MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Chữa bệnh' cho hồ tiêu

14-06-2017 - 18:00 PM | Thị trường

Diện tích hồ tiêu ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đã “bùng nổ” đến khoảng 125ha. Do trồng tự phát nên nông dân ít ai nắm bắt quy trình kỹ thuật, nhiều diện tích sử dụng giống không đảm bảo chất lượng và nhiễm bệnh.

Trong quá trình chăm sóc nông dân lại lạm dụng thuốc BVTV và phân hóa học, làm ảnh hưởng đến môi trường và quần thể thiên địch, phá vỡ kết cấu đất và hệ sinh thái khiến cây tiêu phát sinh sâu bệnh hại. Do đó, trong những năm gần đây diện tích cây tiêu trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã xuất hiện bệnh chết nhanh chết chậm.

Để chuyển giao kỹ thuật trong quản lý dịch bệnh trên cây tiêu, từ đầu mùa mưa trong năm 2016 đến tháng 5/2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp cùng Cty CP Hợp Trí, xây dựng mô hình trình diễn “Sử dụng bộ sản phẩm của Hợp Trí trong chăm sóc phục hồi vườn và phòng trừ dịch hại trên cây tiêu” trên 400 trụ tiêu của 4 hộ nông dân ở các xã Hoài Thanh, Hoài Hảo và Hoài Tân.

Mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật thâm canh chăm sóc cây tiêu cho nông dân, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại trong giai đoạn tiêu kinh doanh nhằm rút kinh nghiệm, nhân rộng ra sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Chín ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) tham gia mô hình với 100 trụ tiêu, cho biết: Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn thực hiện các giai đoạn phục hồi vườn tiêu sau thu hoạch; chăm sóc vườn tiêu giai đoạn đầu mùa mưa; chăm sóc vườn tiêu giai đoạn giữa mùa mưa và giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch.

Sau khi hái xả, cắt tỉa bỏ cành sâu bệnh và cành vượt, nông dân được hướng dẫn dùng thuốc Norshield 86.2WG liều lượng 300g/200 lít nước, phun ướt toàn bộ nọc tiêu, gốc tiêu để tẩy rửa nấm bệnh còn ký sinh trên lá cây tiêu. Giai đoạn tạo mầm hoa cho tiêu, phun HydrophosZn cộng Hợp Trí HK 7-5-44 + TE liều lượng 500ml + 500g/200 lít nước, phun 2 lần cách nhau 15 ngày, giúp cho tiêu nhanh chóng phân hóa mầm hoa, ra hoa đều. Giai đoạn bón phân gốc, phục hồi cây, bón phân chuồng hoai từ 10 - 20kg/gốc và Hợp Trí Super Humic + Micromate liều lượng 25 + 50g/gốc, trộn chung rải đều làm tơi xốp đất, cung cấp các nguyên tố trung - vi lượng cần thiết cho tiêu suốt vụ.

“Vào đầu mùa mưa, chúng tôi còn được hướng dẫn giải pháp phòng trừ bệnh chết nhanh, vàng lá chết chậm trên cây tiêu. Thời điểm tiêu chuẩn bị ra hoa phun thuốc thúc đẩy tiêu đâm chồi và ra hoa. Khi tiêu bắt đầu đâm chồi, chuỗi tiêu nhú dài 3 - 5cm, phun thuốc giúp chuỗi tiêu dài, tăng đậu hạt, ngăn ngừa hiện tượng đóng hạt bồ cào và rụng chuỗi. Khi tiêu tượng hạt bằng đầu tăm, cần phải phun thuốc để hạn chế rụng chuỗi”, ông Chín chia sẻ.


Chuỗi tiêu trong mô hình dài, tỷ lệ đậu hạt cao

Chuỗi tiêu trong mô hình dài, tỷ lệ đậu hạt cao

Bà Đoàn Thị Được, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn đánh giá: Sử dụng bộ sản phẩm Hợp Trí trên cây tiêu của mô hình trình diễn đã thành công rất cao do đã khống chế được hoàn toàn bệnh chết nhanh chết chậm và lở cổ rễ của cây tiêu; đồng thời khống chế được các loại sâu bệnh như: Rệp, rầy, nấm thán thư, đốm rong. Các điểm trình diễn đều là các đám tiêu èo uột, sau khi sử dụng bộ sản phẩm của Hợp Trí trong chăm sóc phục hồi vườn và phòng trừ dịch hại trên cây tiêu đều đem lại hiệu quả.

“Đặc biệt, tại vườn tiêu của ông Nguyễn Đào, các trụ tiêu trước đó gần như đã chết, sau khi làm mô hình trình diễn cây tiêu đã được phục hồi hoàn toàn”, bà Được cho biết.

“Mô hình sử dụng sản phẩm của Hợp Trí trong chăm sóc phục hồi vườn và phòng trừ dịch hại trên cây tiêu có hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế; tạo được điểm đến tham quan học tập của nông dân, nhằm trao đổi kiến thức và sẻ chia kinh nghiệm sản xuất. Thông qua thực tế mô hình, ngành chức năng địa phương tiếp tục rút kinh nghiệm qua hội thảo để hoàn thiện quy trình sản xuất cây tiêu, nhằm chuyển giao quy trình phòng trừ dịch bệnh tổng hợp phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương”, bà Đoàn Thị Được nói.

Theo Dương Lam

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên