MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật Đất đai (sửa đổi): Những vấn đề “nóng'’ tại Nghị trường

19-11-2012 - 21:01 PM |

Rất nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực đất đai đã được Quốc hội thảo luận ngày 19/11, qua đó góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 5 giữa năm 2013.

Quốc hội đã dành thời gian cả ngày 19/11 để thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đông đảo người dân hết sức quan tâm. Sau 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003 đã đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên còn nhiều điểm bất cập, chính sách pháp luật đất đai thay đổi chậm so với thực tiễn, gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, việc sửa đổi Luật đất đai là yêu cầu cấp bách và cần sớm thực hiện.

Tại phiên thảo luận đã có 52 ý kiến được đưa ra, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào những vấn đề còn bất cập, những vấn đề “nóng” hiện nay như sở hữu đất đai, cơ chế thu hồi đất, giá đất bồi thường, hạn mức giao đất nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,…

Đa số ý kiến của đại biểu quốc hội đã nhất trí với quan điểm về sở hữu đất đai đó là mà Dự thảo Luật đưa ra đó là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;Quyết định mục đích sử dụng đất; Quy định về hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất;Quyết định thu hồi đất,…

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mặc dù là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện và thực hiện các quyền nhưng hết sức coi trọng đến lợi ích, quyền lợi của người dân. Cũng có một số ý kiến nên cho sở hữu tư nhân đối với một số loại đất như đất ở.

Giá đất đền bù còn mơ hồ

Giá đất là một chủ đề được các đại biểu rất quan tâm. Giá đất nền được thống nhất mức giá bồi thường tại các địa phương, không nên quy định phần hỗ trợ vì dễ xảy ra khiếu kiện. Giá đất bồi thường phải theo đúng với thời điểm thu hồi trên cơ sở có tính đến công sức đầu tư của người sử dụng đất, nhưng không tính phần tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước.

Với những trường hợp thu hồi nhằm mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng,…có ý kiến cho rằng giá đất bồi thường các trường hợp này bằng giá đất do nhà nước quy định. Còn với các trường hợp bồi thường phát triển kinh tế thì phải áp dụng giá thỏa thuận với dân. Cũng có ý kiến thành lập cơ quan định giá đất độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi thay cụm từ “giá đất sát với giá thị trường” bằng cụm từ “phù hợp với giá thị trường” vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng, ná ná giống nhau, chứ không có gì khác biệt.

Có đại biểu cho rằng nên chăng cần phải tìm cụm từ khác phù hợp hơn nhưng phải đảm bảo theo nguyên tắc giá thị trường. Vị này đề xuất thay cụm từ “ giá phù hợp với giá thị trường” bằng “giá công bằng”, vì từ “công bằng” cũng đã bám sát được tình hình thực tế thị trường.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), “giá phù hợp với thị trường” dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Thế nào là giá phù hợp với thị trường? Điều này dễ dẫn đến các tranh chấp, lách luận cho các bên liên quan. Ví thế quy định này còn mập mờ, chưa rõ ràng cần xem xét lại.

Cơ chế thu hồi đất cần quy định rõ ràng

Đa số các đại biểu thống nhất cơ chế “Nhà nước sẽ chủ động đứng ra thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch sau đó sẽ giao đất, cho thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất.” mà Dự thảo Luật đề ra.

Nhưng, bên cạnh đó một số đại biểu đề nghị làm rõ Nhà nước thu hồi khi thực sự cần thiết, và cần đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần có cơ chế hoãn đổi đất.

Một số đại biểu nhấn mạnh: “đề nghị làm rõ một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Những trường hợp nhằm mục đích sản xuất kinh doanh thì trưng mua chứ không phải là thu hồi.”

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quyền thu hồi đất của Nhà nước là quá rộng, nên thu hẹp lại quyền thu hồi đất của Nhà nước. “Đối với mục đích phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia thì để Nhà nước thu hồi, còn với mục đích sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội thì phải có cơ chế thỏa thuận dân sự, chứ không phải là thu hồi.” ông Lợi nói.

Về thẩm quyền thu hồi đất nên giao cho UBND cấp tỉnh không nên giao cho cá nhân chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Về bồi thường hỗ trợ tái định cư: Đa phần đại biểu cho rằng phải đảm bảo được nguyên tác công khai, công bằng,dân chủ, đúng pháp luật. Để người sử dụng đất được bồi thường theo đúng mục đích sử dụng đất hợp pháp.

Làm rõ lợi ích của người dân được hưởng đến đâu trong vấn đề bồi thường tái định cư. Đối với trường hợp chênh lệch địa tô khi thu hồi đất trồng lúa để chuyển thành đất ở, đất KCN, vấn đề bồi thường phải đảm bảo nguyên tắc cuộc sống của người dân phải ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi bị thu hồi đất.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Đa số đại biểu cho là việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 3 cấp là hợp lý (cấp Quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện). Không có quy hoạch ở cấp xã mà quy hoạch ở cấp xã được tích hợp vào cấp tỉnh và cấp huyện.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch: Có nhiều ý kiến cho rằng đề nghị quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Quốc hội, và bổ sung quyền hạn của HĐND, nhất là HĐND cấp tỉnh. Cần công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tránh đầu cơ, trục lợi.

Về hạn mức giao đất nông nghiệp: Đa số đại biểu kiến nghị là nên mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp và hạn mức giao đất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác đề nghị thời hạn giao đất nông nghiệp ngắn hơn chẳng hạn như 30 năm thay vì 50 năm. Có ý kiến còn cho rằng nên giao đất vô thời hạn.

Về thế chấp quyền sử dụng đất đất tại các ngân hàng nước ngoài: Đa phần các đại biểu Quốc hội cho là vấn đề này cần nên cân nhắc kỹ lưỡng, không nên quy định trong Luật.

Mạnh Dũng

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên