MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Hiện thực hóa giấc mơ có nhà

25-04-2012 - 07:02 AM |

Việc ra đời Quỹ tiết kiệm nhà ở tạo điều kiện cho những người có mức thu nhập trung bình niềm tin sở hữu một ngôi nhà mơ ước.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại giá nhà đất đã được cho là giảm từ 25 - 30%. Tuy nhiên thì với người dân có mức thu nhập trung bình giấc mơ sở hữu một ngôi nhà vẫn rất khó để thành hiện thực. Việc ra đời Quỹ tiết kiệm nhà ở đang được nhiều người dân quan tâm.

Nhu cầu rất lớn

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, một trong những ưu điểm lớn nhất là thay vì có tính bắt buộc và trích 1% lương của người lao động, thì lần này tham gia quỹ mang tính tự nguyện, tính theo nhu cầu khoản vay dự kiến. Qua đó “Quỹ này lại mở ra một cơ hội giúp cho người dân tiếp cận được với nhà ở thành thị nhất là ở những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM”. Trong khi đó tại khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300 - 400 nghìn tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn và để đáp ứng được nhu cầu này, rất cần các nguồn vốn phi ngân hàng như Quỹ tiết kiệm nhà ở. Cũng chính vì vậy, hai mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở được đưa ra lần này, đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi nó giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở

Ông Đặng Hùng Võ phân tích: Quỹ phát triển nhà ở không phải là một hình thức mới trên thế giới, Trung Quốc, Singapore hay một số nước Bắc Âu đã thành lập quỹ nhà ở dưới nhiều tên khác nhau.

Trên thế giới ở một số nước Bắc Âu giải quyết thông qua hình thức hợp tác xã nhà ở. Họ lập một hội những người có nhu cầu mua nhà ở, có ban kiểm soát và tự quản lý phân phối. Mỗi khi xét đối tượng được mua nhà, họ bỏ phiếu công khai. "Giá đất đang leo thang, nhiều người dân có mức thu nhập trung bình phải từ bỏ giấc mơ sở hữu một ngôi nhà thì Quỹ này lại mở ra một cơ hội giúp cho người dân tiếp cận được với nhà ở thành thị". Bên cạnh đó “Đề án quỹ tiết kiệm nhà ở đã khắc phục được vướng mắc này, tức là giải quyết đúng đối tượng cần vay và có nhu cầu, không tạo sức ép lên toàn bộ xã hội”, ông Võ nhấn mạnh.

Phải giám sát chặt chẽ

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Chí Thành cho rằng BĐS vẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng để phát triển nguồn lực kinh tế - xã hội. Và đặc biệt đây cũng vẫn là một kênh tốt để huy động nguồn vốn trong thời điểm này. Vì vậy để huy động nguồn vốn các cơ quan chức năng cũng nên xem xét ba điều đáng quan tâm: Thứ nhất là tránh những rủi ro về tài chính vĩ mô cũng như luồng vốn; thứ hai là nguồn lực thực sự để phục vụ cho đời sống dân sinh cho nên tính thiết yếu của quỹ tiết kiệm nhà ở là cần thiết; thứ ba là bất cứ một luồng vốn nào cũng nên nằm dưới sự giám sát của tài chính quốc gia để đảm bảo tính minh bạch.

Ông Thành nhấn mạnh việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở trong thời điểm này là hoàn toàn thích hợp. Có thể rút kinh nghiệm từ một số mô hình trên thế giới như mô hình Quỹ tiết kiệm của Đức đã khắc phục được những nhược điểm trên. Nghĩa là tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng góp và xã hội hoá. Thay vì sử dụng vốn chính sách thì sử dụng vốn tư nhân và vốn nhàn rỗi của người dân. Tiền của người gửi không bị sử dụng ở thị trường tín dụng tự do, nên không có chuyện bị mất đi hoặc bị chiếm đoạt mất.

Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì vẫn còn một số điều đáng bàn như việc đóng tự nguyện là hướng đến đúng đối tượng. Nhưng nếu tỷ lệ người tự nguyện tham gia đóng quỹ là quá thấp, quỹ sẽ không thể được hình thành chứ chưa nói tới việc phát huy tác dụng như mong muốn.

Điều này, rất dễ xảy ra khi lãi suất của Quỹ tiết kiệm nhà ở rất thấp, trong khi đó, lãi suất huy động tiết kiệm ở các ngân hàng thương mại hiện nay thấp nhất cũng 12%/năm. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận hành. Bà Phạm Chi Lan đánh giá cao ý tưởng của Bộ Xây dựng, song bà lo ngại về tính khả thi. Tính minh bạch trong quản trị của Việt Namchưa cao, vấn đề tham nhũng rất khó tránh khỏi. Theo bà Lan, nếu quản lý lỏng lẻo sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực.

Qua thăm dò một số ý kiến người dân trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết những người được hỏi đều cho rằng việc ra đời Quỹ tiết kiệm nhà ở tạo điều kiện cho những người có mức thu nhập trung bình niềm tin vào việc sở hữu một ngôi nhà mơ ước. Để đảm bảo quỹ quản lý và vận hành đúng mục đích, tránh tiêu cực tham nhũng thì cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Như vậy, cơ quan nào sẽ làm vai trò quản lý quỹ cũng là một vấn đề quan trọng. “Và đây là nghiệp vụ huy động tiết kiệm và cho vay tài chính, như vậy để sử dụng nguồn vốn của quỹ cho đúng tính chất và minh bạch thì cũng cần phải có sự giám sát của tài chính quốc gia”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo Thanh Huyền
Báo Xây Dựng

ngatt

Trở lên trên