img
Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 1.

Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 2.

Vào những năm 90, khi Việt Nam còn ngập trong vô vàn khó khăn, vì sao ông quyết định chọn nơi đây để đầu tư mà không phải các thị trường phát triển hơn trong khu vực?

Kém phát triển là cơ hội để đầu tư, nhưng đó là vấn đề phụ thôi. Vấn đề chính là thời điểm những năm 90 mặc dù Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi đã nhận thấy được hướng đi mới của Việt Nam.

Ở khu vực Đông Nam Á khi đó, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chưa thực sự có nền kinh tế thị trường và tôi kỳ vọng điều này sẽ diễn ra sau một vài năm. Trên thực tế, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Việt Nam đã mở cửa kinh tế và mở ra cơ hội cho nhà đầu tư.

Đầu tư vào một thị trường sơ khai như Việt Nam, ông gặp những thách thức gì?

Vào năm 1994, khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhìn vào Việt Nam và cũng có một vài người lập quỹ. Thời điểm đó, Dragon Capital (D.C) có quy mô khá nhỏ so với những nhà đầu tư tìm đến Việt Nam.

Có thể so sánh Việt Nam những năm 1994 với Myanmar cách đây 1-2 năm khi không có thị trường tài chính nhưng sự thay đổi trong quan hệ quốc tế đã thu hút nhà đầu tư tìm đến.

Những năm trước khi Việt Nam thành lập Sở GDCK thì nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Khó khăn ở chỗ cơ hội đầu tư khi đó rất hiếm, mà đã đầu tư thì gần như không có thanh khoản. Vào cuối năm 1996, đầu năm 1997, khủng hoảng tài chính trong khu vực đã khiến những ngày đầu của D.C càng trở nên khó khăn hơn.

Việt Nam có kế hoạch mở cửa TTCK vào năm 1998, nhưng do khủng hoảng châu Á nên Chính phủ đã quyết định tạm hoãn đến năm 2000. Sau đó, tình hình dần thay đổi khi TTCK Việt Nam chính thức ra đời và nhà đầu tư dần quan tâm hơn tới thị trường.


Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 3.

Vậy khủng hoảng tài chính năm 1997 có phải thời điểm khó khăn nhất với D.C?

Mỗi lần khủng hoảng là một lần khó khăn. Lần đầu là sụp đổ Liên Xô, nhưng khi đó chưa có D.C. Khủng hoảng châu Á khó khăn, khủng hoảng tài chính 2008 cũng khó khăn. Tuy nhiên, có thể nói giai đoạn 1997, 1998 là thời khắc khó khăn hơn cả khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 2 lần, mỗi lần mười mấy phần trăm, danh mục đầu tư của D.C khi ấy mất đi 1/3 giá trị.

Thời điểm đó, các thị trường trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… còn mất hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn thực sự ở Việt Nam không phải là mất bao nhiêu mà là không phục hồi. Ở các thị trường khác, mất mát tới 60-70%, họ chỉ mất 1-2 năm sau đã phục hồi nhưng với Việt Nam khi đó thì không có dấu hiệu khả quan và D.C đối mặt với áp lực rất lớn từ phía nhà đầu tư.

Khi gặp khủng hoảng, ông làm thế nào để "xoa dịu" nhà đầu tư?

Trong đầu tư thì khó tránh khỏi những giai đoạn khủng hoảng. Khi gặp sự cố, tôi sẽ chia sẻ những khó khăn và không che giấu vấn đề bởi nhà đầu tư tài chính quốc tế đâu có ngu. Điều họ ghét nhất là không nhìn thẳng vào sự thật vì đây là vấn đề về tin tưởng. Trong giới kinh doanh, mất niềm tin là mất hết. Nhìn chung, nhà đầu tư biết mình đàng hoàng, có đạo đức thì họ có thể thông cảm được.

Ngoài việc thành thật nhận trách nhiệm, tôi cũng xem lại cách gắn quyền lợi của mình với quyền lợi khách hàng sao cho khi họ lên thì mình lên, khi họ xuống thì mình xuống.  

Dạng nhà đầu tư nào khiến D.C cảm thấy đau đầu nhất và D.C đã đối phó ra sao?

Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 4.

Có nhiều kiểu nhà đầu tư, có nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư lướt sóng, nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, còn một nhóm nhà đầu tư khác gọi là nhà đầu tư "kền kền" và đây là dạng đầu tư gây khó chịu nhất.

Nhà đầu tư "kền kền" thường bám vào những cơ hội đầu tư bị sự cố, đặc biệt là các quỹ đóng đầu tư không hiệu quả. Triết lý đầu tư của họ là tham gia và gây sức ép buộc HĐQT quỹ phải thanh lý tài sản để hưởng chênh lệch giữa thị giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng (NAV).

Nhìn chung, nhà đầu tư "kền kền" gây ra khá nhiều rắc rối. Giống như trong môi trường tự nhiên, kền kền sẽ lao vào giết những con vật đang hấp hối. Tuy vậy, nó không chỉ tiêu diệt con mồi mà còn góp phần làm sạch môi trường. Điều này có nghĩa "kền kền" gây ra những rắc rối cho quỹ đầu tư nhưng cũng giúp loại bỏ những quỹ kém hiệu quả ra khỏi thị trường.

Tất nhiên, trong quá trình quản lý quỹ thì việc bị "kền kền" tấn công là điều khó tránh khỏi và môi trường sinh học của ngành tài chính sẽ không thể thiếu dạng nhà đầu tư đó.

Vào giai đoạn năm 2010, D.C cũng bị nhóm nhà đầu tư "kền kền" gây sức ép và đòi thanh lý quỹ. Tuy nhiên, nhờ những trao đổi thẳng thắn với nhà đầu tư về những khó khăn đang gặp phải cùng những phương án phục hồi, xây dựng mô hình gắn liền quyền lợi với nhà đầu tư nên D.C đã vượt qua khó khăn.


Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 5.

Là một nhà đầu tư "lão làng" với hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, ông mong muốn TTCK Việt Nam cần cải thiện điều gì để trở nên hấp dẫn hơn?

TTCK Việt Nam từ con số 0 đến ngày nay là một chặng đường rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, về dài hạn sẽ còn nhiều chông gai và cần phải tiếp tục cải thiện về nhiều mặt.

Đầu tiên là cần làm rõ và đơn giản hóa hơn nữa vấn đề nới room. Hiện vẫn có những chênh lệch giữa luật đầu tư và luật chứng khoán khiến việc nới room tại một số doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thứ 2 là Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Vừa rồi, tôi nghe nhiều về việc thoái vốn nhà nước khỏi Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp khác, nhưng tình hình là phải sang năm Sabeco mới lên sàn cũng như có lộ trình chi tiết hơn về việc thoái vốn. Cá nhân tôi cũng như D.C rất phấn khởi khi nghe Chính phủ mới có thông điệp tương đối mạnh về chiến lược thoái vốn, cổ phần hóa.


Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng cần tạo điều kiện hơn nữa cho các tổ chức đầu tư trong nước như các quỹ hưu trí, các công ty quản lý quỹ. D.C cũng là một nhà đầu tư tổ chức nhưng không phải vì lợi ích mà nói vậy bởi bất kỳ thị trường nào cũng cần đa dạng loại hình nhà đầu tư. Cho đến thời điểm này, nhà đầu tư tại Việt Nam phần lớn là cá nhân, các tổ chức đầu tư trong nước rất hạn chế. Do đó, muốn thị trường chứng khoán tương xứng với mục đích của nó thì không thể không có các nhà đầu tư tổ chức và phải có những ưu đãi rõ ràng.

Cuối cùng, ngoài việc đẩy mạnh bán vốn Nhà nước hay lập thêm các tổ chức đầu tư thì còn một việc phải làm để TTCK trở nên hấp dẫn hơn đó là đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng, trách nhiệm đối với các chủ thể hoạt động trên thị trường. Theo tôi, việc này là khó nhất nhưng quan trọng nhất bởi không làm rõ điều đó thì thị trường sẽ mất uy tín với nhà đầu tư, mất uy tín với doanh nghiệp niêm yết.

Như ở nước ngoài, làm giá chứng khoán là tội rất nặng và sẽ bị bỏ tù ngay. Trong khi đó, ở Việt Nam thì hành vi tạo giá ảo nhìn chung vẫn chỉ bị xử phạt hành chính và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Sau hàng chục thương vụ đầu tư lớn nhỏ tại Việt Nam, ông đánh giá những khoản đầu tư nào được coi là thành công nhất của D.C?

Các khoản đầu tư vào công ty phục vụ cho người tiêu dùng như thực phẩm, đồ uống, sữa, dược phẩm… được coi là thành công nhất của D.C.

Nhìn chung, các khoản đầu tư thành công thường có mô hình kinh doanh dễ hiểu. Warren Buffet từng nói: "Nếu không hiểu công ty làm ăn thế nào thì không nên đầu tư" và trên thực tế D.C cũng đầu tư vào các công ty có mô hình quản trị rõ ràng, có khả năng phát triển một cách bền vững.

Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 7.

Hơn 20 năm qua, con người ông thay đổi thế nào từ khi đến Việt Nam?

Già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học (cười).

Vậy đâu là bài học nào ý nghĩa nhất với ông?

Làm bạn trong lúc nước lên thì dễ. Nhưng muốn làm bạn thực sự thì phải ngồi chung với người ta khi nước cạn kiệt.

Thời điểm này, nếu được chọn lại thì ông có tiếp tục làm quỹ?

Trên thế giới, ngành tài chính, trong đó có ngân hàng, thị trường vốn, quỹ đầu tư luôn biến động khó lường bởi ảnh hưởng từ cách thức quản lý, nhu cầu vốn, đặc điểm nền kinh tế… Tôi nghĩ nếu thất nghiệp bây giờ thì chưa chắc tôi sẽ tiếp tục chọn làm quỹ bởi khó mà dự đoán cơ hội bây giờ có thuận lợi như trước hay không.



Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 8.

Gắn bó hơn 20 năm với D.C và cũng có thể coi là "già", vậy có khi nào ông nghĩ đến chuyện nghỉ hưu "vui thú điền viên"?

Tôi có một tham vọng đưa D.C trở thành một tổ chức lớn mạnh và để làm được điều đó thì phải chấp nhận những người già. Cuối cùng thì tôi cũng phải về hưu thôi nhưng phải có người mới kế cận nên tôi đang dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo.

Cá nhân tôi cũng muốn ở lại, nhưng sẽ ở vị trí phù hợp nhất và nhường dần đất diễn cho thế hệ trẻ năng động hơn, hiểu thị trường hơn. Còn mình sẽ đóng góp những gì có thể và đồng thời cố gắng cân bằng cuộc sống hơn.

Ở phương Tây có câu "Work Life Balance", tức là phải cân đối giữa công việc và cuộc sống. Trong lĩnh vực tài chính, tôi biết có nhiều người làm việc thâu đêm suốt sáng, cuối tuần không có thời gian nghỉ ngơi. Theo tôi thì điều đó phù hợp với những người có tham vọng nhưng không thể coi là cách sống cân đối. Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống và đó mới là ưu tiên số 1.

Niềm đam mê với tranh cổ động Việt Nam có phải là cách để ông cân bằng giữa công việc và cuộc sống?

Sưu tầm tranh cổ động là niềm đam mê với tôi. Lần đầu tới Hà Nội là năm 1991, khi đó Hà Nội không có nhiều thứ lắm, không đèn neon, không nhà hàng, không bảng quảng cáo. Nhưng ngoài phố có rất nhiều tranh cổ động, áp phích màu. Tranh cổ động không chỉ mang lại màu sắc cho Thủ đô mà còn mang lại giá trị nghệ thuật, lịch sử. Tôi bị ấn tượng mạnh với điều này và đã cất công sưu tầm, lưu giữ những bức tranh cổ động.

Ngoài tranh cổ động, tôi còn có niềm đam mê lớn với lĩnh vực bảo tồn sinh học. Tôi có lập một tổ chức phi lợi nhuận tập trung bảo vệ động vật hoang dã, động vật bị buôn lậu bất hợp pháp tại Việt Nam. Chúng tôi đã thành lập nên các trung tâm cứu hộ động vật, tham gia các chương trình nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự đa dạng sinh vật học. Đây cũng là những cách để tôi cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống.


Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 9.

Vậy còn thể thao?

Tôi thường tập Yoga và đi bơi. Còn bóng đá thì nhường lại cho các anh Việt Nam.

Ông nhắc khá nhiều tới lòng tin, điều đó có ý nghĩa như thế nào với ông?

Trong cuộc sống tôi khá tin người dù biết rằng tin nhiều quá là không tốt. Có câu nói "gặp người ta lần đầu, tin và giúp. Gặp người lần 2 tin và giúp. Gặp lần 3 tin và giúp. Sau đó, không tin, không giúp nữa".

Tôi quan niệm uy tín là điều quan trọng nhất trong cuộc sống bởi "Tiền mất hết có thể có lại, tình yêu mất cũng có thể có lại. Nhưng mất uy tín thì mất tất cả".


Chủ tịch Dragon Capital: “Sau 20 năm đầu tư ở Việt Nam, tôi già đi nhiều, khôn lên tí, học thêm nhiều bài học” - Ảnh 10.

Hoàng Anh
Trịnh Kim Điền
7pm
Theo Trí Thức Trẻ15/11/2016

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên