MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền sử dụng đất ngoài hạn mức: Dân nộp tiền, chính quyền sợ thu

12-07-2011 - 06:55 AM |

Tháng 6-2011, Sở Tài chính TP.HCM đề xuất cách xác định tiền sử dụng đất cho những hộ gia đình, cá nhân có đất vượt hạn mức bằng hệ số điều chỉnh giá đất.

Theo đó, phần vượt hạn mức phải nộp tiền sử dụng đất bằng gấp 3-4 lần bảng giá đất của Nhà nước. Với đề xuất trên, nhiều cơ quan máy móc không thu tiền, còn người dân và cả cán bộ thừa hành cũng cho rằng còn lắm điều chưa hợp lý.

Đã xác định nợ nhưng không dám thu

Tháng 4-2010, bà Nguyễn Thị Cảnh ở phường 25, quận Bình Thạnh được cấp giấy chứng nhận và cơ quan thuế xác định bà Cảnh phải đóng hơn 170 triệu đồng tiền sử dụng đất cho 31,2 m2 đất vượt hạn mức. Chưa đủ tiền nên bà xin ghi nợ số tiền trên.

Mới đây, bà Cảnh đến cơ quan thuế xin trả nợ tiền sử dụng đất để chuyển nhượng tài sản. Thế nhưng cơ quan thuế lại không dám thu vì Công văn 1173 của Thủ tướng yêu cầu phần ngoài hạn mức phải nộp theo giá thị trường. Để chắc ăn, cơ quan thuế làm văn bản hỏi Cục Thuế TP là có thu tiền trả nợ của bà Cảnh hay không. Cục Thuế chuyển câu hỏi trên sang Sở TN&MT. Sau đó, Sở TN&MT khẳng định sự việc này thuộc thẩm quyền của Sở Tài chính vì cho rằng ngành TN&MT chỉ có nhiệm vụ xây dựng khung giá, bảng giá các loại đất, còn ngành tài chính xác định giá đất cụ thể của từng thửa đất.

Với trường hợp của bà Cảnh, Nghị định 120/2010 có nêu cách giải quyết: Nếu ghi nợ trước ngày 1-3-2011 thì trong thời hạn tối đa năm năm kể từ ngày này, được thanh toán nợ theo giá đất tại thời điểm cấp giấy. Nếu quá năm năm thì phải nộp theo giá đất do TP quy định tại thời điểm trả nợ.

Quy định tưởng đã rõ nhưng Cục Thuế TP cho rằng nghị định không nói rõ giá đất tại thời điểm cấp giấy là giá nào (giá Nhà nước hay giá thị trường) và phần ngoài hạn mức thì trả nợ ra sao.

Với trường hợp của bà Cảnh, Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho biết bà chưa nghiên cứu về trường hợp này. “Khi nghị định có nhiều cách hiểu, Sở cũng sẽ phải hỏi Bộ Tài chính. Nếu phải hiểu theo nghĩa áp dụng có lợi cho người dân thì vài hôm nữa có văn bản hướng dẫn khác đi, làm sao truy thu”.

Phải mua đất hai lần?

Theo đề xuất của Sở Tài chính, tiền sử dụng đất phần vượt hạn mức sẽ gấp 3-4 lần giá đất Nhà nước quy định. Điều này nhiều người cho là chưa hợp lý vì chưa phân biệt rõ nguồn gốc đất, quy hoạch treo…

Ông Nguyễn Văn Nam ngụ khu phố 4, Tân Chánh Hiệp, quận 12 cho biết: “Tôi được quận chấp thuận chuyển mục đích sử dụng gần 1.500 m2 đất nông nghiệp thành đất ở. Theo ước tính, tiền sử dụng đất hơn 1 tỉ đồng. Nếu áp theo cách nhân ba, bốn lần, tôi phải nộp hơn 4 tỉ đồng, kế hoạch đầu tư của tôi sẽ phá sản. Trong khi tôi sang nhượng đất cũng theo giá thị trường, giờ bắt đóng tiền như thế chẳng khác nào tôi phải mua mảnh đất đến hai lần! Nếu Nhà nước thu hồi, có bồi thường 3-4 lần giá thị trường cho phần vượt hạn mức hay không”.

Một phó chủ tịch quận cũng cho rằng đánh đồng trường hợp lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý với nguồn gốc đất do cha mẹ để lại hoặc nhận chuyển nhượng là không hợp lý.

Chưa hết, nếu máy móc áp dụng mà không phân biệt, người dân khó đồng tình. Chẳng hạn có những dự án treo như khu Bình Quới - Thanh Đa có thời gian quy hoạch treo kỷ lục gần 20 năm. Năm 2010 cơ quan chức năng mới đồng ý cấp giấy chứng nhận. Việc chậm trễ không phải do lỗi của người dân nên nếu phải nộp tiền sử dụng đất với mức gấp 3-4 lần là bất hợp lý.

Thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường là hợp lý. Tuy nhiên, nộp tiền gấp bốn lần là khá cao so với thực tế. Quận kiến nghị thấp hơn.

Ông NGUYỄN HỒNG ,Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp

Nếu không phân biệt nguồn gốc đất mà bổ đồng theo giá thị trường như nhau thì dễ dẫn đến so bì giữa các đối tượng. Do đó, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu kỹ hơn về hệ số.

Ông NGUYỄN HOÀNG QUÂN,Phó Chủ tịch UBND quận 4

Đất cha mẹ để lại, đất nhận chuyển nhượng… mà nộp tiền sử dụng đất gấp 3-4 lần là quá cao, cần xem lại.

Bà NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN, Phó phòng Các khoản thu từ đất đai, Cục Thuế TP

 

Theo Cẩm Tú

Pháp Luật TP HCM


ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên