MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Điều ngạc nhiên từ sự nuối tiếc trong quá trình hội nhập của Việt Nam

Mở cửa thị trường không mang lại những bất lợi cho nền kinh tế, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bởi không có ngành nào, khu vực kinh tế nào hay nhóm doanh nghiệp nào phá sản chỉ vì cạnh tranh không nổi với hàng hóa, dịch vụ tràn vào.

Việt Nam đã hội nhập theo chiều sâu

"Chiều sâu", theo TS. Vũ Tiến Lộc, thể hiện đầu tiên ở mức độ mở cửa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác. 

Bên cạnh đó, chiều sâu còn phản ánh ở phạm vi đặc biệt rộng của các vấn đề thương mại, thậm chí là phi thương mại cũng như tiêu chuẩn cao của các quy tắc về thể chế, về các vấn đề đằng sau đường biên giới mà Việt Nam chấp nhận trong các cam kết.

Những điều này đã khiến cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng được hưởng thành quả, thể hiện qua những con số ấn tượng về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Tuy nhiên, đây vẫn là bề nổi, theo Chủ tịch VCCI. Điều quan trọng và có ý nghĩa hơn ẩn đằng sau là sự thay đổi trong nhận thức của cả hệ thống về kinh tế thị trường, những chuyển biến trong thể chế và cách thức điều hành nền kinh tế cũng như những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua.

Do vậy, điều cốt lõi làm nên kết quả hội nhập của ngày hôm nay, ông Lộc cho rằng nằm ở sự đồng thuận và quyết tâm hội nhập từ bên trong của cả Việt Nam.

Nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống

Bên cạnh thành quả đạt được, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định quá trình hội nhập thời gian qua cũng không phải là không còn những điều tiếc nuối. Tuy nhiên, ông cho biết điều ngạc nhiên là những tiếc nuối đó hầu như không phải là từ những hệ quả bất lợi do mở cửa thị trường mang lại.

"Không có ngành nào, khu vực kinh tế nào hay nhóm doanh nghiệp nào phá sản chỉ vì cạnh tranh không nổi với hàng hóa, dịch vụ tràn vào Việt Nam sau mở cửa thị trường", ông nói. 

Ngược lại, không ít ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như viễn thông, tài chính, công nghệ thông tin… nhờ có sức ép cạnh tranh mà tiến bộ, phát triển không ngừng.

"Đây có lẽ là câu trả lời thuyết phục nhất cho những nghi ngại đâu đó, rằng phải chăng chúng ta đã mở cửa quá nhanh, đã hội nhập quá vội vàng", ông Lộc nhận định.

"Điều tiếc nuối nhất", ông nói "có lẽ là chúng ta chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. Dù các doanh nghiệp đã điều chỉnh, thích nghi rất nhanh để tiếp tục sinh tồn trong môi trường hội nhập, nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập, đặc biệt là các FTA để bứt phá, để vượt lên.

Còn từ góc độ thể chế, quyết tâm "hội nhập từ bên trong", theo ông Lộc, đã là một động lực "nóng hổi" để Việt Nam bước ra bên ngoài, nhưng dường như khi quay về đã giảm nhiệt phần nào. Cải cách điều chỉnh chính sách pháp luật mới chỉ tập trung làm sao để không trái cam kết mà chưa tính tới việc chủ động cải cách, quyết liệt cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cho phép tận dụng tối đa các lợi ích từ cam kết hay giảm thiểu những tác động bất lợi từ các cam kết này.

Trong khi đó, bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đã có nhiều thay đổi so với trước buộc việt Nam phải chú ý và có những lượng định phù hợp. Những diễn biến mới có thể kể đến như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hệ quả của làn sóng những biện pháp tự vệ hoặc thuế quan trừng phạt, trả đũa lẫn nhau, hay sự thay đổi của WTO…

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến", ông Lộc nói và cho biết giải pháp bất biến để Việt Nam tiếp tục hội nhập thành có lẽ vẫn là động lực và quyết tâm "hội nhập từ bên trong".

Tuy nhiên những quyết tâm ấy phải được thể hiện bằng những phiên bản khác nhau, phải vừa khuôn để giải mã từng khó khăn, phải vừa độ để hóa giải từng thách thức.

"Ví dụ dưới dạng một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới, quyết liệt giải quyết những níu kéo của cái cũ, để thúc đẩy những mô hình kinh tế số. Hay bằng nỗ lực cải cách toàn diện, cải cách triệt để, cải cách vì chính mình chứ không chỉ vì cam kết, để kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên