MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại

Động thái của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tác động trực tiếp đến diễn biến thị trường mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nội.

Nửa đầu 2018, chứng khoán Việt Nam chịu tác động bởi động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Khi thị trường tăng điểm, việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tạo những hiệu ứng tích cực cho thị trường. Nhưng khi "giá xuống", áp lực bán của khối ngoại cũng làm trầm trọng thêm xu hướng xấu của thị trường.

Hiệu ứng "nước lên, thuyền lên"

Trong tháng 3 tháng đầu năm, VN-Index tăng 20% từ mức 995,77 điểm lên mức đỉnh 1.204 điểm (phiên ngày 9/4). Khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng cao trên 100.000 tỷ đồng mỗi tháng. Riêng tháng 1, giá trị giao dịch đạt 164.543 tỷ đồng, tăng 46% so với tháng 12. Thị trường cũng xuất hiện những phiên giao dịch trên 10.000 tỷ đồng như phiên 25/1 (thanh khoản hơn 14.000 tỷ đồng), phiên 10/1 (gần 11.000 tỷ đồng)…

Khi chứng khoán đi lên, NĐT nước ngoài cũng liên tục rót tiền vào thị trường. 2 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng gần 9.700 tỷ đồng, đây cũng là nguồn cầu thúc đẩy đà tăng cho các cổ phiếu.

Diễn biến VN-Index từ đầu năm 2018

Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khi VN-Index giảm mạnh từ đỉnh xuống mức 969,4 điểm (mất 24%) trong hơn 2 tháng qua, khối ngoại cũng chính là tác nhân đẩy thị trường đi xuống.

Tháng 5, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của VHM, khối ngoại bán ròng hơn 5.600 tỷ đồng, sau khi chỉ mua ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong tháng 4. Sang tháng 6, diễn biến trên vẫn tiếp tục xảy ra khi khối ngoại đã bán ròng hơn 1.761 tỷ đồng sau 15 phiên giao dịch. Các mã bị bán ròng chủ yếu là các bluechips như VIC, HPG, MSN, VRE...

Giá trị giao dịch từ đầu năm trên HOSE (Đvt: triệu đồng)

Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại - Ảnh 2.

Thống kê từ đầu năm, giao dịch mua, bán của NĐT nước ngoài chiếm 15-21% giá trị toàn thị trường, đây là con số đủ để tạo nên những hiệu ứng cho nhà đầu tư nội.

Theo báo cáo của SSI Research, một phần nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng trên sàn, là các quỹ đầu tư và tổ chức cân đối lại danh mục bằng cách bán ra lượng cổ phiếu đang nắm giữ để mua vào các cổ phiếu mới. Hoạt động này đã gây áp lực lớn lên các cổ phiếu trên sàn và chỉ số chung một cách có hệ thống.

Hiệu ứng tâm lý

Theo số liệu của Bloomberg, hơn 19 tỷ USD vốn ngoại đã bị hút khỏi các thị trường chứng khoán mới nối tại châu Á kể từ đầu năm, dù kinh tế của các quốc gia Châu Á vẫn khả quan.

Sau khi, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, Bloomberg cho rằng tiêu chuẩn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường rủi ro như chứng khoán sẽ được nâng lên. Mặt khác, tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tiềm ẩn rủi ro cho các khối ngoại.

Những diễn biến của dòng vốn nước ngoài đang phủ lên tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư của các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam. Điều này được phản ánh qua diễn biến ảm đạm của chứng khoán thời gian qua.

5 tháng đầu năm, giá trị giao dịch khớp lệch giảm liên tục, bình quân 15%/tháng (loại trừ tính bất thường của tháng 2, nghỉ Tết âm lịch).

Chứng khoán Việt ‘chao đảo’ với dòng vốn ngoại - Ảnh 3.

Nguồn: HOSE

Tháng 6, thị trường tiếp tục giao dịch trầm lắng, thanh khoản bình quân mỗi phiên quanh mức 3.000-4.000 tỷ đồng. Cá biệt, phiên 21/6, giá trị khớp lệch đạt gần 2.400 tỷ đồng, thấp nhất từ tháng 10/2017. Trong 4 phiên giao dịch gần đây, dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường.

Dòng tiền của khối ngoại gần đây đang dẫn dắt biến động cổ phiếu. NĐT nước ngoài mua ròng cổ phiếu, mã đó sẽ tăng giá và ngược lại. Đơn cử trong phiên 22/6, HPG được khối ngoại mua ròng 46 tỷ đồng, đẩy thị giá tăng 4,3%, trong khi phiên trước đó mã này bị bán ròng. Cổ phiếu VNM cũng tăng 4,7% trong phiên khối ngoại mua ròng 70 tỷ đồng. Tương tự với các mã GAS, VCB. Ngược lại, những mã bị bán ròng như VIC, MSN... đều giảm điểm.

Động thái của khối ngoại đang được nhà đầu tư trong nước quan tâm và xem như một trong những “kim chỉ nam” để nhận biết thị trường.

Trong một buổi phỏng vấn cuối tháng 5, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE: SSI) từng chia sẻ, khối ngoại đúng là xương sống của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, Chủ tịch của công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư nội không nên quá chú ý vào động thái của khối ngoại, gây nên những phản ứng thái quá với thị trường.

Ở thời điểm những tác động từ FED và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đang ảnh hưởng đến TTCK của toàn thế giới, nhà đầu tư nội đang cần tín hiệu rõ ràng để gia nhập thị trường.

Mới đây, Chủ tịch UBCK NN Trần Văn Dũng chia sẻ, dòng vốn ngoại vẫn vào – ra hàng ngày theo các kênh khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp), nhưng tựu chung lại vẫn đang “vào nhiều hơn ra”. Theo ông Dũng, số dư tiền mặt của các quỹ vẫn đang tương đối cao, điều này cho thấy tiền đang ở lại thị trường và chờ thời cơ thích hợp để giải ngân.

Theo Lệ Hải

NDH

Trở lên trên