MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống ngập ở TP HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước!

28-11-2018 - 08:28 AM | Xã hội

Mưa gây ngập sâu ở TP HCM có thể còn lặp lại cho nên dự phòng, thay đổi sinh hoạt, thích nghi luôn là cần thiết với người dân.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC – Đại học Quốc gia TP HCM về việc chống ngập tại TP HCM.

PV: Thưa ông, trận mưa lịch sử do hoàn lưu bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Hồ Chí Minh với hàng chục điểm ngập sâu. Với lượng mưa lên tới hơn 400mm, theo ông, vấn đề này có thể lường trước được hay không?

Tiến sĩ Hồ Long Phi: Thiên tai thì không bao giờ có thể lường trước được. Sức mạnh của tự nhiên là vô hạn. Tất cả các dự báo thì đều có thể sai thành ra trong các vấn đề về thiên tai thì việc dự phòng là tốt nhất.

Chống ngập ở TP HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước! - Ảnh 1.
Trận mưa lịch sử do hoàn lưu bão số 9 gây ngập sâu ở TP HCM 

PV: Qua trận ngập lịch sử này phần nào cho thấy vấn đề về quy hoạch hệ thống thoát nước lâu nay của thành phố có còn phù hợp với thực tiễn không, thưa ông?

Tiến sĩ Hồ Long Phi: Thật ra trong quy hoạch thì đều có khảo sát hết, gồm có cả hệ thống thoát nước, hệ thống ngăn triều, hệ thống trạm bơm, gần đây có cả hồ điều tiết nữa. Nhưng thực tế quy hoạch đó chưa làm được bao nhiêu hết. Vấn đề chúng ta cần đặt ra là tốc độ thực hiện quá chậm.

PV: Việc sử dụng máy bơm dã chiến như đã áp dụng thời gian của thành phố rõ ràng không hiệu quả. Trong khi các công trình thoát nước ngàn tỷ thì vẫn đang dở dang. Chúng ta không thể chắc chắn, trong thời gian ngắn sẽ không còn những cơn mưa với lượng mưa lớn như vừa qua. Vậy TPHCM cần có biện pháp khẩn cấp gì, thưa ông?

Tiến sĩ Hồ Long Phi: Việc dùng máy bơm dã chiến không thể nói là không hiệu quả, chỉ có điều là hiệu quả của nó chỉ có ở trên một cái nền hệ thống thoát nước nó vững và hệ thống ngăn triều ổn định. Còn lại lúc mà nó cực đoan thì chúng ta chỉ có thể dùng bơm để hỗ trợ thêm. Thành ra cái đó phải được xem xét như là một giải pháp nghiêm chỉnh, chứ không phải là giống như hiện nay chúng ta chỉ dùng bơm di động với công suất nhỏ chạy chỗ này chỗ kia, cái đó là chưa đủ.

Còn giải pháp khẩn cấp thì chúng ta chưa thể nói ngay bây giờ được. Bởi vì cơ bản  hệ thống hạ tầng thoát nước còn dang dở và gấp rút trong thời gian sớm nhất để hoàn thiện.

PC_Article_Middle

Nếu chúng ta đầu tư công sức thì ít nhất trong vòng khoảng 10 năm, 20 năm nữa mới có thể xong được cái cơ bản. Còn trong thời gian chờ đợi như vậy thì chúng ta phải dự phòng tình huống sớm nhất, có nghĩa là chúng ta phải làm sao giảm nhẹ được thiệt hại, chứ còn trông chờ vào việc chống ngập không thì không ổn….

Còn đối với người dân thì tôi cho rằng giải pháp tốt nhất là xem xét lại tất cả các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, rút kinh nghiệm từ trận ngập lần này, cái gì dễ thiệt hại thì chúng ta nên chủ động chứ trông cậy vào hệ thống thoát nước thì rất là lâu.

PVTrong quy hoạch 752 về thoát nước của TP HCM, chúng tôi được biết là chưa đề cập việc quy hoạch xây dựng hệ thống hồ điều tiết. Mặc dù cách đây khoảng 3 năm, thành phố cũng đã lập quy hoạch xác định xây dựng hơn 100 hồ điều tiết trên khắp thành phố nhưng đến nay việc triển khai gần như con số 0. Ông đánh giá thế nào về vai trò hồ điều tiết và sự cần thiết bổ sung quy hoạch ra sao để phù hợp với thực tiễn trong tương lai?

Tiến sĩ Hồ Long Phi: Thật ra qui hoạch hồ điều tiết thì chúng ta đã bàn cách đây hàng chục năm và đã lên phương án nhưng thực hiện thì không đơn giản, bởi vì đụng đến đất đai. Vì không chỉ có dân chúng mà có cả cơ quan công quyền…mà nói đến đất đai thì ai cũng "giãy nảy" lên. Nếu không có cả hệ thống chính trị thì chúng ta không thể làm được điều này. Qui hoạch điều tiết thì nên có trong qui hoạch hệ thống thoát nước, bởi vì hiện nay nó giống như là một hướng dẫn đơn lẻ… nên mức độ pháp lý còn hạn chế gây khó khăn cho việc thực hiện.

PV: Nếu không có những giải pháp trước mắt và lâu dài như vậy, theo ông, hậu quả để lại sẽ tồi tệ ra sao?

Tiến sĩ Hồ Long Phi: Trận mưa lớn lịch sử như vừa rồi và trong tương lai sẽ không còn hiếm nữa, lịch sử sẽ bị vượt qua. Nó không chỉ có vậy mà sẽ còn nặng hơn nữa bởi vì tài sản của chúng ta càng ngày càng lớn. Mức độ rủi ro do thiên tai ngày càng cao, thành ra giải pháp tối ưu nhất là thích nghi từng bước các giải pháp xây dựng công trình, sự thay đổi thói quen sinh hoạt của người dân cũng như là xắp xếp lại không gian sống cũng như không gian làm việc để giảm được thiệt hại… Biến đổi khí hậu dài hạn lắm. Cho nên là dự phòng luôn luôn là cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo Tiến Dũng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên