MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa đến mức phá giá VNĐ

03-09-2019 - 17:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá của đồng nhân dân tệ (NDT) chưa đến mức buộc Việt Nam phải phá giá Việt Nam đồng (VNĐ) vào thời điểm này.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
287 bài viết

PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông có ý kiến nói Việt Nam nên giảm tỷ giá VNĐ để tăng sức cạnh tranh hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu?

Khi đồng NDT mất giá, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có lợi hơn. Nhưng đó không phải là yếu tố quyết định để buộc chúng ta phải phá VNĐ ngay lập tức.

TS. CẤN VĂN LỰC: - Thứ nhất, nên biết phá giá đồng tiền có hai mặt và tác động rất nhiều lên nền kinh tế. Đối với Việt Nam, khi phá giá đồng tiền còn liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, nợ vay nước ngoài và áp lực lạm phát.

Thứ hai, mối quan hệ giữa việc giảm giá VNĐ và xuất khẩu của ta thực ra không chặt chẽ và tương đối thấp. Nguyên nhân do cấu trúc nội tại của nền kinh tế chúng ta phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhưng càng xuất khẩu nhiều cũng đồng nghĩa càng nhập khẩu nhiều, vì chúng ta chưa có nền công nghiệp phụ trợ phát triển.

Xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 70%. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI cũng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào rất nhiều. Do đó, ngay cả khi giảm tỷ giá VNĐ chưa chắc xuất khẩu của Việt Nam đã được lợi.

Chưa đến mức phá giá VNĐ - Ảnh 2.

Thứ ba, hiện nay Việt Nam đang điều hành tỷ giá tương đối linh hoạt và chủ động, được điều chỉnh hàng ngày. Chính sách điều hành tiền tệ hiện nay của ta đã và đang bám sát thị trường, phản ánh khá tốt cung - cầu. Do đó, việc tăng hay giảm tỷ giá đồng tiền cần căn cứ vào thực tế.

Thứ tư, NDT cũng chỉ là một trong số 8 đồng tiền được dùng tính tỷ giá trung tâm để công bố hàng ngày. Bây giờ đồng NDT bị mất giá, ngay cả khi trong trường hợp trượt giá nhiều, chúng ta vẫn đưa vào rổ tiền tệ để tính toán bình thường, vì ta không bị phụ thuộc vào nó.

Thực tế cho thấy, các hợp đồng thanh toán xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đa số đều thanh toán bằng USD. Tất nhiên, khi đồng NDT mất giá, hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có lợi hơn. Nhưng đó không phải là yếu tố quyết định để buộc chúng ta phải phá VNĐ ngay lập tức.

- Theo ông trong thời gian tới liệu NDT có khả năng trượt sâu hơn nữa?

- Khi đánh giá về động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc, đã có ý kiến cho rằng Trung Quốc đang dùng công cụ tiền tệ để giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời gian tới Trung Quốc không thể để đồng NDT trượt giá quá sâu và trạng thái để mất giá đồng tiền này cũng không thể quá lâu.

Có 3 lý do. Thứ nhất, Trung Quốc không thực sự muốn xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ với Mỹ. Do đó, họ không muốn để Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, tức chủ ý phá giá. Thứ hai, Trung Quốc đang trong quá trình quốc tế hóa NDT nên họ cần ổn định đồng tiền này. Thứ ba, khi phá giá NDT chính họ cũng e ngại dòng tiền nước ngoài đang đầu tư sẽ tháo chạy ra khỏi Trung Quốc.

Năm 2015, khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT, đã có khoảng 300 tỷ USD tháo chạy khỏi Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc không muốn điều này lặp lại.

- Trong điều hành tiền tệ giữa bối cảnh phức tạp hiện nay, chính sách tiền tệ nên theo hướng nào?

- Tôi cho rằng chúng ta cần điều hành chính sách như thời gian vừa qua, nghĩa là kiên định với chính sách điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt. Thực ra, VNĐ trong 8 tháng qua vẫn tương đối ổn định. Số liệu tính đến hết ngày 25-8, VNĐ chỉ mất giá khoảng 0,14%, so với NDT mất giá khoảng 4,2%.

Đồng NDT mất giá cũng không phải do Trung Quốc chủ ý phá giá mà do bối cảnh tình hình nền kinh tế nước này đang khó khăn từ chiến tranh thương mại với Mỹ. Chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có đánh giá đúng bản chất việc này.

Trong bối cảnh quan hệ cung cầu ngoại tệ ổn định, tiềm lực dự trữ ngoại hối, theo tôi NHNN có đủ công cụ để can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá trước mắt và thời gian tới. Dù vậy vẫn cần chú trọng công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính, tỷ giá, lãi suất cũng như sự phối hợp giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp để kiểm soát rủi ro về lãi suất với tỷ giá tốt hơn.

- Ông nhận xét gì về khả năng đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới thỏa thuận ra sao, Việt Nam cần có giải pháp ứng phó thế nào?

- Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết ý kiến đều cho rằng thương chiến Mỹ - Trung vẫn là cuộc chiến lâu dài, là cạnh tranh chiến lược, liên quan đến đảm bảo vị trí cường quốc của mình. Nó gắn với sở hữu trí tuệ, công nghệ và cả thâm hụt thương mại.

Về cuộc đàm phán thương mại sắp tới và khả năng 2 nước có đạt được thỏa thuận hay không, có thể thấy quá trình đàm phán vẫn đang tiếp tục, nhưng kết quả sẽ dè dặt. Khả năng đạt được đồng thuận cao rất khó. Nhưng có thể 2 nước sẽ đạt được ở mức nào đó, thí dụ đình chiến, gia hạn, cam kết mua vài hàng hóa của nhau, xuất khẩu, cam kết không dùng công nghệ tiền tệ… Còn về lâu dài, vẫn là cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Với Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có tác động tương đối tiêu cực đến tình hình xuất khẩu trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài không đáng lo ngại. Bởi tương lai, dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội sản xuất, kinh doanh mới, với hàng hóa xuất khẩu mới. Do đó, xuất khẩu sẽ  quay lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, cuộc chiến này cũng khiến Việt Nam có thể thành thị trường trung gian cho trung chuyển hàng hóa các bên nhằm né thuế. Việt Nam đã từng bị Mỹ cho là nước “lợi dụng chiến tranh thương mại tốt nhất” trong thời gian qua. Do đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lách thuế Mỹ.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Hoàng Sơn

Sài gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên