MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản: Chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với Thái Lan

Ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến Việt Nam mất đi khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng.

Chi phí lao động Việt Nam ngang bằng Thái Lan

Đây là ý kiến của phía JBAV trình bày tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017. JBAV cho biết, năm ngoái, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng bình quân 7,3%, cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng 2,6% của CPI.

Kết quả là, mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu.

Nếu bao gồm cả những chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.

Ông Karashima nói: Việc tăng lương giúp người Việt có đời sống thịnh vượng hơn và cũng là nhân tố cần thiết để khuyến khích nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, những ngành đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam (may mặc, giày da, gia công xuất khẩu) lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự gia tăng này.

Trong khảo sát đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở khi vực châu Á – Thái Bình Dương, tại Việt Nam 75,5% doanh nghiệp đã trả lời rằng việc tăng tiền lương đang ảnh hưởng tới việc kinh doanh.

“Chúng tôi lo ngại Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng, Tôi cho rằng sẽ là chiến lược khi xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI”, ông nhận xét.

Cũng theo ông, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động.

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh, thế mạnh của nước lao động giá rẻ sắp không còn bởi sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

Để giải quyết được vấn đề này, ông Karashima nhấn mạnh cần thiết phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngay lập tức.

“Tôi nhận thấy rằng đề xuất mới về “Dự thảo Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ” được đưa ra tại Quốc hội cho thấy Việt Nam nhận thức rất rõ về vấn đề này, tôi đánh giá rất cao”, ông nói.

Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ông cho rằng cần phải có những DNVVN của Nhật Bản là những doanh nghiệp có thế mạnh và kiến ​​thức chuyên môn cao (chẳng hạn như các nhà sản xuất khuôn mẫu) được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các DNVVN trong nước.

Theo đó, hiện một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. Nếu các doanh nghiệp này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông chỉ ra có một rào cản đối với DNVVN của Nhật Bản khi di chuyển sang Việt Nam. Rào cản này nằm trong các quy định (chính sách) về nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng.

Ông Karashima bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia về doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ từ góc độ cung cấp thiết bị mà còn từ quan điểm di chuyển không bị ràng buộc về nguồn nhân lực, Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh của mình.

“Tôi tin rằng những điểm mà tôi vừa đề cập sẽ là yếu tố quan trọng nhất để duy trì và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam”, ông cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng: “Tôi thực sự mong muốn Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ với cương vị lãnh đạo của mình sẽ giải quyết nhanh chóng và triệt để vấn đề cụ thể này”

Cuối cùng, người đứng đầu JBAV cho biết ông rất vui mừng khi biết rằng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng vào tuần trước đã đem lại những thành tựu to lớn cho hoạt động đầu tư mở rộng của Nhật Bản. Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản luôn sẵn sàng và có thiện chí đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

N.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên