MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội đồng ý tăng chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh

29-11-2013 - 16:02 PM |

Với hơn 94% đại biểu tán thành, chiều nay 29/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung trong chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Tăng chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh

Chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội khóa 11 quyết định tại nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 với tổng chiều dài toàn tuyến đường: 3.167 km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km; tuyến nhánh phía Tây dài 500 km).

Điểm đầu của tuyến đường: Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối của tuyến đường: Đất Mũi (Cà Mau). Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 8 làn xe. Nền đường và khoảng hai phần ba tuyến đường được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.



Kết quả biểu quyết của Quốc Hội chiều ngày 29/11.

Ở “Nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11” vừa thông qua, nhiều đề nghị của Chính phủ đã được chấp thuận.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh được điều chỉnh từ 3.167km thành 3.183km (trong đó tuyến chính là 2.499km, nhánh phía Tây 684km), tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng.

Hướng tuyến điều chỉnh đi qua 28 tỉnh, thành phố, so với Nghị quyết 38/2004/QH11 giảm 2 tỉnh, thành gồm TP Hồ Chí Minh và An Giang. 28 tỉnh, thành phố dự án đi qua gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 8 làn xe. Song để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải và các quy hoạch, dự án có liên quan khi nghiên cứu, hoạch định quy mô các đoạn tuyến của đường Hồ Chí Minh đã tính đến sự phân bổ lưu lượng trong toàn hệ thống để đưa ra quy mô dự án phù hợp với thực tế, Quốc hội đã thông qua đề nghị của Chính phủ vè điều chỉnh mặt cắt ngang đường được quy hoạch chi tiết cho từng đoạn với quy mô tối đa là 6 làn xe.

Về tiến độ, Quốc hội yêu cầu đến năm 2020, hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Còn sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.

Nghị quyết của Quốc hội chỉ rõ, nguồn vốn đầu tư để thông tuyến vào năm 2020 gồm: Vốn trái phiếu Chính phủ tập trung cho các dự án thành phần cấp thiết do Quốc hội quyết định. Vốn ODA và các hình thức đầu tư khác (BT, BOT, PPP) được sử dụng để hoàn thành các dự án thành phần còn lại.

Lan Anh

cucpth

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên