MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức mở cửa CPTPP

Ngành dệt may, da giày, thủy sản... dù được đánh giá có lợi thế lớn khi CPTPP có hiệu lực nhưng vẫn lo ngại khó tận dụng các ưu đãi.

Hôm nay, 14-1, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Kỳ vọng các thị trường mới

Từ nay, nếu xuất khẩu hàng hóa sang 6 nước đã phê chuẩn CPTPP là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tự làm tờ khai nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (C/O) để hưởng ưu đãi thuế. Trung bình mức thuế được cắt giảm khoảng hơn 60% ngay khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực và tăng lên 80% sau 3 năm.

Chính thức mở cửa CPTPP - Ảnh 1.

Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào các nước CPTPP sẽ có nhiều lợi thế Ảnh: NGỌC ÁNH

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá CPTPP là cơ hội để DN thủy sản mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới trong khối này. Riêng với mặt hàng cá ngừ, Việt Nam có lợi thế tuyệt đối trong CPTPP vì 2 đối thủ lớn nhất là Thái Lan và Trung Quốc đều không phải thành viên hiệp định này.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, CPTPP không mang lại tăng trưởng mạnh cho ngành dệt may nhưng "có còn hơn không". Thị trường được kỳ vọng nhất là Canada và Úc. Riêng Nhật đã có hiệp định song phương với Việt Nam từ trước nên không hy vọng tăng trưởng nhiều.

Tuy nhiên, các ngành được đánh giá có lợi thế tốp đầu khi CPTPP có hiệu lực lại đang lo lắng nhất về vấn đề xuất xứ. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết dù đã chuẩn bị cho CPTPP nhưng để có thể "nhập cuộc" và tận dụng được lợi thế thì DN chưa đáp ứng được. "DN đã cố gắng hạn chế nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn phải nhập trên 60% nguyên phụ liệu nước ngoài, trong đó 50% từ Trung Quốc" - ông Hồng chỉ ra.

Theo ông Trương Đình Hòe, CPTPP không chỉ đề cập các vấn đề truyền thống như cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường... mà còn đặt yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp. Vì vậy, DN thủy sản phải xác định an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tiếp theo là chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh.

"Mở cửa các thị trường lớn sẽ kéo theo tăng trưởng nông nghiệp nhưng rào cản kỹ thuật sẽ thắt chặt hơn. Người nuôi trồng cần đầu tư quy trình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội" - Tổng Thư ký VASEP góp ý.

Nhiều DN chưa sẵn sàng

Vấn đề khiến DN Việt Nam còn bối rối trước ngưỡng cửa FTA hiện đại này là sức mạnh nội tại còn yếu. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy có trên 86% DN biết đến CPTPP nhưng vẫn chưa nắm rõ hiệp định này sẽ tác động thế nào đến sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN chưa thực sự sẵn sàng cho hội nhập quốc tế dù chúng ta đã có hàng chục FTA đang thực thi.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dẫn chứng tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của DN Việt mới đạt trung bình 30%-35%. Nguyên nhân là bởi DN không biết về những cơ hội thuế quan này, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi và không biết làm thế nào để tuân thủ các thủ tục phức tạp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng bày tỏ lo lắng khi bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP.

"Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho DN, thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội và có thể không trở thành hiện thực" - Chủ tịch VCCI e ngại.

Theo ông Lộc, chúng ta đã có bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang có. FTA từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Trong chưa đầy 40% lợi ích thuế quan Việt Nam tận dụng được từ FTA, phần lớn lại thuộc về DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, cho rằng cần tiếp tục lưu ý đến một số mặt hàng nông nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh trong khi Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như thịt heo, thịt gà. Một số sản phẩm công nghiệp mà các nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, như giấy, thép, ôtô.

"Chính phủ đã ban hành 3 nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ... Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu là kéo dài lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới, bị động, lúng túng khi thách thức đến" - lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên lưu ý.

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên