MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch HĐQT Nhôm Sông Hồng: Doanh nghiệp muốn lớn lên cần loại bỏ tư duy “đánh quả”

21-03-2017 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhôm Sông Hồng (Shalumi) đã có những chia sẻ nhân dịp Công ty chuẩn bị nộp hồ sơ niêm yết.

Theo ông Kế, trên thị trường nhôm thanh định hình, Shalumi phát triển qua gần 20 năm nhờ định vị được thương hiệu, chất lượng sản phẩm thì trên TTCK, Công ty đề ra mục tiêu kinh doanh cụ thể, rõ ràng, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông với tầm nhìn dài hạn.

Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nhôm Sông Hồng.

Sản phẩm nhôm thanh định hình của Shalumi có gì khác biệt so với sản phẩm của các DN cùng ngành, thưa ông?

Trải qua nhiều giai đoạn đầu tư, đến nay công suất Nhà máy đạt gần 20.000 tấn/năm với 1 xưởng đúc, 9 máy cán ép, 5 dây chuyền sơn tĩnh điện và vân gỗ, 1 dây chuyền đánh bóng inox, 2 dây chuyền xi mạ.

Tổng số đầu sản phẩm nhôm thanh định hình của của Công ty lên đến gần 200 với 3 dòng sản phẩm chủ lực: sơn tĩnh điện, mạ ANOD và phủ phim vân gỗ. Sản phẩm nhôm thanh định hình cung cấp cho các lĩnh vực: xây dựng (làm cửa các loại, cầu thang, trần nhà, đồ nội thất,...); sản xuất công nghiệp công nghệ cao: điện tử, y tế, thiết bị sản xuất điện năng lượng mặt trời...

Sự khác biệt của sản phẩm Shalumi là chất lượng cao nhưng giá cả lại vừa phải do Công ty có kinh nghiệm sản xuất, tiết giảm mạnh chi phí đầu vào, phù hợp với đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình. Sản phẩm nhôm thanh định hình của Công ty hiện chiếm lĩnh 10 -12% thị phần với 63 đại lý lớn trên khắp cả nước.

Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của Shalumi là nguyên liệu đầu vào cho nhiều hãng danh tiếng như: Samsung, Hyundai (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản), Giorgia Import and Trading (USA), Metal Progroup (USA), Global Products (USA), S-ONE (Thái Lan)...

Muốn cổ đông đồng hành lâu dài thì cần mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Sở hữu cổ phần của Shalumi, nhà đầu tư có gì thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, hoạt động trong lĩnh vực khá đặc thù, sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng và chiếm lĩnh thị phần rộng lớn chính là những giá trị Shalumi tích lũy trong gần 2 thập kỷ qua.

Đây đang là giai đoạn rất thuận lợi cho Shalumi bởi thị trường bất động sản, xây dựng hồi phục mạnh làm tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhôm thanh định hình. Xu hướng dùng nhôm thay thế gỗ đang diễn ra do gỗ đắt đỏ và độ bền hạn chế, xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng mạnh, họ muốn sản phẩm Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu vì chất lượng tương đương, giá cả rẻ hơn và thuận tiện hơn.

Toàn cảnh nhà máy sản xuất của Nhôm Sông Hồng.

3 năm qua Shalumi đã có sự tăng trưởng vượt bậc về kinh doanh. Cụ thể, năm 2015 Công ty đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 9,5 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 16 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty lên kế hoạch doanh thu gần 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận 25 tỷ đồng, cổ tức chi trả thấp nhất 10% bằng tiền mặt. Trong những năm vừa qua do đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng sản xuất nên kết quả kinh doanh chưa được như mong muốn. Tôi hy vọng các năm tiếp theo sau khi sản xuất đi vào ổn định kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn, chi trả cổ tức sẽ khả quan hơn.

Công ty vừa hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động các dây chuyền sản xuất mới với tổng giá trị lên đến gần 40 tỷ đồng.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về dây chuyền mới đưa vào sản xuất của Shalumi?

Đó là dây chuyền sản xuất đúc hợp kim nhôm và dây chuyền sơn vân gỗ, sơn tĩnh điện.

Dây chuyền đúc hợp kim nhôm có tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng, công suất 1.800 tấn/năm. Đặc điểm vượt trội của dây chuyền này là công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm nhiên liệu (tiêu hao 60 lít dầu FO/tấn thay vì 160 lít/tấn như trước đây) và bảo vệ môi trường (công nghệ đúc không khói).

Dây chuyền sơn tĩnh điện và sơn vân gỗ có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Các dây chuyền được nhập khẩu công nghệ và thiết bị của Mỹ có công suất 5000 tấn/năm, tự động hoàn toàn và rất tiết kiệm vật tư tiêu hao.

Với việc đưa các dây chuyền mới đi vào hoạt động chắc chắn sản lượng,doanh thu và lợi nhuận của Công ty sẽ tăng lên rõ rệt.

Định hướng sau khi lên niêm yết của Shalumi là gì thưa ông?

Sau khi đẩy mạnh đầu tư vào năm 2016, hiện nay nhà máy có khả năng đa dạng hóa chủng loại mẫu mã và giá trị gia tăng cao hơn, phấn đấu vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra.

Giai đoạn tiếp theo với lợi thế mặt bằng sẵn có cơ sở hạ tầng nhà xưởng, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng dây chuyền máy ép công suất 2.250 tấn đạt công suất 20.000 tấn/năm và đi sâu vào chế tạo nhôm thành phẩm có mức lợi nhuận cao hơn nhiều như: cửa nhôm các loại, trần nhôm, vách nhôm, mái che... Shalumi sẽ là DN sản xuất nhôm số 1 Việt Nam (bao gồm cả DN trong và ngoài nước) vào năm 2020 với hệ thống nhà xưởng, máy móc sản xuất khép kín.

Hướng đến mục tiêu đó, Shalumi có chiến lược kinh doanh rõ ràng, kế hoạch đầu tư phù hợp từng giai đoạn. Tôi nghĩ rằng muốn tồn tại và phát triển, phải loại bỏ tâm lý “đánh quả”. Phát triển bền vững xoay quanh ngành nghề kinh doanh cốt lõi là quan điểm chủ đạo trong điều hành, quản trị của Shalumi.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên