MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa nộp 1.430 tỉ đồng, Tân Hoàng Minh có thể mất trắng tiền cọc và đất vàng 23 Lê Duẩn (Sài Gòn) ngay hôm nay

30-12-2016 - 13:48 PM | Bất động sản

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo đến hết ngày 30/12, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) không nộp hết số tiền trúng đấu giá, thành phố sẽ hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.

Với vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, có 2 mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du, lại cực kỳ vuông vắn (55 x 55 m) và được quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và dịch vụ với chiều cao tối đa 100 m, khu đất này đã thu hút được 13 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh tham gia đấu giá. Giá khởi điểm của khu đất khá này là 558 tỉ đồng và công ty Tân Hoàng Minh đã chiến thắng với giá 1.430 tỉ đồng – cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm.

Ngày 7/8/2015, UBND Tp.HCM cũng đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại số 23 Lê Duẩn. Số tiền "đặt cọc" đấu giá hơn 83 tỉ đồng của Tân Hoàng Minh cũng đã được chuyển vào kho bạc Nhà nước.

Thế nhưng ngay sau khi UBND TP.HCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Doanh nghiệp cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá, và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Do vậy, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu để giải quyết.

Trong thời gian này, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam lại đề xuất thành phố bổ sung khu đất này vào danh sách các khu đất hoán đổi cho hợp đồng BT của một dự án chống ngập. Bất ngờ, trong tháng 6, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn.

Theo quy định, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà đơn vị trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản thì phải nộp phạt, hoặc có thể bị hủy kết quả và mất tiền đặt cọc. Nếu Tân Hoàng Minh muốn tiếp tục mua đất vàng 23 Lê Duẩn thì ngoài số tiền trúng đấu giá, doanh nghiệp này còn phải đóng tiền phạt trễ hạn.

Nói về trường hợp doanh nghiệp xin trả lại đất vàng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng thành phố đã đưa ra “đề bài” trong cuộc đấu giá này, doanh nghiệp đã có thời gian để nghiên cứu và cuối cùng cho ra một “đáp án” tốt nhất, trong đó phải đảm bảo được lợi nhuận về mặt kinh tế cho mình.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng chính là người quyết định về mặt giá khi tham gia đấu giá, do vậy nếu có chuyện cho rằng “lỡ” bỏ giá cao để giành cho bằng được khu đất này là hoàn toàn bất hợp lý.

Cũng theo ông Châu, chủ đầu tư phải là người trước hết chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình. Tuy nhiên, trước đây tại thành phố có một tiền lệ, đó là chuyện UBND Tp.HCM đã giải quyết theo hướng cho một liên doanh trúng thầu trả lại khu tam giác vàng tại quận 1. Khi đó, liên doanh này đã đưa ra những điều kiện vượt quá khả năng khi trúng thầu.

Chẳng hạn như nhà thầu cam kết đóng góp cho ngân sách thành phố là 1.900 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD), thực hiện di dời giải tỏa một trường trung học… nhưng sau gần 10 năm vẫn không thực hiện được.

“Đơn vị này cũng đã xin thành phố xem xét trả lại số tiền đã đặc cọc khi tham gia đấu thầu, và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Đối với trường hợp của Tân Hoàng Minh, UBND TP.HCM chắc chắn sẽ xem xét thấu đáo để xử lý nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.”, ông Châu nói.

Được biết, Tân Hoàng Minh hiện nay đã trở thành doanh nghiệp nắm giữ nhiều mảnh đất vàng nhất tại trung tâm thủ đô Hà Nội mà ít doanh nghiệp BĐS, kể cả những doanh nghiệp lớn, có thể tiếp cận được.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên