MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch nước được bầu, tuyên thệ trước Quốc hội ngay đầu Kỳ họp thứ 6

16-10-2018 - 15:59 PM | Xã hội

Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6 để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tại phiên họp 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chương trình được bổ sung nội dung bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm“ – Tổng Thư ký đề nghị.

Chủ tịch nước được bầu, tuyên thệ trước Quốc hội ngay đầu Kỳ họp thứ 6 - Ảnh 1.
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngay đầu kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV (Ảnh minh hoạ)

Theo dự kiến chương trình, chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10. Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay sau khi được Quốc hội bầu.

Cũng trong hai ngày này, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn bổ nhiệm người giữ chức Bộ trưởng thay ông Tuấn.

Trong kỳ họp thứ 6 cũng bổ sung vào trình nội dung xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13/11. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Tại Kỳ họp này cũng chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng), nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Từ kỳ họp tháng 10/2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ đề nghị bổ sung các báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1; đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Về dự án Luật Hành chính công, tại phiên họp trù bị, sẽ báo cáo Quốc hội về việc không tiếp tục xây dựng dự án Luật này.

Cũng theo dự kiến chương trình thì không bố trí tường thuật, phát thanh trực tiếp phiên thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị thông cáo báo chí cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí. Ngoài ra, các Bộ trưởng, trưởng ngành nên tăng cường gặp gỡ báo chí để thông tin thêm về lĩnh vực mình phụ trách.

Nhắc lại hình ảnh người được phỏng vấn “vẫy tay” từ chối trả lời báo chí, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc này là không hay và “nếu mình là phóng viên mà bị thế thì khó chịu lắm!”. Do đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp cũng như để đại biểu gặp gỡ, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, bế mạc vào ngày 21/11/2018.

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên