MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP. HCM: Lấy đâu ra 2,6 triệu tỷ đồng cho phát triển hạ tầng?

05-08-2014 - 08:35 AM |

Để tạo quỹ vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhà nước phải trực tiếp góp vốn, góp sức, đồng thời chia sẻ rủi ro, thách thức với nhà đầu tư.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, để thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 thì thành phố cần khoảng 2,6 triệu tỷ đồng.

Chỉ riêng năm nay, TP.HCM cần ít nhất 10.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông đang và sẽ triển khai. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách thành phố chi cho đầu tư hạ tầng giao thông hàng năm chỉ từ 7.000 – 8.000 tỷ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu.

Từ khoảng 20 năm nay, các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM thường đến từ các hình thức như BT (xây dựng – chuyển giao), BOT (xây dựng – thu hồi vốn – chuyển giao)…

Tuy nhiên, kể từ năm 2013, gần như không có nhà đầu tư nào bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình giao thông theo các hình thức trên.

Lý giải về điều này, một nhà đầu tư (giấu tên) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, hình thức đầu tư BT đã quá “lạc hậu”. Vị này giải thích: “Đối với hình thức BT, nhà đầu tư ứng vốn ra xây dựng công trình, sau đó ngân sách nhà nước trả lại, trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu ngân sách sụt giảm, nhà nước khó đảm bảo được khả năng chi trả. Nếu xảy ra rủi ro, chỉ mình doanh nghiệp gánh chịu”.

Trong khi đó, đối với hình thức BOT, nhà đầu tư cũng đối mặt rủi ro không kém. Các quy định hiện nay không cho phép đặt quá nhiều trạm thu phí giao thông khiến cho khả năng thu hồi vốn trở nên vô cùng khó khăn. Khoản thu từ phí bảo trì đường bộ lại quá mới mẻ đã khiến không ít nhà đầu tư rụt rè, ái ngại.

PPP là lối ra?

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, so với phương thức BT và BOT thì phương thức PPP (hợp tác công – tư) có nhiều ưu điểm hơn.

TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, với phương thức PPP, vai trò và trách nhiệm của nhà nước cao hơn, nhà nước không còn “khoanh tay” kêu gọi và “đứng ngoài” hỗ trợ như trước, mà nhà nước phải trực tiếp góp vốn, góp sức, đồng thời tạo ra các cơ chế chính sách phù hợp để dự án được triển khai dễ dàng, thuận lợi hơn.

“Với phương thức này, nhà nước và doanh nghiệp đã đứng trên cùng một “chiến tuyến”, qua đó, nhà nước cùng chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với doanh nghiệp”, TS. Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Việt Nam, hình thức PPP vẫn còn khá mới mẻ. Mặc dù vậy, hình thức này đang được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa để thu hút nguồn vốn trong bối cảnh các hình thức đầu tư khác không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Một số nhà đầu tư cho biết, vấn đề họ quan tâm đối với hình thức PPP đó là cơ chế vay vốn và hoàn vốn. Cả hai cơ chế này đều cần đến nhà nước với vai trò là “bà đỡ”.

“Nếu nhà nước bảo lãnh vay vốn và ưu tiên hoàn vốn cho doanh nghiệp thì hình thức PPP sẽ là lối ra sáng sủa trong bối cảnh thu hút các nguồn vốn tư nhân khó khăn như hiện nay”, TS. Lê Bá Chí Nhân bình luận.

Hiện TP.HCM đang có hàng loạt dự án hạ tầng cần vốn đầu tư như: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương) với nguồn kinh phí bổ sung khoảng 300 triệu USD; dự án hoàn thiện và khép kín đường vành đai 2 với tổng kinh phí xây lắp khoảng 260 triệu USD; dự án xây dựng nhà ga Trung tâm Bến Thành với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD…


Để đáp ứng nguồn vốn cho các dự án trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư đưa một số dự án phát triển hạ tầng của TP.HCM vào danh mục vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2015 – 2017 với tổng giá trị vay hơn 1,2 tỷ USD.


>>>Loạt dự án hạ tầng quan trọng sẽ được hoàn thành cuối năm 2014
Theo Ngôn Dân

ngatt

Diễn Đàn Đầu Tư

Trở lên trên