MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam có xác suất giảm điểm cao nhất vào tháng 11, năm nay liệu có khác?

Tính từ năm 2009 đến nay chỉ số VN-Index có tới 7 lần giảm điểm trong tháng 11, trong khi chỉ có 3 lần tăng điểm rơi vào năm 2013, năm 2017 và năm 2018. Những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh với nhiều năm giảm trên 5%.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán, câu nói "Sell in May and go away" có lẽ không còn quá xa lạ với ám chỉ thị trường trong tháng 5 thường diễn biến khá phức tạp và không thực sự thuận lợi cho việc đầu tư.

Cùng với "Sell in May", tháng 7 âm lịch, rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9 dương lịch theo quan niệm dân gian thường không đem lại may mắn và nhiều nhà đầu tư chứng khoán cũng cho rằng đây không phải thời điểm thích hợp để đầu tư.

Tuy nhiên, thống kê từ năm 2009 đến nay cho thấy xác suất thị trường tăng, giảm trong những giai đoạn kể trên của TTCK Việt Nam là khá cân bằng và những yếu tố tâm lý không quá ảnh hưởng tới biến động thị trường.

"Ác mộng" tháng 11 với TTCK Việt Nam

Trái với những quan niệm mang tính truyền thống, trên thực tế không phải tháng 5, tháng 8, tháng 9 mà thời điểm xấu nhất với TTCK Việt Nam thường rơi vào tháng 11.

Tính từ năm 2009 đến nay chỉ số VN-Index có tới 7 lần giảm điểm trong tháng 11, trong khi chỉ có 3 lần tăng điểm rơi vào năm 2013, năm 2017 và năm 2018. Những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh với nhiều năm giảm trên 5% như 2009; 2011; 2014 và 2015, thậm chí vào năm 2009, mức giảm của Vn-Index trong tháng 11 còn lên tới hơn 14%.

Như vậy, trong 10 năm qua, chỉ số Vn-Index có tới 7 lần giảm điểm trong tháng 11, tương ứng tỷ lệ lên tới 70%. Con số thống kê rõ ràng cho thấy tháng 11 là giai đoạn có xác suất giảm điểm cao nhất trong năm.

Chứng khoán Việt Nam có xác suất giảm điểm cao nhất vào tháng 11, năm nay liệu có khác? - Ảnh 1.

Vn-Index có xác suất giảm điểm cao nhất vào tháng 11 (đơn vị:%)

Ngược lại, diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam thường rơi vào giai đoạn tháng 1 đến tháng 4 với số lần tăng điểm áp đảo.

Việc TTCK Việt Nam thường biến động xấu vào tháng 11 có thể bởi đây là giai đoạn thị trường rơi vào vùng trống thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, kỳ họp Quốc hội diễn với nhiều quyết sách quan trọng cũng diễn ra trong khoảng thời gian này có thể khiến tâm lý giới đầu tư thêm phần thận trọng. Bên cạnh đó, trong quá khứ, tháng 11 cũng là thời điểm khối ngoại thường tiến hành bán ròng cũng là yếu tố khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Tháng 11 năm nay sẽ ra sao?

Mặc dù có lịch sử giao dịch trong tháng 11 không thực sự tích cực, tuy nhiên TTCK Việt Nam vẫn có nhiều điều để kỳ vọng trong tháng 11 năm nay.

Theo thống kê top 40 doanh nghiệp lớn nhất trên HoSE vừa công bố KQKD quý 3 cho thấy tổng lợi nhuận đạt được khoảng 45.000 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước. Việc các "đầu tàu" vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường trong tháng 11.

Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp vẫn khả quan, trong khi định giá P/E của VN-Index hiện mới ở mức 16,5, thấp hơn khá nhiều so với các thị trường khu vực (Philippines P/E 17,7; Thái Lan P/E 18,08; Indonesia P/E 19,72; Malaysia P/E 19,39) cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt khối ngoại.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các bộ chỉ số VN-Diamond Index và VN-Capped Financial Index với thành phần chủ yếu được lựa chọn sẽ là nhóm cổ phiếu hết room và cổ phiếu ngân hàng chất lượng sẽ là tiền đề ra đời các quỹ ETFs, giúp thu hút dòng tiền vào thị trường.

Ngoài ra, việc TTCK Việt Nam được dự báo sẽ được tăng mạnh tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier (dự kiến lên 30% khi Kuwait nâng hạng vào tháng 6/2020) cũng khiến các quỹ đầu tư đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục. Đây cũng là yếu tố góp phần hỗ trợ thị trường trong giai đoạn cuối năm nay.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên