MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa có bằng chứng Whitmore lây trực tiếp từ người sang người

19-11-2019 - 13:57 PM | Xã hội

Trường hợp hai bệnh nhi là anh em ruột tại Sóc Sơn, Hà Nội tử vong vì bệnh Whitmore đang khiến cộng đồng hoang mang.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định rằng vi khuẩn gây bệnh khó có thể lây trực tiếp từ người sang người và cách phòng bệnh lại rất đơn giản là ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân đảm bảo và có đồ bảo hộ khi tiếp xúc môi trường bùn đất…

Whitmore không gây thành dịch

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, Whitmore là bệnh đã xuất hiện và tồn tại hàng trăm năm nay trên thế giới và ở Việt Nam, song chưa có bằng chứng về việc bệnh lây từ người sang người.

Chưa có bằng chứng Whitmore lây trực tiếp từ người sang người - Ảnh 1.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm.


“Bệnh Whitmore là bệnh do loại vi khuẩn tồn tại trong đất, xâm nhập qua vết thương hở do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Vi khuẩn tồn tại trong đất, có ở khắp mọi nơi. Người dân không quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch và số mắc ít”, ông Cảm nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin cụ thể về 2 trường hợp bệnh nhi đã tử vong vì Whitmore. PSG.TS. Trần Minh Điển cho biết, với trường hợp đầu tiên là bé trai T.C.V. (SN 2014) tử vong ngày 31/10/2019, các bác sĩ ngay lập tức phát hiện bệnh nhi bị nhiễm khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitmore). Diễn biến bệnh của cháu bé nhanh và cháu bị sốc nhiễm khuẩn, sau đó cháu tử vong do sốc nhiễm khuẩn.

“Chúng tôi cũng đã thông báo với Sở Y tế Hà Nội để xem xét các vùng dịch tễ khu vực này. Cách đây 5 ngày, cháu thứ 2 là T.Q.H. (SN 2018) cũng nhập viện, song tình trạng bệnh nhẹ, chủ yếu là sốt. Chúng tôi đã cho cấy máu và sử dụng kháng sinh ở mức độ nặng. 3 ngày đầu cháu có đáp ứng với kháng sinh và có xu hướng hạ sốt. Sau đó cháu sốt trở lại và bị sốc, có tình trạng xuất huyết kèm theo. Cấy máu thì phát hiện vi khuẩn rất rõ và xác định là Whitmore”, PGS.TS. Trần Minh Điển nói.

Bàng hoàng đau xót và gây hoang mang hơn khi chị gái của 2 bé trai này là T.Q.T. (SN 2012) cũng tử vong với dấu hiệu tương tự hồi tháng 4/2019 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Cháu T. được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Tuy nhiên, trường hợp này các chuyên gia chưa thể khẳng định có phải tử vong do Whitmore hay không.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân xã Bắc Sơn đang giúp đỡ, động viên gia đình bệnh nhi vượt qua nỗi đau và mất mát to lớn này. Bên cạnh đó, họ cũng không khỏi lo sợ nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Chị T. một người dân tại đây cho biết, các xe y tế đã xuống phun khử trùng. Người dân cũng chủ động tìm hiểu thông tin về bệnh và cách phòng bệnh, song họ vẫn rất hoang mang lo ngại.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng địa phương đã điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân, nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi mắc bệnh tương tự.

Chưa có bằng chứng Whitmore lây trực tiếp từ người sang người - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.


Lưu ý sát trùng những tổn thương da, vết thương hở

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo người dân: “Chưa đủ bằng chứng nói hai cháu lây cho nhau. Biện pháp cơ bản là vệ sinh cá nhân, sử dụng trang thiết bị bảo hộ khi tiếp cận nguồn nước ô nhiễm. Khi có biểu hiện bệnh cần tới cơ sở y tế để khám, điều trị. Việc hai trường hợp bệnh nhi sinh năm 2014 và 2018 bị bệnh cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm là điều đáng quan tâm. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra trên địa bàn Hà Nội”.

Ông Cảm cũng cho biết, gia đình bệnh nhi gồm 07 người, gồm 4 người lớn là ông bà nội và bố mẹ. Ông bà nội của các bệnh nhân tuy đã có tuổi nhưng đều khỏe mạnh không có biểu hiện nghi mắc. Bố mẹ của các cháu là công nhân khu công nghiệp cũng có sức khỏe bình thường, không mắc bệnh.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể qua các vết xây xước, hô hấp bị tổn thương... Do vậy, với những tổn thương da, mũi miệng cần phải sát trùng để giảm bớt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm: “Với trường hợp các bệnh nhi cùng một gia đình như vậy, chúng ta phải xem xét đặc tính những người trong gia đình. Chúng tôi lo ngại các cháu có tình trạng suy giảm miễn dịch hay không. Với bệnh nhi gần đây nhất, chúng tôi đã kiểm tra các miễn dịch dịch thể, miễn dịch tế bào, kể cả chức năng của bạch cầu thì đều trong giới hạn bình thường. Còn với xét nghiệm sâu hơn thì chưa có điều kiện thực hiện”./.

Theo Thiên Bình

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên