MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ hãng xe khách Phương Trang "kêu cứu" vì bị chiếm đoạt hơn 5.000 tỷ đồng

02-09-2016 - 20:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Công ty CP Đầu tư Phương Trang (chủ hãng xe khách Phương Trang) cùng các đối tác kinh doanh đề nghị Cơ quan Công an làm rõ hành vi cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn và các lãnh đạo, nhân viên của Ngân hàng Đại Tín.

Sự việc bắt đầu từ giai đoạn những năm 2010 - 2011 khi Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng các đối tác kinh doanh (nhóm Phương Trang) có giao dịch tín dụng với ngân hàng tiền thân của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) là Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank). Theo hồ sơ xử lý thu hồi nợ của VNCB thực hiện năm 2013, tổng giá trị tài sản thế chấp của nhóm Phương Trang khi giao dịch với Trust Bank ước tính 14.236 tỷ đồng.

Cụ thể, 39 danh mục tài sản thế chấp là khế ước đất tại Đà Nẵng (quận Sơn Trà, Liên Chiểu), TP.HCM (quận 1, 2, 3, 7, Thủ Đức), Long An, Bình Định và Quảng Nam của nhóm Phương Trang được xác định trị giá 10.661 tỷ đồng. Nhóm tài sản thế chấp là ô tô ghi nhận 211 chiếc, giá trị 239 tỷ đồng. Danh mục tài sản thế chấp cuối cùng trong hồ sơ thế chấp này là trái phiếu của các dự án (cũng là bất động sản) tại TP.HCM trị giá hơn 3.335 tỷ.

VNCB cho rằng trên sổ sách giấy tờ nhóm Phương Trang còn nợ 9.437 tỷ đồng trên tổng số tiền giải ngân 9.469 tỷ đồng. Ngược lại nhóm Phương Trang cho biết chỉ thực nhận được hơn 3.436 tỷ đồng từ Trust Bank (tiền thân của VNCB). Như vậy là có khoảng 6.000 tỷ đồng chênh lệch giữa sổ sách vay mượn của VNCB và nhóm Phương Trang.

Trong đơn thư cầu cứu gửi lên Chính phủ liên tục từ năm 2012 đến năm 2014, nhóm Phương Trang "tố" Trust Bank đã có hành vi sai phạm là: không giải ngân hợp đồng mua bán trái phiếu, hợp đồng vay và gian dối ghi dư nợ đối với hợp đồng đã tất toán cho doanh nghiệp. Công ty này cũng tố cáo ngân hàng chiếm giữ trái phép tài sản thế chấp của mình.

Khi phiên tòa xét xử "đại án" của ông Phạm Công Danh và đồng phạm diễn ra, trong bản giải trình về việc đối chiếu công nợ của VNCB, bà Hứa Thị Phấn (người sở hữu gần 84,92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ và là chủ cũ của Trust Bank - tiền thân của VNCB) cho rằng liên quan đến số tiền mà nhóm Phương Trang còn nợ Trust Bank (9.437 tỷ đồng) thì nhóm Phương Trang đã sử dụng hơn 4.900 tỷ đồng trả nợ cho nhóm Phú Mỹ. Theo bà Phấn, các giao dịch vay mượn, hoàn trả và thanh toán giữa hai nhóm Phương Trang và Phú Mỹ là việc riêng của 2 nhóm, không liên quan đến VNCB.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Luận - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phương Trang và cũng là đại diện nhóm Phương Trang khẳng định họ không có bất cứ mối quan hệ vay mượn hay hợp tác làm ăn nào với bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ như bà Phấn đã trình bày với cơ quan điều tra.

Để chứng minh luận điểm của mình, ông Luận cho biết bà Hứa Thị Phấn và ông Hoàng Văn Toàn - nguyên Chủ tịch HĐQT Trust Bank đều đã thừa nhận với cơ quan điều tra là các ông Phạm Đăng Quan và Nguyễn Hữu Luận (đều là người của Công ty Phương Trang) đến Trust Bank chỉ để vay tiền và xác lập quan hệ tín dụng. Hơn thế nữa, những đại diện này bắt đầu thiết lập quan hệ và vay mượn của Trust Bank từ khoảng tháng 5 - 6/2010. Thế nhưng đến tháng 2/2011, ông Luận mới lần đầu đến Trust Bank để chào hỏi, biết mặt bà Hứa Thị Phấn và ông Hoàng Văn Toàn.

Về khoản tiền hơn 4.900 tỷ đồng nêu trên, ông Luận cho rằng bà Phấn cùng với các “trợ thủ” đắc lực đã chiếm hữu số tiền này rồi "vu khống" cho nhóm Phương Trang. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn cùng với ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, bà Ngô Kim Huệ và một số cán bộ chủ chốt của Trust Bank đã dùng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán để ngụy tạo hồ sơ và ghi thêm thành dư nợ khống số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng cho nhóm Phương Trang.

Sự "vu khống" ấy còn được thể hiện rõ hơn khi bà Phấn không đưa ra được bằng chứng chứng minh nhóm Phương Trang đã vay số tiền đó. Chưa kể trong các khoảng thời gian 2010 - 2011 đó thì Trust Bank rất khó khăn về thanh khoản, không có tiền mặt thì tiền đâu cho nhóm Phương Trang vay rồi ghi nợ số lượng lớn như vậy?

Ông Nguyễn Hữu Luận cung cấp thông tin rằng theo kết quả điều tra, trong tổng số dư nợ tín dụng 9.437 tỷ đồng mà VNCB nói là của nhóm Phương Trang thì bà Hứa Thị Phấn thừa nhận đã chiếm đoạt và sử dụng trái phép số tiền hơn 4.900 tỷ đồng (chưa kể còn khoảng hơn 1.100 tỷ đồng đang được Cơ quan Công an điều tra để làm rõ). Chính vì lẽ đó, đại diện nhóm Phương Trang đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ các hành vi cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của bà Phấn, ông Toàn, ông Nam và các nhân viên của Trust Bank có liên quan.

Ngoài ra, nhóm Phương Trang cũng quả quyết, họ không cho bà Phấn mượn tiền từ 3 khoản vay của các công ty: Ngôi Sao Tương Lai, Đại Việt Thị và An Hòa (thuộc Nhóm Phương Trang) để tăng vốn điều lệ của Trust Bank như bà đã trình bày trước toà. Thực tế đây là khoản vay mà 3 công ty nói trên vay của Trust Bank để sản xuất kinh doanh. Đáng nói nhất là số tiền đó không được giải ngân cho người vay mà lại bị nhóm bà Phấn chiếm hữu sử dụng trái phép và ghi nợ khống cho các công ty nói trên.

"Chúng tôi trước giờ chỉ biết đi vay từ một chủ thể cho vay duy nhất là Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, số tiền được giải ngân cho chúng tôi bao nhiêu đã được các cơ quan liên quan của Bộ Công an xác nhận, đúng theo lời khai của bà Phấn. Chính việc vu khống này đã làm cho chúng tôi điêu đứng suốt nhiều năm qua, không lấy được tài sản là đất đai ra khỏi ngân hàng để đầu tư phát triển", đại diện nhóm Phương Trang nói thêm.

Được biết, trong bản kiến nghị gửi Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND TP.HCM, 3 Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Hà Hải và Luật sư Nguyễn Văn Sáng là những người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Công Danh cũng cho rằng bà Hứa Thị Phấn, ông Hoàng Văn Toàn, các cổ đông và một số người thuộc Ngân hàng TMCP Đại Tín phải chịu trách nhiệm về việc đã gây thiệt hại cho Ngân hàng này.

3 luật sư này cho rằng quá trình hoạt động của TrustBank đã bị thua lỗ trước khi chuyển nhượng cổ phần cho ông Phạm Công Danh. Cụ thể, ngày 09/2/2012, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra TrustBank và đến ngày 10/7/2012 có Kết luận thanh tra số 224/KL-TTGSNH kết luận tại thời điểm thanh tra thì vốn chủ sở hữu của TrustBank bị âm 2.854,833 tỷ đồng; lỗ lũy kế 6.061,738 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Ngân hàng Nhà nước có phương án tái cơ cấu TrustBank và được Chính phủ đồng ý phương án tái cơ cấu theo nguyên tắc và giải pháp tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012.

Cuối năm 2012 (thời điểm này ông Phạm Công Danh chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận về nhân sự) thì Báo cáo tài chính của Trust Bank đã kiểm toán thì kết quả kinh doanh lỗ lũy kế: 8.765,835 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711,1 tỷ đồng.

Từ những căn cứ nêu trên, 3 Luật sư kiến nghị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thuộc TAND TPHCM xem xét quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát NDTC điều tra làm rõ những sai phạm của nhóm bà Hứa Thị Phấn và những người đã gây thiệt hại cho Trust Bank để xử lý trong vụ án Phạm Công Danh nhằm không để lọt tội phạm, bảo đảm công bằng trước pháp luật và giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Duy Khánh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên