MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay quá dễ, các ngân hàng liệu có đang khiến cho khách hàng của mình quá tự tin?

03-10-2018 - 12:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Tham khảo tờ rơi của 1 bạn chuyên viên quan hệ khách hàng tại Ngân hàng X khiến tôi không khỏi giật mình về xu hướng cho vay tín chấp hiện tại của một số ngân hàng hiện nay. Khách hàng mọi lứa tuổi chỉ cần có một vài giấy tờ cá nhân đơn giản là sẽ được cấp ngay một khoản tín dụng cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân, mua sắm hoặc đời sống cá nhân hiện tại… với một vài quy trình thẩm định thậm chí được xem là rất đơn giản trong vòng 1-2 ngày thủ tục, đi kèm là mức lãi suất cho vay cũng không hề nhỏ.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Lê Ngọc Chiến, công tác tại ngân hàng MB ở Nam Từ Liêm, Hà Nội gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

--------

Thời điểm trước đây, khách hàng muốn vay vốn ngân hàng đa phần đều phải có tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp, được thẩm định một cách khắt khe khiến cho nhu cầu vốn được thu hẹp trong một số điều kiện nhất định.

Nhưng trong khoảng 5 – 7 năm trở lại đây, ít nhiều chúng ta đã được nghe thấy sự thay đổi về xu hướng tiếp cận khách hàng bán lẻ, phân khúc khách hàng có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Một loạt các công ty tài chính mới được thành lập, nhiều ngân hàng điều chỉnh chiến lược kinh doanh với mục tiêu tiếp cận được tập khách hàng này. Dễ dàng quan sát thấy vô số biển hiệu, tờ rơi, áp phích dán ở khắp ngõ ngách hẻm nhỏ với những yêu cầu cực kỳ đơn giản, rất nhiều cuộc gọi hàng ngày từ các đơn vị tài chính chỉ để cung cấp dịch vụ đến những khách hàng có nhu cầu vốn vay.

Bản thân đã và đang làm trong ngành ngân hàng, tôi cho rằng trên nhiều khía cạnh cả về doanh nghiệp cho vay và khách hàng sẽ cần lưu tâm hơn đối với những khoản vay thế này.

Thứ nhất, xét từ khía cạnh doanh nghiệp hoặc ngân hàng cho vay. Nhìn nhận qua sẽ thấy việc các ngân hàng hay công ty tài chính có xu hướng cho vay dễ và đơn giản như hiện nay mang lại không ít lợi ích cho khách hàng và nền kinh tế nói chung. Đó là khách hàng được tiếp cận về nhu cầu vốn tín dụng dễ hơn, nhanh hơn, đa dạng điều kiện khoản vay hơn, điều mà trước đây rất khó. Xa hơn nữa thì nhu cầu tiêu dùng, chi tiêu cuộc sống tăng theo, phát triển theo đó các ngành công nghiệp, dịch vu đi cùng.

Tuy nhiên việc các ngân hàng đang nới lỏng theo nghĩa bóng như hiện tại cũng mang lại không ít rủi ro và cơ hội cho cả khách hàng lẫn các ngân hàng hoặc công ty tài chính.

Cơ hội nhìn thấy rõ nhất là khách hàng không còn phải mất quá nhiều thời gian với những khoản tín dụng thấp, dịch vụ chăm sóc khách hàng của các ngân hàng tốt hơn thậm chí một số ngân hàng còn chuyên cung cấp các khoản vay theo hình thức trực tuyến cho khách hàng. Nhu cầu về chi tiêu mua sắm, đời sống cá nhân được đáp ứng kịp thời, nguồn lực phát triển kinh tế cũng có thể được kéo theo.

Song rủi ro đi cùng đó là việc trả nợ không được đảm bảo. Về phía khách hàng, việc không trả được nợ hoặc trả nợ không đúng hạn ảnh hưởng đến uy tín, thông tin tín dụng cộng với việc trả thêm các khoản lãi quán hạn. Về phía ngân hàng thì áp lực đòi nợ khiến cho công tác xử lý nợ gặp khó khăn và ngày càng dễ mất thiện cảm hơn với khách hàng.

Thứ hai, xét từ khía cạnh khách hàng. Người ta sẽ phải đặt câu hỏi liệu khách hàng hiện tại đang quá tư tin, quá lạc quan vào khả năng tài chính của bản thân? Bởi lẽ ngân hàng hay các công ty tài chính đang quá dễ trong việc thẩm định nguồn năng lực tài chính khách hàng. Quy trình thẩm định dễ được thể hiện ở việc bên cho vay chủ yếu dựa vào khả năng chứng minh tài chính trả  nợ và đạo đức khách hàng. 

Về khả năng chứng minh tài chính, các doanh nghiệp cho vay tín chấp hiện tại chủ yếu phân chia khách hàng ra các nhóm khác nhau tùy thuộc theo đặc tính sản phẩm cho vay. Khách hàng chỉ cần chứng minh được thu nhập qua bảng lương hoặc các hợp đồng giao dịch mua bán tín dụng, hóa đơn dịch vụ/sản xuất….thậm chí khách hàng được nhắn tin gọi điện mời sử dụng các khoản vay mà không cần phải chứng minh thêm các nguồn trả nợ khác. Về việc dựa vào đạo đức khách hàng, hiện nay một số ngân hàng hay công ty tài chính thẩm định thông tin khách hàng qua nguồn tham chiếu bạn bè/người thân, dù rằng việc tham chiếu thông tin nói trên còn nhiều bất cập và đã được phản ánh liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng vừa qua.

Công tác thẩm định hồ sơ, giấy tờ không chặt chẽ sẽ dẫn đến việc đánh giá sai tình hình tài chính khách hàng, qua đó mang lại rủi ro cho chính họ. Trong thực tế, bên cạnh việc thẩm định qua loa thì việc khách hàng không được tư vấn một cách chính xác nhất về mức lãi suất kèm điều kiện đi cùng đã khiến cho họ vô tình trở nên chủ quan về năng lực tài chính bản thân cũng như tin tưởng tuyệt đối vào dịch vụ của các ngân hàng, dẫn đến việc khi trả nợ gặp khó khăn và thế là ngân hàng, công ty tài chính lại phải gánh thêm nợ xấu.

Để tránh rủi ro khi vay tiền, cá nhân tác giả cho rằng khách hàng cần tham khảo kỹ các khoản vay, bao gồm thông tin chính xác về lãi suất, khoản vay, chi tiết khoản nợ, khả năng trả nợ và các yêu cầu đi kèm... để cân đối với nhu cầu và khả năng của mình. Khách hàng cũng phải trực tiếp ký hợp đồng tín dụng, không thông qua cá nhân trung gian, sau khi vay phải lưu ý luôn chủ động cập nhật thông tin về khoản vay của mình để trả nợ đúng hạn để tránh bị phạt. Về phía ngân hàng, cũng cần nâng cao khả năng thẩm định thực tế, khả năng tài chính khách hàng, tập trung đào tạo và phát triển chiều sâu về công tác xử lý nợ theo đúng quy trình nghiệp vụ nhưng vẫn giữ được hình ảnh với khách hàng. Có như vậy, việc cho vay của các ngân hàng và công ty tài chính đối với các khoản vay tín chấp mới thực sự đem lại hiệu quả cho cả hai bên.

Tác giả dự thi: Lê Ngọc Chiến

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên