MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính trị gia Nhật Bản nói về Việt Nam tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều

24-02-2019 - 21:00 PM | Tài chính quốc tế

Dư luận quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2.

Chỉ còn ít ngày nữa là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam. Dư luận quốc tế đánh giá cao việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị. Vậy, kết quả của Hội nghị sẽ tác động thế nào tới khu vực và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên? Để rõ hơn vấn đề này, PV Thường trú Đài TNVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn ông Katsuhito Asano-Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản.

Chính trị gia Nhật Bản nói về Việt Nam tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều - Ảnh 1.

Ông Katsuhito Asano-Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản.

PV: Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được quyết định tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự lựa chọn này?

Ông Katsuhito Asano: Đầu tiên khi nghe tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ được tổ chức ở Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên. Và cũng giống tôi, mọi người trên thế giới cũng rất ngạc nhiên. Nhưng sau khi hồi tâm trở lại thì thấy rằng, Việt Nam là sợi dây gắn kết sự tin tưởng mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên. Hơn thế nữa, sau chiến tranh, quan hệ hữu hảo với Mỹ ngày càng trở nên thực chất. Bởi vậy, đối với hai bên mà nói, Việt Nam là địa điểm tổ chức thích hợp nhất và an tâm nhất.

Một điều nữa mà tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong các nước ASEAN, việc chọn Việt Nam sau Singapore là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 là minh chứng cho một Việt Nam phát triển và tình hình an ninh ổn định. Đó cũng khẳng định rằng, Việt Nam là nước thuộc top đầu của Châu Á.

PV: Ông và dư luận có kỳ vọng gì về cuộc gặp lần thứ 2 này?

Ông Katsuhito Asano: Riêng cá nhân Tổng thống Donald Trump tỏ ra khá lạc quan cho rằng, thỏa thuận Mỹ-Triều lần 2 có khả năng sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời bởi lần 1 cũng đã có những thương lượng đạt kết quả tốt.

Chính phủ Nhật Bản đang rất thận trọng về kết quả của hội đàm Mỹ-Triều lần hai này bởi cũng như lần 1 mới chỉ là lời nói và nội dung thỏa thuận cũng hết sức sơ lược. Và như vậy, Nhật Bản chỉ có thể đánh giá chính xác khi mà kế hoạch phi hạt nhân được thực hiện theo lộ trình.

PV: Vậy kết quả Hội nghị lần 2 sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực Đông Á bao gồm Nhật Bản?

Ông Katsuhito Asano: Theo tôi, tại Hội nghị lần này có thể vấn đề an ninh của Mỹ sẽ được giải quyết. Nhưng Nhật Bản không chắc rằng, nội dung của Hội nghị sẽ giải quyết được việc có tới 500-600 quả tên lửa tầm trung của Triều Tiên đang hướng vào Nhật Bản, Hàn Quốc và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đảo Guam sẽ được gỡ bỏ.

Nhật Bản luôn giữ vững lập trường cơ bản với 3 yêu cầu là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, kiểm soát tự do và không giới hạn của các cơ quan, tổ chức quốc tế đối với hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, biện pháp không đảo ngược.

PV: Một tương lai nào cho Bán đảo Triều Tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 kết thúc, thưa ông?

Ông Katsuhito Asano: Theo tôi sẽ là không mấy dễ dàng. Kết quả của Hội nghị sẽ thỏa thuận được tuyên bố kết thúc chiến tranh đối với Triều Tiên, và theo đó, Triều Tiên sẽ phá bỏ hạt nhân. Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc. Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên được thực hiện. Nhưng đó chỉ là giấc mơ của một câu chuyện. Nếu điều đó được dễ dàng như vậy có lẽ không ai phải vất vả như thời gian qua.

Mục tiêu chính của tuyên bố kết thúc chiến tranh là làm suy yếu ý nghĩa sự tồn tại của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, giảm vai trò hạt nhân của Mỹ ở Cực đông. Mặt khác, trong trường hơp Triều Tiên chậm trễ trong việc thực hiện cam kết xóa bỏ tên lửa đạn đạo bao gồm hạt nhân và tên lửa tầm trung  thì căng thẳng giữa Mỹ-Triều và Nhật-Triều sẽ ngày càng tăng.

Chính vì vậy, Triều Tiên cũng tự nhận thấy rằng, bản thân có một trách nhiệm nặng nề đối với hòa bình, an ninh của khu vực Đông Á và mong muốn tham gia vào Hội nghị lần 2 này.  Nguyên tắc cơ bản của Nhật Bản luôn là đồng thời với việc đảm bảo an ninh quốc gia là tránh những xung đột mới.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông./.


Theo Bùi Hùng

VOV

Trở lên trên