MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị cho thế chấp BĐS để vay vốn nước ngoài

31-08-2011 - 15:55 PM |

"Người tiêu dùng hiện nay đang có thái độ bi quan và thiếu tin tưởng vào thị trường BĐS. Cả nhà quản lý, nhà đầu tư đều phải tìm mọi giải pháp để nâng cao tâm lý lạc quan cho người tiêu dùng".

Đây là ý kiến của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, thị trường bất động sản Việt Nam hiện còn đang ở cấp độ phát triển thấp, các thành tố của thị trường hình thành chưa đầy đủ.

Hệ thống văn bản chưa theo kịp những diễn biến thực tiễn của cuộc sống. Vô hình trung, những phức tạp của trình tự thủ tục cũng như những điều chưa được định lượng trong chính sách đã làm cho chi phí của các dự án tăng cao. Trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều dự án bị kéo dài, vì các văn bản pháp quy không phân định rõ trách nhiệm của các bên trong một sự việc.

Ông Bá cho rằng, nhiệm vụ tổ chức quản lý thị trường bất động sản hiện được giao cho một số cơ quan nhà nước, đồng thời phối hợp thực hiện theo chức năng quản lý (như Bộ Xây dựng quản lý nhà, thị trường bất động sản, Bộ Tài chính quản lý thuế, quỹ bất động sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về đất đai…), nhưng về lâu dài, để đảm bảo tính tổng thể và đồng bộ, cần có một cơ quan đầu mối quản lý cấp nhà nước về bất động sản và thị trường bất động sản.

Ông Đặng Hùng Võ khẳng định, trong hoàn cảnh hiện nay, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng nhưng không thể "đột quỵ", không thể gây ra tác động xấu cho thị trường tiền tệ, không thể gây ra khủng hoảng tài chính. Ông Võ lý giải, trên thực tế, dư nợ tín dụng từ thế chấp bằng bất động sản ở nước ta hiện đang dưới mức 10% tổng dư nợ. Ở mức này, những đổ vỡ thị trường bất động sản nếu có cũng không thể gây ra đổ vỡ cho thị trường tài chính. Thứ nữa, giá cả bất động sản hiện nay vẫn ở mức cao hơn giá cả sản xuất. Các nhà sản xuất bất động sản có giảm giá 20% nữa cũng vẫn chưa xuống dưới giá cả sản xuất. Như vậy, thị trường bất động sản chưa thể rơi vào tình trạng "vỡ bong bóng" được.

"Giá nhà ở đang thấp thì quá tốt, đừng cấp tín dụng để giá lại cao hơn, làm tăng thêm CPI", ông Võ nói và cho rằng, nếu tiếp tục bơm tín dụng vào đầu tư bất động sản là đi ngược lại giải pháp kiềm chế lạm phát đã được xác định. Kiến nghị chuyển nợ tín dụng từ nhà đầu tư sang người mua nhà cũng là một kiến nghị phi thực tế, giúp cho nhà đầu tư sạch nợ nhưng lại chuyển phức tạp cho các ngân hàng thương mại.

Theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng nên xem xét giải pháp cho phép thế chấp bằng bất động sản để vay vốn nước ngoài. Hiện nay, pháp luật của ta không cho phép thế chấp bằng bất động sản để vay vốn của các ngân hàng thương mại có pháp nhân nước ngoài do cảm thấy khó khăn trong giải quyết về quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam. Đây là một giải pháp lớn về vốn cho đầu tư bất động sản, nhưng cần tới những điều chỉnh về chính sách, pháp luật đất đai.

Cũng theo ông Võ, sớm hay muộn thì vấn đề điều chỉnh pháp luật đất đai nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải là nhà đầu tư được nắm giữ đất đai ở Việt Nam (có thời hạn) cũng phải làm.

"Nhu cầu giải quyết thế chấp chỉ là một mặt, việc điều chỉnh cũng cần để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầy đủ vào thị trường chứng khoán và vào quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở nước ta, những việc mà chúng ta phải làm trước thời hạn phải thực hiện khi là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)", ông Võ nói.

Theo Minh Nhật
ĐTCK

ngatt

Trở lên trên