MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khổ vì dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

23-07-2012 - 07:06 AM |

Người dân chưa được nhận tiền bồi thường, không được xây dựng, sửa chữa nhà, trồng thêm cây mới.

Hơn 2.000 gia đình nông dân ở Tiền Giang đang lâm vào cảnh khốn khó vì dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gần hai năm qua không triển khai thi công. “Dự án cứ treo hoài khiến người dân trong xã không thể làm ăn gì được” - ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè, Tiền Giang), ngao ngán.

Điêu đứng vì dự án treo

Mỹ Đức Tây là một trong 13 xã của huyện Cái Bè bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Toàn xã có hơn 19 ha vườn cây ăn trái đặc sản (ở hai ấp Mỹ Nghĩa 1 và Mỹ An) bị thu hồi, 125 gia đình mất một phần hoặc toàn bộ nhà cửa, đất đai.

Ông TrầnVăn Mười, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Nghĩa 1, dẫn chúng tôi đến nhà ông Bùi Văn Don ở tổ 13. Căn nhà kiên cố trị giá 400 triệu đồng và hơn 3.000 m2 vườn cây ăn trái nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đã bị ông Don bỏ hoang hơn một năm qua. “Nhà nước đã công bố quy hoạch dự án, kê biên nhà cửa, cây trái nhưng chờ hoài không thấy đả động đến chuyện bồi thường, thu hồi đất. Vì thế ông Don phải dọn đi xứ khác tìm kế sinh nhai bởi tâm trạng đâu mà chăm sóc vườn cây ăn trái” - ông Mười nói.

Ở tổ 10, gia đình ông Nguyễn Văn Luận cũng bỏ luôn căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng và gần 9.000 m2 vườn trồng các loại cây ăn trái đặc sản như cam sành, mãng cầu để đi xứ khác sinh sống. Đau lòng hơn, sau khi đã xác định phạm vi giải phóng mặt bằng, ông Luận bỏ gần 100 triệu đồng thuê người bốc năm ngôi mộ của người thân đến nơi khác chôn cất, xây nhà mồ hoành tráng. Nhưng vừa xây xong thì dự án được điều chỉnh, khu mộ lại nằm trọn trong mốc lộ giới mới. “Bây giờ gia đình lại tiếp tục phải tìm đất di dời khu mộ. Mồ mả ông bà quật lên chôn xuống nhiều lần, đau lòng lắm” - ông Nguyễn Văn Năm, em trai ông Luận, buồn rầu nói.

Một cán bộ UBND huyện Cái Bè cho biết đoạn cuối của đường cao tốc đi qua vùng vườn cây ăn trái đặc sản của huyện với lợi nhuận bình quân khoảng 100-200 triệu đồng/năm. Dự án treo hoài, người dân không có điều kiện cải tạo, canh tác vườn cây nên đời sống ngày càng khó khăn. “Sau khi công bố quy hoạch, Nhà nước buộc dân làm cam kết không xây dựng, sửa chữa nhà, không trồng thêm cây mới. Vườn thì bỏ hoang, nhà cửa hư dột, xuống cấp mà không cho sửa, không có chỗ ở đàng hoàng nên ai cũng căng thẳng, bức xúc” - ông Mười nói thêm.

Chưa biết khi nào triển khai tiếp

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng, được phát lệnh khởi công vào ngày 29-11-2009, dự kiến hoàn thành trong quý II-2013. Lúc đầu dự án do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) làm chủ đầu tư. Nhưng sau khi khởi công, dự án tiến hành đến giai đoạn kê biên nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng trong phạm vi giải phóng mặt bằng rồi… ngưng luôn cho đến nay.

Hiện Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV đã trả lại dự án và Công ty Cửu Long CIPM tiếp tục được Bộ GTVT giao chuẩn bị các phương án tài chính cho dự án. Theo tính toán vào tháng 4-2012 của Cửu Long CIPM, vốn đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đội lên hơn 22.000 tỉ đồng và nếu có nguồn đầu tư suôn sẻ thì có thể thi công từ tháng 6-2013.

Dù vậy, đầu tháng 7-2012, khi người dân chất vấn khi nào dự án sẽ thi công, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, vẫn thông tin chưa biết khi nào dự án hoành tráng này sẽ tiếp tục triển khai. Theo ông Khang, UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT về dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời hiện chưa có vốn, cũng không kêu gọi được nguồn đầu tư nên dự án vẫn tiếp tục nằm trên giấy!

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài toàn tuyến 54 km, mặt đường rộng 25,5-26,5 m cho bốn làn xe chạy với vận tốc 120 km/giờ. Đây là dự án quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng ĐBSCL, đồng thời góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A.

HÙNG ANH

ngatt

Trở lên trên