MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán “bốc hơi” nghìn tỷ: Lý do tâm lý như một sự “ru ngủ”?

Đâu là nguyên nhân khiến chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng mạnh trong vụ việc Anh rời EU, nhà đầu tư chứng khoán Việt nên ứng xử thế nào với những diễn biến có thể còn phức tạp của thị trường tài chính toàn cầu...?

Giảm điểm do tác động của tâm lý

Tại toạ đàm “Thiên nga đen” Brexit và ứng xử của Việt Nam do BizLIVE tổ chức diễn ra vào ngày 28/6, đại diện của các công ty chứng hầu hết đánh giá rằng, tác động từ Brexit lên thị trường chứng khoán mang yếu tố tâm lý nhiều hơn.

Cụ thể, theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime, nếu so sánh diễn biến trên thị trường 6 tháng đầu năm 2016, số lượng các tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng, số lượng tích luỹ đang thực sự gây bất ngờ.

Ông Khánh cho rằng, niềm tin của các nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư nội đều đang tăng, thị trường chứng khoán sẵn sàng cho sự bùng nổ tăng trưởng vấn đề chỉ là thời gian.

“Cuối năm ngoái, chúng tôi đã đưa ra kịch bản dự báo về thị trường trong năm nay, ngay khi chưa tính đến sự kiện Brexit thì đồng Nhân dân tệ có thể tiếp tục phá giá, những điều chỉnh về thị trường có gặp khó khăn trong tháng hè vì đây là khoảng thời gian thường có những biến động bất thường”, ông Khánh chia sẻ.

“Tác động đến thị trường chứng khoán liên quan đến nhận thức của thị trường xuất phát từ chính sách, và tâm lý nhà đầu tư. Phiên thứ Sáu (24/6) giảm điểm là do tác động của tâm lý”, ông Khánh nhấn mạnh thêm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Chuyên môn Phân tích VNDirect cũng cho biết, thị trường ngay trong phiên sáng 24/6 giảm điểm mạnh nhưng sau đó đã có sự hồi phục ấn tượng, thậm chí 2 phiên trở lại đây đã khá vững vàng.

Bà Phương cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hầu như không ảnh hưởng, doanh nghiệp vay ngoại tệ như Yen Nhật, USD có ảnh hưởng đôi chút nhưng chỉ là biến động ngắn hạn. Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang EU chủ yếu là dệt may và thuỷ sản song tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, châu Á lớn hơn EU nên chưa bị ảnh hưởng.

Từ trái qua: Ông Lê Đức Khánh, bà Nguyễn Mai Phương, ông Nguyễn Đức Hùng Linh
Từ trái qua: Ông Lê Đức Khánh, bà Nguyễn Mai Phương, ông Nguyễn Đức Hùng Linh

“Đến hôm nay theo thống kê thị trường khá vững vàng và có vẻ cân bằng, chưa có tác động mang tính lan tỏa với thị trường từ khu Brexit diễn ra. Thị trường chứng khoán với ảnh hưởng đơn lẻ như vụ Brexit thị trường có thể cân bằng”, bà Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Phương cũng lưu ý, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý cho những thay đổi của thế giới.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết, tác động từ Brexit lên thị trường chứng khoán mang yếu tố tâm lý nhiều hơn. Trước khi kết quả Brexit được công bố, VN Index đã lên đến 620-630 điểm và lình xình trong một thời gian dài. Khi có một sự kiện xấu như vậy, lợi dụng tâm lý này các nhà đầu tư bán mạnh, khiến thị trường giảm điểm.

“Trong phiên 24/6, VN Index giảm sâu nhất 34 điểm, kết phiên còn giảm 11 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn trước”, ông Linh dẫn số liệu.

Nhà đầu tư cần làm gì?

Bình luận về những ý kiến được đưa ra bởi đại diện các công ty chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, “chúng ta có xu hướng nhìn sự việc khá lạc quan, quy chiếu mọi chuyện chỉ là tâm lý”.

“Chúng ta không thể nhìn như vậy được mà phải phân tích thực chất vấn đề liên quan đến biến động tài chính, dòng tiền chuyển động. Tâm lý - như một sự ru ngủ, nên tôi kết luận là chúng ta cần cẩn trọng trong phân tích tình hình hơn là quy chiếu nó về tâm lý”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam nên ứng xử thế nào với diễn biến có thể còn phức tạp của thị trường tài chính toàn cầu thời gian tới, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, nhà đầu tư cần lựa chọn đầu tư của mình gắn với các rủi ro có thể, và cùng với đó là các kịch bản khác nhau với trọng số khác nhau nếu dữ liệu và những phân tích đủ ở mức độ nhất định. Điều không thể thiếu là sự bình tĩnh xem xét và phán quyết.

Ông cũng phân tích thêm rằng, trước các cú sốc lớn, phản ứng tức thời của thị trường tài chính, chứng khoán thường là thái quá hay còn gọi là “overshooting”.

Cụ thể, ngay lập tức khi có kết quả trưng cầu đi hay ở lại EU ở Anh ngày 24/6, đồng Bảng Anh rớt giá hơn 10% với USD, và sau đó đã “bình tĩnh” trở lại hơn, với con số hiện ở mức 7%-8%.

“Việt Nam là nền kinh tế mở, nhà đầu tư nước ngoài giữ vai trò không nhỏ trong thị trường chứng khoán nên sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là không quá khó hiểu”, ông Thành lý giải.

Cũng theo ông Thành, sau các phản ứng thái quá, thị trường có xu hướng quay dần lại điểm cân bằng mới, gắn hơn với các vấn đề có tính nền tảng của sự phát triển kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, cách thức phản ứng chính sách vĩ mô cùng xu hướng cải cách cơ cấu của thế giới và Việt Nam.

“Thị trường “overshooting” đến mức nào và vào thời điểm nào sau đó sẽ thiết lập được mức cân bằng dài hạn luôn là điều rất khó lượng hóa. Trường hợp có những phản ứng chính sách sai lầm, niềm tin thị trường càng tồi tệ, và tác động tiêu cực của Brexit còn nhân lên”, vị chuyên gia đặt giải thiết.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

Trở lên trên