MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống tình trạng đưa người thân, gia đình làm quan một chỗ

10-10-2016 - 19:30 PM | Xã hội

TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV nhấn mạnh điều này khi đề cập công tác cán bộ.

Trong Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng Bí thư đề nghị chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Trả lời chúng tôi, TS. Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, một trong những việc phải làm ngay đó là chống tình trạng đưa người thân, gia đình làm quan một chỗ.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật như Tổng Bí thư yêu cầu, cụ thể tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá diễn biến tinh vi, phức tạp hơn thể hiện như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Dũng: Trong Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống suy thoái, tự diễn biến nội bộ, đó là vấn đề rất cần thiết.

Thực tiễn cuộc sống đang diễn ra và qua một loạt các cán bộ bắt đầu xuất hiện suy thoái tư tưởng, thậm chí phản bội, nói và làm không theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Suy thoái đạo đức, xa rời phẩm hạnh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lòng yêu nước, yêu thương con người…; xa rời nhân phẩm, đạo đức của người Cách mạng.

Điều lo lắng nhất, đó là một số cán bộ đảng viên, đặc biệt ở những ngành kinh tế, ngành quan trọng đối với đời sống xã hội, bắt đầu có những biểu hiện sống xa lạ với đường lối của Đảng, phẩm hạnh, đạo đức mà Bác Hồ đề ra.

Ngoài những nguyên nhân đã được chỉ ra, theo ông còn nguyên nhân nào?

TS. Nguyễn Quốc Dũng: Nguyên nhân sâu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, tôi rất thống nhất. Tôi nói thêm một nguyên nhân nữa, đó là môi trường văn hóa. Giáo dục trong các học đường, đặc biệt là cấp phổ thông có vấn đề. Môi trường văn hóa xây dựng mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống, trong xã hội có vấn đề. Xảy ra nhiều vụ thảm sát, giết người hàng loạt, sự thờ ơ, tư tưởng vô cảm diễn ra không phải là ít.

Một nguyên nhân nữa, tôi cho rằng, chưa có sự công bằng trong môi trường phấn đấu và công hiến, đặc biệt trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Tình trạng bè phái, hậu duệ,...khiến những người tốt chán nản, không muốn tham gia, phấn đấu.

Nguyên nhân thứ 3 là công tác giám sát chưa đủ lực và chưa đủ mạnh để răn đe. Vì vậy, một trong những việc cần phải tập trung, đó là phải tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng cường tu dưỡng đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

Ngoài 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu, ông có bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì?

TS. Nguyễn Quốc Dũng: Bốn nhóm giải pháp của Tổng Bí thư đưa ra về cơ bản rất đúng. Tuy nhiên, cũng phải thêm trong từng ý của giải pháp, những vấn đề cần tập trung.

Vấn đề thứ nhất, đó là chống tình trạng đưa người thân, gia đình làm quan một chỗ. Ngày xưa, vua chúa phong kiến đã nhìn thấy được đều này. Hiện tượng người thân làm quan một chỗ rất nguy hiểm.

Ở đây, người ta không cấm chuyện gia đình có nhiều người làm quan, có nhiều người giỏi. Họ được quyền học tập và phấn đấu, nhưng không cho làm chung một chỗ. Một chỗ ở đây được hiểu là một cơ quan, một địa phương, tùy theo tính chất của công việc. Không thể có tình trạng “gia đình trị”.

Thứ hai, hiện nay, có một việc cần phải chống, đó là hiện tượng mê tín dị đoan diễn ra ngay cả trong cán bộ lãnh đạo. Những chuyện xin ấn, tranh giành nhau rất lố bịch. Xã hội sẽ không thể phát triển được nếu động lực là đi chùa, là đi xin thần linh. Tôi cho rằng, chống mê tin dị đoan phải làm quyết liệt.

Tôi mong phải làm thật sự mạnh.

Xin cảm ơn ông!.

Theo Hữu Trãi - Phan Ánh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên