với các điểm khống chế chính là các đô thị vệ tinh lớn xung quanh Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch với bán kính khoảng 50 - 60 km.

“Mục tiêu chính của đường vành đai 5 là kết nối các khu đô thị vệ tinh xung quanh Thủ đô Hà Nội; góp phần giải tỏa, phân luồng các phương tiện giao thông trên các trục đường cao tốc và hướng tâm vào nội đô”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), tuyến đường sẽ giao cắt và kết nối một loạt tuyến đường xuyên tâm hướng vào Thủ đô Hà Nội, gồm đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, tại cuộc họp thông qua báo cáo giữa kỳ vừa được Bộ GTVT thông qua vào đầu tháng 8, cơ quan phê duyệt Quy hoạch đã tạm thống nhất quy mô đầu tư của đường vành đai 5.

Theo đó, đoạn đường Vành đai 5 từ Sơn Tây (đường Hồ Chí Minh) đến Bắc Giang (đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn) sẽ được xây dựng quy mô cao tốc; các đoạn còn lại quy mô đường cấp II (xem xét nâng cấp khi có nhu cầu và nguồn lực). Giai đoạn trước mắt chỉ xây dựng theo quy mô 2 - 4 làn xe nhằm sớm hình thành đường Vành đai 5 khép kín.

Ngoài việc tính toán lại quy mô đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường còn yêu cầu tư vấn tiếp tục làm việc với các địa phương để thống nhất về hướng tuyến, phân kỳ đầu tư và kết hợp với quy hoạch địa phương để có thể tận dụng tối đa các dự án đang triển khai. Mốc tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết mà lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu tư vấn thực hiện là cuối quý IV/2012.

Trước đó, đơn vị tư vấn ước tính tổng chi phí để khép kín đầu tư tuyến vành đai 5 này vào khoảng 86.473 tỷ đồng. Trên thực tế, nếu tính cả hàng chục đầu dự án đang triển khai, tổng mức đầu tư thực tế cho tuyến đường sẽ còn tăng gấp nhiều lần.

Liên quan tới việc phân kỳ đầu tư, Dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I (trước năm 2020) có chi phí khoảng 19.311 tỷ đồng sẽ bao gồm việc xây dựng các đoạn để khép kín vành đai với quy mô tối thiểu đường cấp III, 2 làn xe.

“Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT sẽ tổ chức công bố quy hoạch để các địa phương quản lý mặt bằng. Bộ GTVT sẽ ưu tiên đầu tư các đoạn trọng điểm quốc gia đi trùng quốc lộ, đường cao tốc. Với các đoạn tuyến còn lại, Bộ ủng hộ các địa phương huy động mọi nguồn lực để đầu tư”, ông Trường cho biết.

Theo Anh Minh

Đầu Tư

ngatt

Trở lên trên