MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch chung Hà Nội: Đã cân nhắc kỹ trên lợi ích chung

29-07-2011 - 07:27 AM |

Sự bất nhất trong xây dựng quy hoạch dẫn đến việc phải thay đổi nhiều lần dự thảo quy hoạch, khiến nhiều nhà đầu tư “chết” vì làn sóng ăn theo quy hoạch.

Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường. Quy hoạch này đã tiếp thu ý kiến phản biện của Quốc hội, xã hội về nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là việc không lập trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì.

Chùm đô thị Hà Nội

Điểm mới của quy hoạch này là cấu trúc chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Theo quy hoạch, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
 
Trong đó, khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Khu nội đô mở rộng bao gồm: Khu mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường Vành đai 4) gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì; khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ gồm 3 khu vực chính: Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên; khu đô thị Đông; khu thể thao mới TP Hà Nội và của quốc gia, trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội và vui chơi giải trí của thành phố; khu đô thị Mê Linh - Đông Anh.

Ngoài ra, khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của thủ đô. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.

Cũng theo quy hoạch này sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị này có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ... Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu và các thị trấn mới.

Không thể chạy theo lợi ích cục bộ

Điều thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất trong bản quy hoạch này là việc Chính phủ quyết định hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình.

Tuy nhiên, trước đó dự thảo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 khi được Chính phủ trình ra Quốc hội vào năm ngoái với dự định đưa Ba Vì trở thành trung tâm hành chính quốc gia đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Quốc hội cũng như dư luận xã hội. Sau đó, Hà Nội đã kiến nghị không dời trung tâm hành chính lên Ba Vì. Khái niệm trung tâm hành chính quốc gia cũng đã không còn tồn tại từ tháng 6-2010 vì sau đó, tiếp thu ý kiến của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ về quy hoạch này đã không nhắc đến trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì.

Lần này, đánh giá về việc Chính phủ quyết định trung tâm hành chính - chính trị quốc gia vẫn đặt tại Ba Đình, không quy hoạch các cơ quan Chính phủ tại Ba Vì trong quy hoạch vừa được công bố, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là một quyết định phù hợp với thực tế và hợp lòng dân.

Với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, hiện dư luận vẫn cho rằng có hay không sự bất nhất trong xây dựng quy hoạch dẫn đến việc phải thay đổi nhiều lần dự thảo quy hoạch, khiến nhiều nhà đầu tư “chết” vì làn sóng ăn theo quy hoạch.

Về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định, không nên gọi đây là sự bất nhất trong quy hoạch. “Việc Quốc hội, Chính phủ tiếp thu phản biện xã hội và có sự điều chỉnh cho phù hợp, đó là điều cần thiết, được dư luận xã hội rất hoan nghênh. Tôi cho là trong thời gian qua, không phải nhà đầu tư chạy theo quy hoạch mà có chuyện quy hoạch “chạy theo” nhà đầu tư. Thực tế là nhiều “đại gia”, trong đó có không ít quan chức đã mua  đất tại khu vực Ba Vì -  Hà Tây cũ và muốn “lái” quy hoạch về hướng đó. Thế nhưng, quy hoạch thủ đô không thể chạy theo lợi ích hay ý đồ của của một bộ phận nào trong xã hội. Quy hoạch phải được cân nhắc kỹ trên lợi ích chung thủ đô và của đất nước”, ông Liêm cho biết.

Tuy nhiên có một thực tế là lâu nay trong quá trình xây dựng dự thảo quy hoạch, khi thông tin về các đô thị vệ tinh cũng như các khu - cụm đại học, bệnh viện mới được rò rỉ, hàng loạt nhà đầu tư đã tiến hành “săn” đất ở những khu vực này.

Thời gian qua, giá đất ở các địa bàn Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đông Anh, Láng - Hòa Lạc, Gia Lâm, Chúc Sơn... không ngừng được thổi lên, làm lợi cho nhiều người. Đó cũng là hệ quả khó tránh của những lần thay đổi quy hoạch, vấn đề là quản lý, kiểm soát để thị trường bất động sản sát với thực tiễn, không xảy ra tiêu cực.

Theo Phan Thảo - Bích Nguyên
SGGP

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên