MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ khi số ca mắc Covid-19 làm lu mờ triển vọng vắc xin

19-11-2020 - 10:03 AM | Tài chính quốc tế

Chứng khoán châu Á đang theo sau đợt bán tháo mạnh của phố Wall, vốn diễn ra khi các nhà đầu tư lo ngại đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ khiến nhiều thành phố lớn phải đóng cửa.

Viễn cảnh đen tối này làm giảm sự hưng phấn của các nhà đầu tư trước triển vọng về vắc xin chống Covid-19, vốn được công bố liên tiếp bởi các nhà phát triển vắc xin.

Những lo ngại về đại dịch Covid-19 đã kích hoạt một đợt bán tháo cuối phiên trên thị trường chứng khoán Mỹ khi số ca mắc mới tắc vọt khiến Thành phố New York, nơi tập trung nhiều trường học nhất ở Mỹ, tạm dừng việc học trực tiếp.

Thông tin này đã ngay lập tức làm lu mờ thông báo của Pfizer Inc, nhà phát triển nói rằng vắc xin của họ hiệu quả 95% và công ty xin cấp phép khẩn cấp trong vài ngày tới. Như vậy, vắc xin của Pfizer Inc có hiệu quả tương tự như vắc xin mà Moderna.

Hilary Kramer, giám đốc đầu tư của Kramer Capital Research tại New York, cho biết: "Nó giống như một trò chơi bập bênh. Cuộc chiến giữa sự tái bùng phát của đại dịch Covid-19 và sự phấn khích do vắc xin mang lại đều đang thực sự đè nặng lên thị trường".

Điều tương tự cũng đã xảy ra với chứng khoán châu Á. S&P/ASX 200 của Australia đã mất 0,5% giá trị trong phiên giao dịch đầu ngày. Shanghai và Hang Seng đều lần lượt mất 0,24% và 0.62%. KOSPI cũng mất 0,15%.

Ở thời điểm hiện tại, 41 bang của Mỹ đã có số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục hàng ngày trong tháng 11. 20 bang có số người chết vì Covid-19 hàng ngày vượt kỷ lục và 26 bang có số người nhập viện vì Covid-19 cao chưa từng có.

Bất chấp những thông tin tích cực về vắc xin, viễn cảnh đóng cửa trở lại tại các thành phố lớn đang đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư. Tất cả 11 ngành chính trong S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ. Cổ phiếu năng lượng là nạn nhân lớn nhất.

Thomas Barkin, một quan chức cấp địa phương của FED, cho biết việc các chương trình vay khẩn cấp của FED kết thúc vào ngày 31/12 có thể gây rủi ro cho thị trường tài chính, đặc biệt là khi đại dịch leo thang. Đồng USD cũng đã giảm xuống mức thấp và trên đà giảm khi các thông tin tích cực về vắc xin khiến các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 đã làm 250.029 người Mỹ thiệt mạng với số ca tử vong hàng ngày được ghi nhận là 1.707 ca. Trong khi đó, số ca mắc mới ở quốc gia này đã lên tới 155.000 trong ngày gần nhất. Thậm chí, người ta cho rằng số ca tử vong ở Mỹ có thể lên tới 3.000 mỗi ngày.

Trong khi đó, vắc xin sẽ cần khoảng thời gian nhiều tháng để có thể tiếp cận đại đa số người dùng Mỹ. Thậm chí, phải tới giữa năm sau, những người có nhu cầu mới có thể tiếp cận với vắc xin. Mặt khác, vắc xin của Pfizer/BioNTech, dù hiệu quả tới 95%, nhưng lại yêu cầu được bảo quản ở nhiệt độ lạnh rất sâu mà các loại tủ thông thường không thể đáp ứng.

Mỹ hiện đang kỳ vọng có được 40 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay khi cả thuốc của Pfizer/BioNTech và Moderna đều được cấp phép. Tuy nhiên, chỉ những người trực tiếp làm nhiệm vụ chống Covid-19 mới được ưu tiên sử dụng các loại vắc xin này. Người Mỹ nên sẵn sàng cho việc nhiều người nhiễm và tử vong vì Covid-19 trước khi đại đa số có thể tiếp cận vắc xin.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên