MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ

19-01-2018 - 21:05 PM | Xã hội

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, nối các đi...

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.

Từng bước tháo gỡ nhiều việc nhiều năm băn khoăn, trăn trở

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay và năm 2017, toàn ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đổi mới phong cách, lề lối, phương pháp, thái độ làm việc, huy động sức mạnh chung để hoàn thành khối lượng lớn công việc, từ những nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách đến những nội dung công việc quan trọng, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhạy cảm, phức tạp, góp phần vào những thành tựu chung của đất nước, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nêu rõ: Năm 2017, toàn ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc nhiều năm băn khoăn, trăn trở, đến nay mới từng bước được nhận diện, tháo gỡ.

Ngành đã nỗ lực tham mưu và tổ chức thực hiện trên tất cả các mặt công tác theo 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra; tiếp tục mở rộng dân chủ, đổi mới phương pháp, quy trình, cách làm; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Ngành tiếp tục nghiên cứu, tổ chức triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngành đã cơ bản hoàn thành các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp trong năm 2017 theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là đã tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định, quy chế trong công tác xây dựng Đảng, góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, lấy "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.

Về công tác cán bộ, ngành đã tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung khắc phục những hạn chế, sơ hở để công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng căn cơ hơn, nền nếp hơn, bài bản và hiệu quả hơn; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ.

Cụ thể, ngành đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, quy định về luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó phân định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc đề xuất, tham mưu, thẩm định và quyết định trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ...

Thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương những kết quả đã đạt được trong hai năm qua, đặc biệt là năm 2017 của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, đóng góp có hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước.

Nói về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Ban Tổ chức Trung ương trong toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu của Đảng và những nhiệm vụ cốt lõi của công tác Xây dựng Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Sau khi có đường lối đúng, cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân".

Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu, đề xuất về tổ chức và cán bộ để Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Nếu "xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" thì công việc của Ban Tổ chức các cấp là "then chốt của then chốt". Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp, công việc sẽ trôi chảy, suôn sẻ.

Làm rõ những yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ

Bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng ghi nhận, Tổng Bí thư cho rằng chúng ta cũng cần thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục.

Vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; vai trò nêu gương, phê bình và tự phê bình còn chưa cao, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ...

Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành.

Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.

 Chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ - Ảnh 1.

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày

Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.

“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?...

Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?” – Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, qua kết quả công tác tham mưu của ngành Tổ chức xây dựng Đảng cho thấy, hình như công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đồng đều, còn hạn chế; chất lượng nắm tình hình, năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất còn chưa cao...

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí dự Hội nghị đi sâu phân tích, thẳng thắn nhìn nhận, làm rõ những hạn chế này để chúng ta kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: cần tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương đã ban hành từ đầu khoá XII đến nay.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Tổ chức Trung ương cần tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các Hội nghị Trung ương sắp tới, mà trước mắt là Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" trình Hội nghị Trung ương 7.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bắt tay vào chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.

Hoan nghênh Hội nghị đã đưa vấn đề này thành chuyên đề thảo luận, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí đại biểu thảo luận sôi nổi, khách quan, đi sâu làm rõ nội hàm và biểu hiện của vấn đề, mức độ tình hình hiện nay ra sao, và đặc biệt là đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này như thế nào...

Qua đó, góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định về vấn đề này một cách phù hợp.

 Chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội nghị

Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Đường lối có đúng hay sai, tổ chức thực hiện có tốt hay không đều phụ thuộc vào cán bộ.

Cấp ủy các cấp, của từng cán bộ làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng phải nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì lợi ích chung, có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu; tinh thông nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, nói đi đôi với làm.

Đặc biệt là phải hết sức công tâm, trong sáng, khách quan, tận tụy với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào; phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ.

Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Hiền Hòa

Dangcongsan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên