MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Đất đai sẽ quy định trường hợp thu hồi đất

18-11-2013 - 13:11 PM |

Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc về thu hồi đất và các trường hợp được thu hồi đất...

Sáng 18-11, Quốc hội đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp (khoản 3 Điều 51), cùng với việc bổ sung cụm từ “doanh nhân”, có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của doanh nghiệp vào khoản 3 Điều 51. Ủy ban DTSĐHP tán thành với ý kiến nêu trên và thấy rằng, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là rất quan trọng, đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này và thể hiện tại khoản 3 Điều 51 của dự thảo.  

Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 54 nội dung: “được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt” trước cụm từ “vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia...”. Có ý kiến băn khoăn về cụm từ “thật cần thiết” trong các trường hợp thu hồi đất vì rất khó xác định. Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, để tránh lạm dụng và hạn chế việc thu hồi đất tùy tiện, Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc về thu hồi đất và các trường hợp được thu hồi đất; còn thẩm quyền xem xét, phê duyệt, quyết định cụ thể và xác định như thế nào là trường hợp “thật cần thiết” để thu hồi đất thì sẽ do Luật đất đai quy định. Do đó, Ủy ban DTSĐHP xin phép Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất như dự thảo.

Về trưng dụng đất (khoản 4 Điều 54): Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn các trường hợp trưng dụng đất theo hướng: Nhà nước chỉ trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai. Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban DTSĐHP đề nghị cho chỉnh lý lại khoản 4 Điều 54 về các trường hợp Nhà nước trưng dụng đất như dự thảo.

Về bảo vệ Tổ quốc (Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 64 hoặc Điều 65 quy định “Lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ”.  Tuy nhiên, theo Ủy ban DTSĐHP, nội hàm của lực lượng vũ trang đã được cụ thể hóa trong các điều 65, 66 và 67 của dự thảo Hiến pháp và các luật chuyên ngành. Vì vậy, không cần thiết phải có một khoản riêng định nghĩa về lực lượng vũ trang trong Hiến pháp. 

Theo Phan Thảo

ngatt

Sài Gòn Giải Phóng

Trở lên trên