MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tách Từ Liêm thành 2 quận: Đang theo quy trình ngược?

06-12-2013 - 16:17 PM |

"Người ta chỉ lên quận khi cơ sở vật chất đáp ứng đủ các điều kiện, chứ không thể cho lên quận rồi chờ giá đất lên, có tiền đền bù rồi mới quay lại đầu tư. Như vậy là làm theo quy trình ngược".

(Xem thêm: UBND Hà Nội chính thức đồng ý tách Từ Liêm thành 2 quận)

Đây là ý kiến được Đại biểu HĐND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Kiên (khóa 2011-2016) đưa ra trong cuộc trao đổi với PV xung quanh Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm.

7 ngày lấy ý kiến là quá gấp

Đại biểu Nguyễn Hữu Kiên cho biết, từ 2011 đến nay, trong các kỳ họp HĐND, đề án Điều chỉnh địa giới hành chính chưa từng được đưa ra bàn thảo.

Việc lấy ý kiến trong vòng 7 ngày (27/11- 3/12) cũng là quá gấp. Nên kéo dài lấy ý kiến ít nhất 6 tháng, để người dân nghiên cứu cụ thể hơn, chứ không thể sáng phát giấy mời, tối đi họp.

"Đề án của huyện Từ Liêm nên có ít nhất 2 phương án để người dân lựa chọn. Còn đây là phương án đóng khung. Lẽ ra phải chỉ ra được phương án 1, tách thành 2 quận, được lợi cái gì, hại cái gì, phương án 2, sáp nhập một số xã vào các quận lân cận thì được gì, mất gì... Phải có nhiều phương án, để người dân thấy được sự cầu thị của lãnh đạo", ông Kiên nêu quan điểm.

Lấy ví dụ thực tiễn, ĐB Nguyễn Hữu Kiên chỉ ra, Trung Quốc lớn vậy chỉ có 22 tỉnh và 11 đơn vị tương đương cấp tỉnh khác. Hàn Quốc diện tích bằng nước ta cũng chỉ có 8 tỉnh. Một bang của Mỹ diện tích bằng nước ta mà họ quản lý vẫn tốt.

Tại TP.Hồ Chí Minh, điển hình là quận Gò Vấp cũng có đến hơn 555.000 dân. Một phường 12 tại quận Gò Vấp cũng đã quản lý đến hơn 100.000 dân.

"Nếu nói rộng quá không thể quản lý, chúng ta có thể tiến hành thi tuyển cán bộ, công chức. Ai có năng lực thì làm lãnh đạo", ông Kiên đề xuất.

Theo ông Kiên, nếu tách thành 2 quận, Nam Từ Liêm sẽ là khu vực phát triển hơn hẳn (nơi tập trung các doanh nghiệp lớn), Bắc Từ Liêm sẽ kém phát triển, vì không có cơ sở hạ tầng, không có nguồn thu để bù đắp.

Như Tây Tựu, nói là nông thôn mới, tuy nhiên vẫn còn 3 tuyến đường chưa giải tỏa được, cho "nợ".

"Người ta chỉ lên quận khi cơ sở vật chất đáp ứng đủ các điều kiện, chứ không thể cho lên quận rồi chờ giá đất lên, có tiền đền bù rồi mới quay lại đầu tư. Như vậy là làm theo quy trình ngược".

Ông Kiên dẫn chứng, Tây Hồ sau khi lên quận, trong suốt 10 năm (1996 - 2005), đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật gần như không tăng. Mãi đến năm 2004-2005, khi có tiền đền bù đất đai, quận này mới có tiền rót trở lại để đầu tư.

Theo ông Kiên, phương án tối ưu là tách một số xã giáp ranh chuyển sang các quận Tây Hồ (hiện có 8 phường); Cầu Giấy (8 phường); Thanh Xuân (11 phường. Phần còn lại thành lập quận Từ Liêm.

Trong trường hợp không thể chuyển bớt các xã, huyện Từ Liêm vẫn chỉ nên thành lập 1 quận trọng điểm là quận Từ Liêm, tập trung vào đội ngũ cán bộ. Cán bộ nào “kém chất lượng trong quản lý”, không đáp ứng được thì thuyên chuyển, tìm người có năng lực về làm.

ĐB Nguyễn Hữu Kiên đánh giá, với tình hình như hiện tại, trong 10 năm nữa, Từ Liêm vẫn chưa cần tách quận.

"Trong 10 năm đó, cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Bắc Từ Liêm tỷ trọng nông nghiệp rất cao, phi nông nghiệp rất thấp, phải có mồi để người ta vực dậy. Vì nguyên tắc, thu được ngân sách ở địa bàn nào, đầu tư cho địa bàn đó, nên không thể lấy Nam Từ Liêm đầu tư cho Bắc Từ Liêm được", ông Kiên nói.

Hàng trăm cán bộ phát sinh

Theo dự kiến, nếu tách thành 2 quận, trụ sở quận Bắc Từ Liêm sẽ được xây mới trên diện tích 20ha trên trục đường Văn Tiến Dũng thuộc xã Minh Khai.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Kiên, việc lập thêm quận mới, đồng nghĩa lập thêm một bộ máy mới. Trong trường hợp lãnh đạo hiện tại được bầu ở đơn vị hành chính nào sẽ về quận đó làm việc đi nữa thì vẫn cần phải tuyển thêm cán bộ cho đủ quân số.

Hiện huyện Từ Liêm có khoảng 600 cán bộ, lên quận mới thì cũng phải 600 cán bộ nữa.

Từ Liêm, Mỹ Đình, địa giới, cán bộ, phát sinh, quận mới
Trụ sở UBND huyện Từ Liêm hiện tại sẽ thành trụ sở UBND quận Nam Từ Liêm nếu đề án được thông qua

"Ở mình, phát sinh một thì không chỉ có một. Ví như UBND thì phải đi kèm HĐND, Đảng ủy, MTTQ. Giờ lên phường, phải có thêm 6 đồng chí công an, 7 phường là thêm 42. Còn cấp quận, sẽ phải thêm người ở Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, cơ quan Thuế, Điện lực... Chi phí người dân đóng góp nuôi bộ máy sẽ phải nhiều hơn", ông Kiên phân tích.

Đơn cử tại một phường, biên chế bình quân khoảng 20 người. Tăng thêm 7 phường, sẽ phát sinh từ 140-200 cán bộ, chưa kể các thành phần không chuyên trách. Cùng với nó là cơ sở xây dựng phải phát sinh thêm.

"Chưa nói, sắp tới chúng ta có chủ trương chính quyền đô thị, chỉ gồm 2 cấp thành phố và phường. Nếu TP.HCM thí điểm và thành công, chắc chắn sẽ đến Hà Nội. Khi đó sẽ "nhét" các ông trung gian đi đâu?", ông Kiên đặt câu hỏi.

Trong trường hợp chỉ thành lập 1 quận, việc giải quyết biên chế cán bộ khi đó sẽ dễ hơn nhiều.

Ông Kiên nói thêm, nếu tách thành 2 quận, mỗi quận sẽ phải đi kèm một sân vận động, bao giờ cũng phải thế. Như vậy sẽ phải xây thêm 1 sân vận động ở Nam Từ Liêm. Bắc Từ Liêm sẽ sử dụng sân vận động Từ Liêm hiện tại.

ĐB Nguyễn Hữu Kiên lo ngại, ngoài phát sinh cán bộ, vấn đề đất đai sắp tới sẽ có nhiều phức tạp. Người dân xin giấy phép xây dựng sẽ khó khăn hơn nhiều.

Trong thời kỳ tranh tối tranh sáng, rất dễ nảy sinh tham nhũng. Khi quy trách nhiệm, cán bộ sẽ đổ lỗi cho tồn tại từ thời kỳ trước.

Đó còn chưa kể đến trường hợp 550.000 người dân phải thay đổi giấy tờ, hộ khẩu..., phí an ninh, môi trường... cũng sẽ tăng. Đơn cử ở quận Cầu Giấy, giá nước là 9.000 đồng/m3 nước sạch thì ở huyện hiện chỉ có 3.500m3.

"Toàn bộ những vấn đề phát sinh này chưa được làm rõ trong đề án. Ngay cả tổng tiền chi cho đề án này hết bao nhiêu cũng chưa có. Chưa giải thích được khi tách thì người dân được gì, mất gì. Tầm nhìn thế nào cũng chưa có", ông Kiên thắc mắc.

Ông Kiên cho rằng, làm chính sách là phải đi vào dân, chứ không thể ngồi trên mây, trên gió để làm.

Ông Kiên cho biết, những phân tích, ý kiến thắc mắc của ông đã được gửi cho HĐND huyện Từ Liêm, thường trực HĐND TP. Hà Nội để các đại biểu có thêm thông tin, có cái nhìn đa chiều xung quanh đề án này.

Theo Thúy Hạnh

ngatt

Vietnamnet

Trở lên trên