MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chọn cổ phiếu] 5 cổ phiếu đang được khuyên mua từ cơ hội chuyển biến KQKD

Dưới đây là những cổ phiếu của các doanh nghiệp đang được các công ty chứng khoán đánh giá lạc quan về triển vọng kết quả kinh doanh do sự hỗ trợ từ hoạt động tái cơ cấu cũng như yếu tố thuận lợi từ ngành và vĩ mô.

ACB – Phần lớn các vấn đề tồn đọng được giải quyết

CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) có khả năng lớn sẽ tạo ra lợi nhuận sau thuế cao cho cổ đông từ năm tới, khi phần lớn các vấn đề tồn đọng được giải quyết, đặc biệt là năm 2018 khi tất cả các vấn đề được kỳ vọng sẽ giải quyết xong.

Theo số liệu đã được công bố, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2016 của ACB tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận trước thuế từ các hoạt động ngân hàng cốt lõi tăng đáng kể 57,5%. VCSC cho rằng, tăng trưởng cao từ các hoạt động ngân hàng cốt lõi này giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vấn đề tồn đọng trong năm 2016.

Đặc biệt, khoản vay liên ngân hàng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) dự kiến được giải quyết trong năm nay khi đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Nhà nước và 2 ngân hàng trên, giúp tăng thu nhập lãi vay từ năm 2016 và tạo nên 1 khoản hoàn nhập dự phòng năm 2017.

Trong thời gian tới, VCSC đánh giá ACB sẽ có một tương lai tích cực. Mức tăng mạnh lợi nhuận trước thuế từ hoạt động ngân hàng cốt lõi 57,5% trong 6 tháng đầu năm báo hiệu một chu kỳ tăng trưởng dài hạn, khi bảng cân đối kế toán của ngân hàng không còn bị tác động bởi vấn đề tài sản tồn đọng hoặc trích dự phòng.

“Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với ACB với giá mục tiêu 22.100 đồng do tăng trưởng ấn tượng từ các hoạt động ngân hàng cốt lõi diễn ra trong nửa đầu năm nay, giúp thúc đẩy việc giải quyết các tài sản có vấn đề, và làm tăng chất lượng tài sản trong bảng cân đối kế toán.” – Báo cáo của VCSC khuyến nghị.

SBA - Triển vọng trở lại lạc quan nhờ hiện tượng LA NINA

CTCP Sông Ba là doanh nghiệp chuyên về vận hành các nhà máy thủy điện và thiết kế, giám sát xây dựng, bảo trì bảo dưỡng, quản lý các công trình thủy điện vừa và nhỏ. SBA có 2 nhà máy thủy điện cỡ vừa ở khu vực miền Trung là nhà máy thủy điện Khe Diên với công suất 9MW và nhà máy thủy điện Krông H’năng, công suất 64 MW.

Theo CTCK MBS, đây là 1 công ty có những chuyển biến tích cực và mức định giá hấp dẫn trong thời gian qua dựa trên vị thế vững mạnh của SBA so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Công ty cũng đang quản lý vận hành sản xuất các nhà máy đạt hiệu quả, đồng thời hoàn thiện các công tác, giải pháp để tăng sản lượng điện, doanh thu.

Đặc biệt, chu kỳ El Nino cực đại trong lịch sử (2015-2016) kết thúc trong năm 2016 trong khi La Nina sẽ là hiện tượng thời tiết chi phối trong chu kỳ kinh doanh tới là cơ hội để ngành thủy điện đạt kết quả kinh doanh tích cực.

Đối với SBA, mùa khô được tính là từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau. Giá mua điện vào mùa khô cao hơn hẳn so với mùa mưa với giá lúc thấp điểm là vào khoảng 650 đ/Kwh và giá cao điểm là khoảng 2.500 – 2700 đ/ kwh. Với việc hiện tượng La Nina đang gây mưa lớn tại khu vực Nam Bộ và hồ chứa SBA là hồ chứa theo tuần, tác động tích cực của hiện tương La Nina sẽ phản ánh đầy đủ vào hoạt động kinh doanh trong quý IV/2016 của SBA.

Hoạt động đầu tư sẽ mang lại dòng tiền cho SBA. SBA dự tính triển khai nhà máy thủy điện Krông H’năng 2 từ cuối năm 2016 giúp tăng công suất lên 18%. Ngoài ra, SBA thu được dòng tiền khấu hao 37 tỷ đ/năm từ các nhà máy thủy điện hiện tại có thể sử dụng để trả nợ vay hoặc tài trợ cho dự án mở rộng này.

DNP - Điểm sáng ngành nhựa với tiềm năng dài hạn từ kinh doanh nước sạch

Theo CTCK VCBS, CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) là doanh nghiệp có thị phần số 1 mảng ống nhựa hạ tầng và sản lượng sản xuất tăng trưởng ổn định. DNP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao với động lực tăng trưởng chính là mảng ống nhựa hạ tầng và dự báo mảng sản xuất nước sạch sẽ có tiềm năng đóng góp ngày càng cao và bền vững trong lợi nhuận của doanh nghiệp.

DNP là doanh nghiệp có quy mô vừa công suất đạt 48.000 tấn/năm với hai nhà máy: một nhà máy chính tại Biên Hòa công suất 3.000 tấng/tháng và ở Quảng Nam miền Trung 1.000 tấn/tháng. Mặc dù là doanh nghiệp có quy mô vừa nhưng DNP là doanh nghiệp có thâm niên hoạt động trong ngành nên công ty có nhiều khách hàng truyền thống, có mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh lâu năm. Các sản phẩm ống nhựa của DNP chủ yếu được đấu thầu trong xây dựng công trình hạ tầng về cấp thoát nước còn trong công trình dân dụng hầu như thấp nên sản phẩm của DNP ít cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của nhựa Bình Minh và nhựa Tiền Phong.

Nước sạch là mảng kinh doanh theo hướng bền vững và lâu dài của DNP trong tương lai. Định hướng chiến lược đến năm 2020 DNP hoàn thiện hệ thống các nhà máy cấp nước sạch, cung cấp đạt 200.000 m3/ngày.

Hơn nữa gần đây DNP vừa mới công bố hoàn tất việc mua lại nhà máy nước Đồng Tâm (DTW) từ CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM-CII. DNP cũng thực hiện góp vốn thành lập nhà máy nước sạch DNP Long An, DNP Tiền Giang với công suất cấp nước tương ứng là 60.000, 30.000 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, VCBS đánh giá rủi ro đối với DNP là việc pha loãng EPS do kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm 2017.

GTN – Lạc quan về khả năng tái cơ cấu

CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng kết quả lợi nhuận của CTCP GTNFOODS (mã GTN) năm 2017 mới bắt đầu phản ánh việc tập trung vào ngành nông nghiệp và thực phẩm cốt lõi vì công ty vẫn trong quá trình tái cơ cấu.

Tuy nhiên, với công ty sữa đạt tăng trưởng lợi nhuận cao, cùng với các sản phẩm trà có thương hiệu mới sẵn sàng tung ra thị trường trong tháng mười, khiến VCSC lạc quan về khả năng của GTN trong việc tái cơ cấu thành công các lĩnh vực hoạt động trên như công ty đã thực hiện với Ladofoods.

6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của GTN giảm 77% do chi phí tái cơ cấu Vinatea và lợi nhuận tài chính thuần giảm. Doanh thu của Vinatea tăng 26% trong 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng và giá bán trung bình tăng. Tăng cường xuất khẩu và tung ra các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước sẽ hỗ trợ Vinatea trong 6 tháng cuối năm.

Trong khi đó, Công ty sữa đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 51% nhờ việc thu mua nguyên liệu đầu vào mảng sữa đạt hiệu quả cao hơn.

VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế 2017 của GTN tăng 180% so với dự báo năm 2016 nhờ công ty sữa và các sản phẩm có thương hiệu của Vinatea đóng góp cho cả năm.

VGC – Triển vọng kinh doanh lạc quan và lợi thế lên sàn HNX

Cũng theo dự báo của CTCK Bản Việt (VCSC), doanh thu từ bất động sản 2016 của Tổng Công ty Viglacera (VGC) sẽ tăng 9% so với năm 2015 và duy trì ổn định nhờ sự đóng góp của doanh thu từ các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, VGC với vị trí dẫn đầu thị trường vững chắc trong lĩnh vực kính xây dựng cải thiện biên lợi nhuận gộp, đạt 26,4% trong nữa đầu năm 2016.

Ngoài ra, VGC xây dựng các nhà máy sản xuất đá granite mới để tăng thị phần trong lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh.

Các điểm lợi thế khác khi đầu tư vào VGC như cổ phiếu này sẽ được niêm yết trên sàn HNX vào tháng 12/2016, VGC dự kiến phát hành cổ phiếu mới trong quý I/2017 nhằm giảm tỉ lệ sở hữu của Bộ Xây Dựng xuống 65%. Dự báo tăng trưởng với định giá hợp lý trước khi phát hành thêm cổ phiếu.

Vì vậy, VCSC khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu VGC trong giai đoạn từ 3-6 tháng tới.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên