MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội sẽ có sự thay đổi

12-04-2012 - 11:41 AM |

Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội”.

Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội luôn làm đau đầu những nhà quản lý và các nhà nghiên cứu văn hóa. Nhiều năm nay, người ta loay hoay tìm giải pháp làm thế nào để đưa ra hình thức bảo tồn hợp lý nhất cho khu phố cổ - một trong những đô thị di sản văn hóa bậc nhất của quốc gia.

Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo “Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội”. Bản dự thảo này gây náo nức cho những người yêu phố cổ và những giá trị truyền thống. Người ta chờ đợi sẽ có một sự thay đổi tích cực cho khu phố mà từ lâu đã đi vào áng văn: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”.

Có một "siêu thị khổng lồ" trong lòng Hà Nội

Có lẽ, trên thế giới không có một khu phố nào lại có lối kiến trúc và sinh hoạt độc đáo như khu phố cổ Hà Nội. Đến đây, bạn như bước vào một thế giới khác, không thấy xuất hiện bóng dáng của những tòa nhà chọc trời, không phải là những con phố lộng lẫy với những làn đường rộng rãi, lại càng tuyệt nhiên không có siêu thị hiện đại. Nhưng, khu phố cổ lại được coi là trung tâm mua sắm, một đô thị bậc nhất của Hà thành được hình thành từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ thứ XIX, và cho đến nay khu phố cổ mang trong mình những nét đặc trưng rất riêng.

Đó là những con phố ngắn bắt đầu bằng từ "Hàng", mà mỗi con phố đều có gốc tích gắn với một làng nghề truyền thống nào đó. "Hà Nội 36 phố phường" là nói đến khu phố cổ. Phố cổ Hà Nội khác xa với phố cổ Hội An, hay khác xa với tất cả các khu phố cổ khác trên thế giới. Nếu phố cổ Hội An chỉ dừng lại ở những mặt hàng tơ lụa được cập bờ từ vùng biển Hội An - Đà Nẵng và do các người thợ lành nghề ở Hội An khéo léo tạo ra hay từ lâu nơi đây nổi tiếng với kiến trúc nhà gỗ giản dị đều đặn, thẳng hàng quy củ,  cuộc sống yên bình thơ mộng thì khu phố cổ Hà Nội thể hiện sự tưng bừng, ồn ã, náo nhiệt, sầm uất của đất kinh kỳ.

Khu phố cổ Hà Nội tập trung các làng nghề tinh túy, những phường hội của nhiều vùng đất khác đến để cạnh tranh giao thương. Từ đây, mỗi con phố tượng trưng cho một mặt hàng truyền thống và nó được đắp bồi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác với tên gọi của các con phố gắn với mặt hàng sản xuất và bày bán ngay tại tuyến phố như Hàng Bạc, Hàng Da, Hàng Đồng, Hàng Tre, Hàng Bông, Hàng Mắm, Hàng Mã, Hàng Mành…

Ngày nay, qua thời gian khu phố cổ mang bộ mặt vừa già nua của lão ông lụ khụ, vừa tươi mới của thời kỷ hội nhập. Đâu đó, người ta thấy mất đi bóng dáng của những ngôi nhà cổ, những con phố nghề được thay bằng mặt hàng mới cho phù hợp với đời sống hiện đại. Trên phố Mã Mây một thời trưng dụng đồ mây tre đan thì giờ nhường chỗ cho quán hàng ăn, hay biển hiệu thuốc tây, và trong những con phố cổ thi thoảng mọc lên hotel mini xinh xắn. Đáng ngạc nhiên hơn phố Hàng Bè xưa nổi tiếng với chợ Hàng Bè thì nay đã là một con phố lai. Gọi là phố lai vì nó là phố cổ nhưng lại chằng chịt bởi biển hiệu hotel và các dịch vụ cafe Internet chủ yếu để phục vụ cho du khách nước ngoài.

Phố Hàng Đào, Hàng Ngang được biết đến với thương hiệu lụa tơ tằm nức tiếng Hà Đông nhưng giờ là bạt ngàn quần áo mang nhãn mác "made in China". Phố Hàng Nón đến cuối những thập niên 80 vẫn còn giữ được mặt hàng truyền thống thì giờ đã là con phố thời trang với ngập tràn sản phẩm áo quần ngoại nhập. Bên cạnh con phố mất đi mặt hàng truyền thống, vẫn còn nhiều tuyến phố lưu giữ được sản phẩm cổ truyền của mình.

Bạn sẽ bắt gặp vô vàn điều thú vị khi lạc vào mê cung của những con phố đó. Phố Hàng Đường với thập cẩm các loại ô mai hảo hạng, đặc sản của đất kinh kỳ. Phố Hàng Thiếc với những tiếng gò hàn chí chát hay phố Hàng Bạc sản phẩm đa dạng nhiều mẫu mã độc đáo tinh xảo của chất liệu vàng bạc được qua bàn tay chế tác điêu luyện của các nghệ nhân. Phố Hàng Mã với sản phẩm dành cho thế giới tâm linh cúng lễ.

Một điều quyến rũ của khu phố cổ đó là mùi vị của những quán hàng ăn từ trong nhà cho đến vỉa hè. Ẩm thực quả là một điều tuyệt vời với phố cổ. Đi từ đầu phố đến cuối phố trong khu vực phố cổ bạn sẽ ngửi thấy đủ các mùi vị ngạt ngào của đồ ăn, thức uống. Tại  nhiều góc phố cổ, Tây ba lô bụi ngồi nhâm nhi con mực nướng bên vại bia hơi Hà Nội để "thưởng thức" không gian sống lạ lẫm nơi đây.

Khách ngoại quốc vô cùng thích thú khi được thử cảm giác siêu mạnh khi đi bộ sang đường bởi giao thông chằng chịt, động cơ xe máy, ôtô bấm còi inh ỏi, nườm nượp người qua lại như mắc cửi. Tom Hand, một sinh viên ngoại quốc đã thốt lên: "Khu phố này hấp dẫn tôi bởi ở đây con người có sức sống thật mãnh liệt. Tôi đã ngồi hàng giờ và quan sát tại sao một bà cụ già có thể ngồi cả ngày để bán nước trà, kiếm từng đồng tiền lẻ. Hay cô bán bún có thể làm liên tục vài chục bát trong một khoảng thời gian rất ngắn, đáng ngạc nhiên hơn hàng chục người có thể ăn uống xì xụp ngon lành ngay tại vỉa hè"… Ở đây đúng là "tấc đất tất vàng", một mét vuông chìa ra ở vỉa hè cũng đủ nuôi sống một gia đình đông đúc nhân khẩu.

Sinh hoạt ở phố cổ… đến Thượng đế cũng phải cười

Bên cạnh phố nghề truyền thống và cảnh giao thương tấp nập thì kiến trúc nơi đây cũng là nét quyến rũ làm nên hồn cốt khu phố cổ. Nằm ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm của thủ đô Hà Nội, nhưng kiến trúc phố cổ không có vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa của một bà hoàng mà lại có nét dịu dàng, êm ái, e ấp của thiếu nữ Hà thành.

Đã có nhiều cuộc hội thảo về khu phố cổ, nếu ưu ái người ta bảo nó mang dáng dấp của một vẻ đẹp cổ nhưng nhiều người thì gọi nó là cũ và nhếch nhác. Muốn nói gì thì nói, khu phố cổ Hà Nội đã đi vào tranh của danh họa tài hoa Bùi Xuân Phái và ngay sau đấy đã trở thành trường phái hội họa Việt Nam, đình đám với tên gọi "Phố Phái". Vẻ đẹp phố Phái còn được lưu giữ lại đến tận giữa những năm 80 thế kỷ trước. Với hình ảnh nhà mái ngói lô xô, thò thụt không đều, yên bình và tĩnh lặng.

Giờ, nét đặc trưng của lối kiến trúc ở đây là ngôi nhà hình ống với mặt tiền hẹp và chiều sâu hun hút. Điều đáng ngạc nhiên nhất là không nơi nào trên thế giới có mật độ dân cư đông như ở phố cổ Hà Nội. Người ta sống chen chúc, ngoi ngóp trên từng mét vuông. Có những gia đình chỉ ngăn qua tấm vải ri đô. 9, 10 người sống chung trong dăm ba mét vuông mà vẫn cảm thấy hết sức bình thường. Hàng chục người chung nhau một nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí cho đến giờ có con ngõ để vệ sinh cá nhân người ta phải băng qua đường để "đi nhờ" vì ngõ đó nhà vệ sinh đã xuống cấp nghiêm trọng, bên ngoài treo biển: "Không dùng được".

Chuyện "đi nhờ", "tắm nhờ" thậm chí "ngủ nhờ" là chuyện thường ngày, chẳng có gì xa lạ ở khu phố cổ Hà Nội. Có những cơn mưa to, nhiều gia đình ở khu phố cổ phải di tản vì mái hỏng, tường dột. Trường mầm non ở phố Hàng Buồm là điểm đến lý tưởng cho những hộ gia đình gần đấy khi gặp cảnh mưa to gió lớn mà kiến trúc nhà của họ thì rệu rã từ rất nhiều năm nay.

Chuyện tu sửa nhà ở khu phố cổ khá phức tạp. Đã có nhiều gia đình ở khu vực phố cổ phải mua đồ dùng nội thất trong nhà bằng mây tre đan để chống sụt, chống lún vì nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được cấp phép sửa chữa vì "động vào di sản là chuyện không nhỏ"?! Còn đám rước dâu thì con ngõ có chiều rộng nhỏ xíu, thậm chí không vừa cho chú rể và cô dâu đi ngang hàng nên "cô dâu đi trước chú rể cất bước theo sau", là chuyện của cưới ở phố cổ.

Phố cổ Hà Nội từ một góc ống kính máy quay.

Nhưng rồi, trong không gian tưởng như tù túng và chật chội, người ta vẫn nhận ra rằng hồn cốt của phố cổ chính là không gian sống, là "phố nhỏ, ngõ nhỏ" với kiến trúc độc đáo. Đã có nhiều những cuộc hội thảo họp bàn tìm giải pháp tối ưu cho khu phố cổ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng - Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương)  một người gắn bó lâu năm với khu phố cổ cho biết:

Hà Nội là bức tranh phong cảnh nội tâm. Muốn vẽ thì mình vẽ bằng bức tranh phong cảnh trong tâm hồn mình hơn Hà Nội trước mặt. Hà Nội trong tôi là một cô bé ngồi bên bó hoa loa kèn và cả trời cùng nước Hồ Gươm xanh lung linh. Dưới một nếp nhà riêng giữ được nét sống thanh nhã. Ngày nay nét đẹp văn hóa bị pha tạp nhiều, nhất là ở thời thị trường làm ra một Hà Nội nhiều biến đổi.

Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo "Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội". Theo đó sẽ tập trung bảo tồn, phục dựng lại 273/1153 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt nằm tại các phố nghề truyền thống còn lưu giữ được giá trị đó là văn hóa vật thể và phi vật thể của mảnh đất thủ đô.

Ngoài ra, khu vực có diện tích 19 ha thuộc các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Nhật Duật cũng sẽ được ưu tiên tôn tạo chỉnh trang, nâng cấp. Đặc biệt phố cổ sẽ cấm kinh doanh cầm đồ, siêu thị, tổ hợp thương mại.

Việc xây dựng kho xưởng sản xuất quán bar, khách sạn sẽ bị hạn chế chỉ khuyến khích các cửa hàng kinh doanh bán sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, quy chế đề cập đến mở rộng tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiền, Đào Duy Từ. Đồng thời sự di dân trong khu phố cổ cũng được nhắc đến năm 2020, dân cư trong khu phố cổ giảm khoảng 50.000 người.

Bây giờ mình cũng không thể níu kéo giữ mãi một Hà Nội thuở xưa. Nhưng giá trị tinh thần phải là bất biến. Nó vẫn là một nền cốt để Hà Nội hiện đại phát triển. Nhưng tầng cốt sâu nhất phải là văn hóa, văn hiến. Bởi vì Hà Nội được thừa hưởng từ nền văn hiến, nền tinh hoa cao nhất, đẹp nhất của cha ông để lại. Đấy là hạnh phúc cho các nghệ sĩ sống ở thủ đô được thừa hưởng tinh túy giá trị tốt đẹp nhất, làm nên những giá trị mới.

Nhiều địa phương xa thiệt thòi, không được hưởng ân huệ ấy của tổ tiên để lại cho vì nó quá xa nền văn hóa đất kinh kỳ. Thực ra nếu nhìn một cách nhắc nhớ những hoài niệm xa xưa thì đúng là vẫn còn đâu đó một Hà Nội cổ kính len lỏi trong ký ức. Nhưng nhìn vào đời sống trước mắt ở khu phố cũ, sự sầm uất ở trong con phố cũ, vào ban đêm các quán ăn giăng mắc.

Và trong ánh sáng vừa đủ người ta vẫn nhìn thấy những nét đẹp khó bỏ của Hà Nội một thuở. Nhiều câu hỏi được đặt ra. Bây giờ mình đập đi thì xây kiểu gì? Có làm lại kiến trúc đấy hay không? Chúng ta đang có những phương pháp thử nghiệm rất dè dặt tìm  kiếm giải pháp tối ưu chỉnh trang phố cũ. Kiến trúc ở nơi đây cũng đã quá tuổi thọ của một công trình.

Rất nhiều công trình của người Pháp để lại trên khu phố cổ hiện nay đều trên trăm năm. Đây là bài toán khó, nếu đập đi thì rất là tiếc, bởi vì công trình thì nhìn vẫn còn chất lượng cần phải sửa sang như thế nào? Cũng hết sức cẩn trọng trong việc đưa ra chỉnh trang nâng cấp. Trong việc cải tạo và nâng cấp phải là những giá trị mới tiếp nối với truyền thống, phải là giá trị ngày hôm nay, chứ  không nhại lại các cụ, nhắc lại các cụ.

Trong khi bước ra thế giới bên ngoài chúng ta phải đi hàng ngang với họ. Chúng ta không thể đứng quá xa về độ lùi, vênh nhau mà vênh nhau về mặt văn hóa là sự khổ tâm nhất. Hiện nay cũng phải suy nghĩ về Văn hóa Việt ở một thế kỷ mới

Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo "Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội". Theo đó sẽ tập trung bảo tồn, phục dựng lại 273/1153 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt nằm tại các phố nghề truyền thống còn lưu giữ được giá trị đó là văn hóa vật thể và phi vật thể của mảnh đất thủ đô.

Ngoài ra, khu vực có diện tích 19 ha thuộc các phố Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Trần Nhật Duật cũng sẽ được ưu tiên tôn tạo chỉnh trang, nâng cấp. Đặc biệt phố cổ sẽ cấm kinh doanh cầm đồ, siêu thị, tổ hợp thương mại.

Việc xây dựng kho xưởng sản xuất quán bar, khách sạn sẽ bị hạn chế chỉ khuyến khích các cửa hàng kinh doanh bán sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, quy chế đề cập đến mở rộng tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiền, Đào Duy Từ. Đồng thời sự di dân trong khu phố cổ cũng được nhắc đến năm 2020, dân cư trong khu phố cổ giảm khoảng 50.000 người.


Theo Trần Mỹ Hiền
ANTG

ngatt

Trở lên trên