MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] Đối thoại về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

11-06-2013 - 14:14 PM |

Từ 14h chiều nay, 11/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội.

Gói tín dụng 30 ngàn tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tính đến hôm nay, 11 ngày sau khi gói tín dụng này có hiệu lực.

Cuộc đối thoại trực tuyến được tường thuật trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Tham dự cuộc đối thoại có các vị khách mời:

- Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng,

- Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

- Ông Nguyễn Đức Hùng – Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

- Về phía Bộ Xây Dựng, còn có ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS. (ông Nguyễn Mạnh Hà sẽ cùng chia sẻ những câu hỏi với Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam).

Qua 11 ngày triển khai, đại diện một số sàn giao dịch bất động sản cho biết, gói tín dụng đã tạo ra những hiệu ứng khá tích cực trên thị trường. Bộ Xây Dựng đánh giá như thế nào về tác động của gói hỗ trợ tín dụng này?

Ông Nguyễn Trần Nam: Như tôi cũng nhiều lần phát biểu, trước hết, giải pháp khắc phục khó khăn thị trường bất động sản chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn là chính, chứ không dùng nguồn tiền, vì chúng ta cũng không đủ nguồn lực.

Nghị quyết 02 đã nói rõ các cơ chế, chính sách, giải pháp, như rà soát lại các dự án thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… rà soát sắp xếp lại, đâu là dự án phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội địa phương, năng lực chủ đầu tư và nhu cầu người tiêu dùng để tiếp tục triển khai. Dự án chưa phù hợp thì điều chỉnh, có dự án đang dở dang, năng lực chủ đầu tư yếu kém, nguồn lực thực hiện cũng như nhu cầu không phù hợp thì đình hoãn, giãn tiến độ…

Bên cạnh đó để kích cầu, BXD cùng với NHNN đề xuất Chính phủ và đã được chấp thuận gói kích cầu 30k tỷ. Gói kích cầu này, ở điều kiện hiện tại dùng 30% để tạo ra hàng hóa các dự án nhà ở xã hội, vốn đã đang thực hiện để bổ sung nguồn lực cho doanh nghiệp vay để tạo ra nguồn cung. Và dùng 70% để cho người dân vay 10 năm lãi suất thấp 6%, hoặc thấp hơn, cá biệt có ngân hàng BIDV, Agribank cho vay 15 năm, 5 năm sau trả lãi thấp,

Rõ ràng, trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký, các ngân hàng TM, bước đầu đã có chuyển biến tích cực tiếp nhận các hồ sơ, Agribank đã ký hợp đồng với 13 dự án đầu tiên, làm khấn khởi dư luận

Có ý kiến cho rằng, chưa thể đo được tác động từ gói hỗ trợ này, bởi từ đồng tiền trên giấy, ra tiền thật và chu chuyển được trên thị trường, phải từ 6 tháng đến 1 năm, với những thủ tục hành chính rất mất thời gian. Ý kiến của ông Nguyễn Viết Mạnh về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Tác động của gói hỗ trợ này khá tích cực, đây không phải là giải cứu thị trường, mà năm trong giải pháp tháo gỡ khó khăn, là một trong giải pháp tổng thể của Chính Phủ nhằm giải quyết khó khăn của thị trường nhà ở.

Hiện nay, phân khúc nhà ở dành cho người có nhu cầu ở thực còn thiếu, nên gói này sẽ tác động tích cực tạo cơ hội tốt cho người thu nhập chưa cao tiếp cận với dòng vốn.

Thời gian qua, chúng ta mới triển khai được khoảng 10 ngày khi 2 Thông tư có hiệu lực, các ngân hàng rất tích cực chuẩn bị vì đây là chính sách hướng tới rất đông người dân, hỗ trợ lãi suất thấp nên nhiều người quan tâm, do đó, cần thông tin minh bạch rõ ràng.

Dự kiến chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm nên trong giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lực chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay.

BIDV đã triển khai thực hiện những quy định này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Xuân Hoàng: Lâu nay chúng tôi tuân thủ các quy định của NHNN, gói 30k tỷ này là gói ưu đãi nên BIDV đã nghiên cứu triển khai hướng dẫn theo đúng quy định của Thông tư 07 theo đúng đối tượng và công khai trong toàn hệ thống trước khi văn bản có hiệu lực.

Ngày 28/5 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa khởi công dự án khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm - dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong số 6 dự án mà doanh nghiệp trình lên Bộ Xây dựng trong tháng 5/2013.

Có thể nói HUD là doanh nghiệp đầu tiên tiếp cận được nguồn vốn từ gói tín dụng này. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Ngày 28/5 vừa qua, HUD đã động thổ dự án Tây Nam Linh Đàm. Qua kinh nghiệp trong việc triển khai các dự án, chúng tôi thấy rằng qua những thông tư hướng dẫn của ngân hàng cũng như của Bộ XD về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, có mấy vấn đề mà DN cần chủ động. Thứ nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thông qua hướng dẫn, quy định của các thông tư này để chúng ta có thể làm hồ sơ theo quy định, đáp ứng nguồn vốn nhanh chóng cho các dự án này.

Thứ hai, đối với các dự án, chúng tôi cũng nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục để làm sao đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đáp ứng thời hạn vay cũng như đưa sản phẩm ra phục vụ cho cộng đồng một cách nhanh chóng nhất.

Dự án Tây Nam Linh Đàm dự án dự kiến bao giờ hoàn thành?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Dự kiến đầu năm 2015, các sản phẩm đó có thể đưa ra phục vụ người thu nhập thấp.

Thưa Thứ trưởng, hiện nay nguồn cung căn hộ còn hạn chế trong khi nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn. Vậy Bộ Xây dựng có biện pháp gì để tăng nguồn cung căn hộ?

Ông Nguyễn Trần Nam: Không phải bây giờ chúng ta mới xây dựng nhà ở xã hội mà từ cuối năm 2009, đầu năm 2010 chúng ta đã bắt đầu xây dựng. Cả nước đến nay đã có hàng chục ngàn gia đình đã được mua và dọn vào ở.

Hiện nay, để tăng thêm nguồn cung cho nhà ở xã hội, một số dự án chung cư thương mại đang được chuyển sang dự án nhà ở xã hội.

Nguồn cung các dự án nhà ở xã hội đang tiếp tục được tăng cường, cả nước 157 dự án đang triển khai, liên tục từ đầu tháng 6 có nhiều dự án được khởi công. Riêng tại Hà Nội, đã có 3 dự án lớn được khởi công trong tháng vừa qua là dự án Tây Nam Linh Đàm, Viglacera Đặng Xá, dự án nhà ở Thương mại ở Quốc Oai.

Với quy mô gói 30 nghìn tỷ không kỳ vọng đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhà ở cho người dân, nhưng đây là cú hích ban đầu, về lâu dài sẽ cần có nhiều chính sách từ nhà nước cùng với nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực trong dân…

Hiện nay nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp phải đến 70-80% do người dân tự xây nhà, tự đáp ứng. Ở nước ta, lo nhà ở cho người dân kéo dài vài chục năm, đưa ra các giải pháp dần dần giải quyết từng bước.

Đối với doanh nghiệp, khoản vay 9 nghìn tỷ có tác động như nguồn vốn "mồi". Nhiều ngân hàng thương mại đã kết hợp với gói 30 nghìn tỷ cho các doanh nghiệp vay thêm với lãi suất có thể chấp nhận được. Điều này đã giúp tạo nguồn cung giai đoạn này tương đối lớn.

Tỷ lệ cho vay được ngân hàng BIDV thực hiện như thế nào trong 10 ngày qua ?

Ông Trần xuân Hoàng: 10 ngày qua mới chỉ trong thời kỳ hướng dấn, một thời gian nữa các khoản vay mới được giải ngân. Đối với các doanh nghiệp, trong tháng 7 tới BIDV sẽ ký kết cho vay một số dự án. Ví dụ ngày 17-18/6 tới đây, sẽ triển khai một số dự án với chủ đầu tư tại tỉnh Bình Dương.

Như vậy, mảng cho vay cho doanh nghiệp tương đối thuận lợi, về phía người dân đang tích cực chuẩn bị. Nhưng chúng tôi nhận được thông tin việc triển khai gói 30 ngàn tỷ đồng ở cả 5 ngân hàng thương mại tương đối dè dặt, thậm chí chỉ triển khai tại các trụ sở chính, còn các phòng giao dịch thì không biết, không nghe, không thấy?

Ông Trần Xuân Hoàng: Không phải tất cả các phòng giao dịch của chúng tôi đều có chức năng cho vay. Một số phòng giao dịch chỉ có chức năng huy động vốn, dịch vụ. Có thể các phòng giao dịch được giao nhiệm vụ chính là huy động vốn nên họ chưa tìm hiểu kỹ về các quy định của gói này và khách thì tìm đến đúng phòng giao dịch chưa có chức năng cho vay. Vì vậy, trong việc này, nếu khách hàng có nhu cầu thì nên đến ngay trụ sở chính hoặc các phòng giao dịch lớn mà chắc chắn tại nơi đó chúng tôi đã cho phép họ thực hiện các phương thức cho vay thì khách hàng sẽ được trả lời cụ thể, thấu đáo hơn.

Kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội của HUD dự kiến triển khai trong thời gian tới? Liệu có kịp cung ứng ra thị trường trong thời hạn vay của hói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Theo chương trình của HUD chúng tôi triển khai 2 chương trình. Từ nay đến 2015 chúng tôi dự kiến xây khoảng 5.000 căn hộ, 5 năm tiếp theo chúng tôi triển khai xây dựng khoảng 15.000 căn hộ nữa tổng cộng khoảng 20.000 căn hộ.

Trong lúc thị trường đang khó khăn, việc lựa chọn dự án nhà ở xã hội, hay thương mại là khó khăn với lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy vậy theo quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng với quy định của chính sách lãi xuất và những chế độ ưu đãi thuế, thời điểm này lựa chọn phát triển nhà ở xã hội là vấn đề ưu tiên. Vì nó tạo công ăn việc làm cho nhân viên, và thu nhập cho doanh nghiệp. Định hướng chung chúng tôi ưu tiên lựa chọn các đơn vị trong Tổng công ty phát triển lĩnh vực này.

Mặt khác, chúng tôi là đơn vị 100% vốn nhà nước nên cần tập trung phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ.

Làm sao để kiểm soát được tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân một cách hiệu quả?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các NHTM đã có giải pháp kiểm soát tổng thể đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa sẽ bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Không có chuyện trong gói này sẽ dành ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp, sẽ đảm bảo kiểm soát được ở mức 30%. Chúng tôi đã có phương án để kiểm soát. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng tổng toàn bộ gói 30.000 tỷ đồng này chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho vay doanh nghiệp.

Theo tính toán, một hộ gia đình trung bình phải có thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, chia đều mỗi người vợ/người chồng phải có thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng, thì mới có thể trả gốc và lãi cho một căn hộ diện tích từ 45 - 70 m², giá 15 triệu đồng/m² có tổng giá từ 675 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng.

Tôi được biết là Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã đưa ra một phép tính khác, theo đó người thu nhập thấp hơn mức 7,5 triệu đồng / tháng đã có thể mua được nhà. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Trần Nam: Chúng ta có nhiều loại hình sản phẩm phục vụ cho người thu nhập thấp đô thị để họ đều có thể giải quyết được nhu cầu nhà ở.

Về mức thu nhập thấp, chúng ta hiểu là một cá nhân đi làm thu nhập đến 9 triệu đồng, mà cũng có người có thể chỉ 2-3 triệu đồng, 1 gia đình có thể thu nhập tối đa ở mức thu nhập thấp là 18 triệu đồng, nhưng tối thiểu nhiều gia đình có thể thu nhập chỉ có 5 triệu đồng. Làm thế nào để giải quyết được vấn đề nhà ở cho các đối tượng với dải thu nhập như thế? Chúng ta có mấy cách như sau:

Thứ nhất, những người có thu nhập thấp nhưng đủ khả năng vay ngân hàng, thì chúng ta phải có dải sản phẩm từ nhỏ tới lớn. Ví dụ, tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp theo quy định là 30 - 70m2. Mức 30m2 hiện nay lớn hơn các nhà lắp ghép ở Trung Tự, Kim Liên ngày xưa dành cho Vụ trưởng, vụ phó 2 phòng (1 phòng 14m, 1 phòng 10m và 4,5 m hành lang, vệ sinh…) Ngày xưa phải cấp vụ trưởng, vụ phó mới được phân phối như thế.

Bây giờ nhà 30m2 có hạ tầng đầy đủ, với thiết kế mới đầy đủ công năng. Trên thực tế đã có những sản phẩm này trên thị trường mà công năng được thiết kế rất tốt, phù hợp với vợ chồng trẻ, hoặc thậm chí 2 vợ chồng và 1 con nhỏ.

Chúng ta có thể có những gói nhỏ như vậy, vì với đối tượng nghèo thì phải phát triển từng bước, sau 5-7 năm kinh tế phát triển, lương cao lên, số người trong gia đình đông lên, có điều kiện thì chuyển lên những căn hộ lớn hơn và chuyển căn hộ nhỏ đó lại cho những đôi vợ chồng trẻ khác.

Nếu ở đây tính mức tối thiểu, nếu là 30m2, ví dụ Viglacera vừa mới khởi công nhà ở khu Đặng Xá, mà theo tôi biết rất nhiều vợ chồng trẻ sang mua và hài lòng, bán giá 8,5 triệu đ/m2. Như vậy, với 30m2, giá toàn bộ căn hộ là 250 triệu đồng. Theo quy định, chúng ta phải đặt cọc tức là tự lo khoảng 50 triệu đồng (20% giá trị căn nhà), vay 80% là 200 triệu đồng, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,8 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc lớn đầu tiên, một năm trả 12 triệu đồng tiền lãi. Đây là những tháng đầu, các tháng sau gốc giảm thì lãi còn giảm nữa. Ngay tháng đầu tiên, lãi mỗi tháng 1 triệu cộng với1,8 triệu gốc. Như vậy, mỗi tháng trả 2,8 triệu đồng. Với thu nhập của những gia đình khoảng 5-6 triệu đồng, dành 30-35% thu nhập để trả, với sự hỗ trợ của gia đình thì trả được.

Như các NHTM công bố, có thể vay 15 năm, 200 triệu đồng trong 15 năm thì con số trả hàng tháng còn giảm đi nữa. Đây là đối với những hộ gia đình thu nhập 5-6 triệu đ, cũng là mức thấp, cố gắng dành dụm có thể sở hữu ngôi nhà.

Thậm chí có những hộ thu nhập thấp hơn nữa, với tình hình giá đất, vật liệu hiện nay, không thể đòi hỏi làm sao làm được căn hộ giá 8-9 triệu đồng/m2, chúng ta đều biết không còn cách nào vì Chính phủ đã hỗ trợ tối đa đất, thuế, tín dụng….

Đối với đối tượng này, chúng ta đang có chính sách phát triển và hỗ trợ nhà ở cho thuê. Chúng tôi tính toán để làm sao các hộ gia đình đi thuê căn hộ khoảng 40-45m chỉ mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Các chính sách này một mặt thể hiện chính trong nội dung Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã trình Chính phủ, hiện đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Tôi rất hy vọng được ban hành trong tháng 7, theo đó, Nghị định có riêng một chương về chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở cho thuê.

Thứ hai, chúng tôi đang dự thảo quyết định thí điểm để trình Thủ tướng, ngay lập tức có thể phát triển một số dự án nhà ở thuê thí điểm dưới hình thức thuê từng tháng, trả tiền từng tháng. Nhưng có thể gặp rủi ro khi giá bất động sản lên cao, người cho thuê tăng giá. Trong này chúng tôi có thuê gói, tức là có thể thuê 1 hợp đồng 6 năm hoặc 12 năm. Nói cách khác, sở hữu nhà có thời hạn. Trong thời gian đi thuê, nhà đó coi như của anh, có thể cho thuê lại, thuê để kinh doanh hoặc chuyển nhượng hợp đồng nhưng giá cả ổn định trong suốt 6 hoặc 12 năm.

Tóm lại, mặc dù nguồn lực của Chính phủ còn hạn chế, nhưng chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo an sinh xã hội , tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu cho những người từ nghèo nhất cho tới những người có khả năng thanh toán với các hình thức thích hợp với quy mô sản phẩm khác nhau, hình thức thuê hoặc mua.

Dự kiến thời gian sắp tới, HUD sẽ xây dựng giá thành nhà ở xã hội như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hùng: Vừa rồi, ở Hà Nội Tập đoàn có triển khai 2 dự án là Tây Nam Linh Đàm và Thanh Lâm Đại Thịnh. Giá thành được xác định theo từng khu vực. Tây Nam Linh Đàm cụ thể là 12triệu/m2, Thanh Lâm Đại Thịnh dự kiến dưới 9triệu/m2.

Ông Nguyễn Trần Nam: Giá nhà ở thu nhập thấp ở Hà nội sẽ có giá dưới 12triệu/m2, các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở thu nhập thấp bắt đầu triển khai gói 30 nghìn tỷ sẽ có giá dưới 12 triệu đồng, thậm chí có dự án sẽ thấp hơn nhiều 12 triệu đồng. Linh Đàm nằm trong khu đô thị kiểu mẫu, giá sẽ dưới 12 triệu, Viglacera là 8,5 triệu đồng, dự án của CEO giá 8 triệu đồng. Tại các tỉnh như Hưng Yên, Vinh, Thái Bình, Phú THọ, Bắc Ninh,…đều có giá dưới 7 triệu đồng.

Lần này, Bộ Xây dựng sẽ có kiểm soát chặt chẽ, và đôn đốc chủ đầu tư để đưa ra giá hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường kiểm soát chất lượng, hoàn toàn đáp ứng chất lượng theo tiêu chuẩn như nhà thương mại,. Về yêu cầu kỹ thuật không khác gì nhà ở thương mại.

Hiện người thu nhập thấp có thu nhập 4-5triẹu/tháng, ngân hàng không chấp thuận cho vay 400-500 triệu vì ko đủ khả năng trả nợ, như vậy gói này không dành cho người thu nhập thấp, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này.

Ông Trần Xuân Hoàng: Vay 500tr mà có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì hoàn toàn ko khả thi. Bởi còn phải dành thu nhập để nuôi gia đình, nếu vay 500 triệu thi bao lâu để trả nợ được ngân hàng. Bản thân Ngân hàng Nhà nước quy định 10 năm nhưng BIDV đã tăng lên 15 năm. Nhưng nếu vay 500 triệu mà thu nhập như vậy thì ko thể vay được.

Ông Nguyễn Trần Nam: Tôi cho rằng với gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. Bất kỳ nước nào, kể cả nước phát triển cũng vậy. Tôi vừa tiếp đoàn khách Viện phát triển Hàn Quốc, họ cũng khuyến cáo chúng ta có nhiều gói sản phẩm bất động sản khác nhau.

Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm.

BTV: Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cho vay vốn nhà ở “NH xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”. Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện để vay gói 30 nghìn tỷ đồng đang làm khó người dân.

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Về tài sản đảm bảo cho khoản vay, Thông tư giao quyền cho các TCTD quyết định có thế chấp hay không. Bản thân Thông tư 11 cũng quy định cho phép các ngân hàng được nhận căn nhà mua làm tài sản đảm bảo.

Theo tôi được biết, hiện cả 5 ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ đều có quy định này, cho nên vấn đề này không làm khó cho người dân.

BTV: Một vị chuyên gia của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, ngay cả trường hợp người vay thế chấp bằng chính căn nhà mua thì sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý. Vì người mua nhà tại các dự án đang xây dựng chỉ có hợp đồng mua bán. Như vậy chưa đủ điều kiện để thế chấp.

Tình huống này sẽ phải giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Trong các quy định của ngân hàng về tài sản thế chấp, có mấy loại là tài sản hình thành từ tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay. Đây là một dạng tài sản sẽ hình thành từ vốn vay, khi đó, ngân hàng, khách hàng và người bán sản phẩm phải ký hợp đồng với nhau, có nghĩa là, khi khách hàng chưa trả nợ cho ngân hàng, tài sản đó vẫn thuộc ngân hàng và doanh nghiệp cho nên 3 bên ký với nhau để giải quyết vấn đề tài sản thế chấp.

Ông Nguyễn Trần Nam: Tôi theo dõi thông tin trên báo chí cũng nói rằng, các tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay, ở đây cụ thể là nhà thu nhập thấp, sẽ khó cho NH và người mua trong vấn đề thế chấp vì không được giao dịch mua bán trong 10 năm. Theo dự thảo NĐ mới chúng tôi đang trình CP thì trong 5 năm không được giao dịch mua bán. Nhưng vì mọi người ở đây không hiểu là có quy định trong vòng 5 năm không được bán ra ngoài theo giá thị trường nhưng vẫn có quyền được bán lại cho chủ đầu tư hoặc cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp.

Ở đây, ngân hàng có thể nhận tài sản này làm tài sản thế chấp, trong trường hợp phải có xử lý về tài sản thế chấp, ngân hàng vẫn có quyền bán lại ngôi nhà này cho chủ đầu tư hoặc bán lại cho người cũng thuộc đối tượng thu nhập thấp không kể 5 năm hay mấy năm.

BTV: Nhưng sau này ngân hàng sẽ khó xử lý khoản vay được đảm bảo bằng chính căn nhà thế chấp. Bởi vì việc phát mại tài sản sẽ gặp khó khăn, phức tạp. Liệu gói 30 ngàn tỷ đồng có làm phức tạp thêm tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thưa ông Trần Xuân Hoàng?

Ông Trần Xuân Hoàng: Chúng tôi rất lo ngại điều này, nhưng với quá trình nghiên cứu vừa đảm bảo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân, vừa đảm bảo các quy định nhà nước về cho vay.. . thì chúng tôi cố gắng tạo cơ chế quan hệ hợp tác ký hợp đồng 3 bên (ngân hàng-chủ đầu tư-người vay) chặt chẽ, đó là cơ sở pháp lý để ngân hàng đảm bảo chất lượng hoạt động. Tôi rất mong chủ đầu tư, cũng như người vay hết sức hỗ trợ về ký hợp đồng ba bên khi làm thủ tục vay. Và chắc chắn sau này cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra việc sử dụng nguốn vốn này có đúng không, có tiêu cực không, có cho vay đúng đối tượng hay không… Vì vậy, tất cả các quy trình chúng tôi phải làm hết sức chặt chẽ để quá trình giải ngân đúng quy định vừa hỗ trợ tích cực cho người dân.

Ông Nguyễn Viết Mạnh: Về lo ngại nợ xấu, khi ngân hàng quyết định cho vay thì phải thẩm định kỹ, đủ điều kiện vay và khả năng trả nợ để tránh nợ xấu. Nên gói này không thể giải quyết cho tất cả các đối tượng thụ hưởng mà phải đủ điều kiện hoàn trả vốn cả gốc lẫn lãi thì mới được vay. Vì vậy, ngay khi thiết kế các điều kiện cho vay vốn, các ngân hàng phải đưa yếu tố thu hồi nợ lên hàng đầu để tránh nợ xấu sau này.

BTV: Một vị giám đốc doanh nghiệp nói rằng, chỉ có 9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp là quá nhỏ, do vậy cần bổ sung các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trần Nam, ông bình luận gì về đề xuất này?

Ông Nguyễn Trần Nam: Vấn đề này cũng được bàn thảo giữa Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước. Tổng dư nợ cho lĩnh vực bất động sản hiện khoảng trên 200 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay nhà ở xã hội tăng trưởng 10%, trong bối cảnh tăng trưởng dư nợ chung thấp hơn nhiều. Như vậy, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đã là một con số rất lớn.

Còn nhu cầu về vốn của nền kinh tế là rất lớn. Chúng ta phải huy động từ rất nhiều nguồn. Ngoài ra, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng còn có tác dụng mồi, bắt buộc các ngân hàng thương mại (ngoài 5 ngân hàng tham gia chương trình tín dụng nhà ở xã hội) cũng phải cạnh tranh, cũng phải hạ lãi suất, cũng phải cho vay. Rồi các nhà cung cấp vật liệu, rồi doanh nghiệp, người dân cũng phải đưa ra một lượng vốn của bản thân để tham gia chương trình.

Ngoài ra, các dự án có tính khả thi, có đầu ra rõ ràng, được hỗ trợ như thế này thì các nhà cung cấp vật liệu cũng sẽ gia tăng việc bán trước thu tiền sau cho các chủ đầu tư dự án. Như vậy, luồng vốn đi theo gói 30 nghìn tỷ đồng là rất lớn.

Tôi nghĩ, tùy theo hiệu quả của gói 30 nghìn tỷ đồng này thì tôi tin sau 3 năm nữa Chính phủ sẽ có thêm gói tín dụng tương tự. Hiện tại, tôi nghĩ rằng, không lo chuyện vốn ít hay nhiều mà làm sao triển khai có hiệu quả gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã có, giải ngân tốt, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đến tay người thu nhập thấp, đến tay các dự án nhà ở xã hội, rồi chúng ta mới tính đến chuyện tiếp theo.

BTV: Hiện đã có nhiều dự án mở cửa để đón đà phục hồi của thị trường. Những người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng mong đợi, song lại lo ngại rất có thể lại ‘dính’ vào đợt sóng ảo khi khắp nơi ồ ạt bàn tán về gói hỗ trợ cho vay mua nhà, trong khi đó việc tiếp cận chưa biết sẽ được đến mức nào. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, lượng tồn kho bất động sản còn nhiều vậy tại sao lại khuyến khích xây nhà, liệu có thành bong bóng mới không?

Ông Nguyễn Trần Nam: Tôi khẳng định nước ta có 90 triệu dân, tương đương khoảng 25 triệu hộ gia đình, 32% ở đô thị, tương đương khoản 30 triệu người. Theo báo cáo, số lượng tồn kho khoảng 40- 50 nghìn căn/ tổng số 25 triệu hộ gia đình. Vậy đây có phải con số lớn hay không, thiết nghĩ bạn đọc có thể tự bình luận.

Vấn đề “lớn” ở đây không nằm trong nhu cầu người dân, mà đây là dư thừa những căn hộ giá cao, có căn hộ lên tới 90 triệu đồng/m2 nằm ngoài khả năng thanh toán của người dân. Nhược điểm của thị trường bất động sản hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta thừa căn hộ cao cấp, nhưng thiếu nhiều loại hàng hóa phù hợp mức sống và khả năng thanh toán của người dân.

Hiện nay, Hà Nội đang cần khoảng 100 nghìn căn hộ, chúng ta mới triển khai xây dựng được khoảng 10 nghìn căn, nên hiện đang còn thiếu những căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta ban hành Thông tư 02 cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chuyển những dự án có cơ cấu căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ, do vậy chúng ta không lo dư thừa, chính sách của chúng ta chỉ điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với quy luật cung cầu, quy luật hàng hóa.

Nhu cầu của chúng ta còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5m2/người; khoản 2 triệu công nhân khó khăn về nhà ở. Chưa kể khoảng 10 triệu người sống dưới 10m2 đầu người. Vấn đề là cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững.

ngatt

Nguồn Chinhphu.vn

Trở lên trên