MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Trưởng ban dân vận Trung ương điều hành Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF 26

18-01-2018 - 12:42 PM | Tài chính quốc tế

Hội nghị nữ nghị sĩ trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF 26) vừa được khai mạc tại Hà Nội, Việt Nam dưới sự điều hành của ba nghị sĩ nữ hàng đầu Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.

"Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia, đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia. Trong các mục tiêu phát triển bền vững 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững khác, là yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng chung của xã hội", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết.

APPF ra đời năm 1993 nhưng phải tới năm 2016, các nữ nghị sĩ mới nhóm họp lần đầu tại Canada trong khuôn khổ APPF lần thứ 24 theo sáng kiến của Nghị viện Indonesia và lần thứ 2 là ở Fiji trong năm 2017. Trải qua hai kỳ họp, diễn đàn trở thành nơi thảo luận riêng về những mối quan tâm của phụ nữ trong khu vực và châu Á – Thái Bình Dương. Việc tổ chức Hội nghị nữ nghị sĩ tại Diễn đàn APPF đã góp phần tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của các nữ Nghị sĩ, cũng như tạo nên mạng lưới kết nối nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên.

"Lần này, Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề cho Hội nghị là ‘Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung’ với mong muốn tạo diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế cũng như thể chế hóa trong luật pháp quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ – một cơ chế chưa chính thức – trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi Quy chế hành động", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam và luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của APPF.

Phát biểu dẫn đề cho Hội nghị Nữ nghị sĩ, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, đồng chủ trì Hội nghị, cho biết, tiếp nối chủ đề của Hội nghị năm ngoái với mong muốn khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Nghị viện các nước thành viên APPF với một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững, các nghị sĩ nữ của APPF có cơ hội gặp nhau để cùng trao đổi về chủ đề chung.

Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Trưởng ban dân vận Trung ương điều hành Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF 26 - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Linh Anh

Trong các chương trình nghị sự về phát triển, chấm dứt nghèo đói, đấu tranh bất bình đẳng và thúc đẩy thịnh vượng chung, vấn đề Bình đẳng giới luôn được đề cập và coi là một trong những trọng tâm. Các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cũng có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bình đẳng giới. Trong cuộc họp cấp cao tại Đà Nẵng tháng 11/2017, các nhà lãnh đạo APEC cũng đã ghi nhận việc phụ nữ tham gia rộng rãi hơn vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, bà Mai cũng nêu rõ những thực trạng bất bình đẳng còn tồi tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, khoảng cách giới còn lớn, luật pháp thiếu các quy định về bình đẳng giới hay bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Bà Mai cũng nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em gái là nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi tác động mạnh của biến đổi khí hậu hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này một cách hiệu quả và phù hợp vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung, nghị viện phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế", bà Trương Thị Mai nêu rõ.

Bà Mai cũng nhấn mạnh vai trò của nữ nghị sĩ, bao gồm thực hiện vài trò đại diện, trước hết là quyền của phụ nữ và bảo vệ trẻ em. Thực hiện quyền lập pháp để tạo ra những thay đổi sâu rộng, tham gia vào quy trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ và giám sát việc thực hiện các luật, chính sách về bình đẳng giới.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch APPF 26 Nguyễn Thị Kim Ngân và phát biểu dẫn đề của Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Hội nghị Nữ nghị sĩ diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức APPF 26 Tòng Thị Phóng. Các đoàn sẽ chia sẻ kinh nghiệm, những thành tựu và thách thức cũng như những giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu về bình đẳng giới.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên