MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, quỹ chuyên “đánh game” nâng hạng Tundra Vietnam Fund bay hơi toàn bộ thành quả từ đầu năm

Tính tới cuối tháng 6, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund chỉ còn 123,1 triệu USD, giảm 17 triệu USD so với tháng trước đó. Việc tổng tài sản Tundra Vietnam Fund giảm mạnh bên cạnh nguyên nhân danh mục đầu tư sụt giảm còn đến từ việc quỹ bị rút vốn.

Tundra Vietnam Fund, một trong những quỹ ngoại đổ mạnh tiền vào TTCK Việt Nam trong giai đoạn đầu năm vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 5/2018.

Theo báo cáo, giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV) Tundra Vietnam Fund cuối tháng 6 đạt 21,69 USD, giảm 4% so với tháng trước và giảm 6,3% so với đầu năm.

Việc NAV Tundra Vietnam Fund giảm mạnh trong tháng 6 có nguyên nhân từ biến động không tích cực từ thị trường. Sự điều chỉnh mạnh của các cổ phiếu như LDG, PNJ, DXG, SSI, CTG, HDB, FPT…dẫn tới kết quả kém khả quan của quỹ. Ngược lại, một số Bluechips như VIC, VNM khá tích cực nhưng không đủ giúp Tundra Vietnam Fund tránh khỏi một tháng buồn.

Giá cổ phiếu VIC đã tăng 12,1% trong tháng 6 bởi sự phát triển thần tốc của Vinfast. Doanh nghiệp này mới đây đã công bố mua lại nhà máy của General Motor và hệ thống phân phối tại Việt Nam. Điều này cho phép Vinfast sản xuất xe hơi giá cả phải chăng dựa trên các dòng sản phẩm hiện tại là sở trường của GM.

Tính tới cuối tháng 6, tổng tài sản Tundra Vietnam Fund chỉ còn 123,1 triệu USD, giảm 17 triệu USD so với tháng trước đó. Việc tổng tài sản Tundra Vietnam Fund giảm mạnh bên cạnh nguyên nhân danh mục đầu tư sụt giảm còn đến từ việc quỹ bị rút vốn.

Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, quỹ chuyên “đánh game” nâng hạng Tundra Vietnam Fund bay hơi toàn bộ thành quả từ đầu năm - Ảnh 1.

Về cơ cấu danh mục, DXG đã không còn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ và đã rơi xuống vị trí thứ 4 với tỷ trọng 5,8%. Trong khi đó, HSG vươn lên trở thành cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 6,2%, xếp tiếp theo lần lượt là VIC (5,9%), FPT (5,8%)…

Một điểm đáng chú ý trong cơ cấu danh mục Tundra Vietnam Fund là tỷ lệ tiền mặt của quỹ đã lên tới 3%. Trong báo cáo tháng trước đó, lượng tiền mặt của quỹ là âm 1% và nhiều khả năng Tundra Vietnam Fund khi đó đã sử dụng margin.

Chứng khoán Việt Nam giảm sâu, quỹ chuyên “đánh game” nâng hạng Tundra Vietnam Fund bay hơi toàn bộ thành quả từ đầu năm - Ảnh 2.

Kinh tế vĩ mô ổn định, rủi ro lớn với TTCK Việt Nam đến từ bên ngoài

Đánh giá về đợt điều chỉnh trong tháng 6, Tundra Vietnam Fund cho rằng chủ yếu do lo ngại các yếu tố tiềm tàng bên ngoài có thể ảnh hưởng đến vĩ mô Việt Nam. Những lo ngại chính là (1) sự leo thang cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, (2) nguy cơ mất giá tiền tệ khi USD tiếp tục mạnh lên, và (3) hiệu suất kém của thị trường khu vực và thế giới. Với tâm lý này, hầu hết nhà đầu tư trong nước đều thận trọng và không vội vàng mua vào trừ khi thị trường bị bán quá mức.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam chưa được đưa vào danh sách nâng hạng của MSCI cũng ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường. Dù vậy, Tundra Vietnam Fund cho rằng có nhiều khả năng Việt Nam sẽ được đưa vào đánh giá năm tới.

Về giao dịch khối ngoại, họ đã bán ròng 6,1 triệu USD trong tháng 6, tuy nhiên nếu loại trừ giao dịch Yeah1 thì lượng bán ròng vào khoảng 105 triệu USD. Theo Tundra Vietnam Fund, việc mua ròng liên tục trong vài ngày cuối tháng cho thấy xu hướng bán tháo của khối ngoại từ tháng 5 có thể đã kết thúc. Điều này cũng cho chúng ta biết rằng thị trường yếu trong tháng 6 chủ yếu là do hoảng sợ nhà đầu tư trong nước hơn là áp lực bán mạnh của khối ngoại trong tháng 5.

Thanh khoản trên thị trường giảm xuống mức bình quân 242 triệu USD mỗi phiên. Xét về mặt định giá, Việt Nam đang giao dịch với P/E FW 2018 là 17 và P/E FW 2019 là 13,9 và là mức hợp lý cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, bất kỳ những rủi ro quốc tế phát sinh nào cũng có thể gây ra biến động trong ngắn hạn.

Từ quan điểm vĩ mô, Tundra Vietnam Fund đánh giá bất chấp sự bất ổn bên ngoài, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định và lạc quan. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm ở mức 7,08% (cao nhất trong 7 năm), GDP quý 2 tăng 6,79%. CPI tăng nhẹ 0,61% trong tháng 6 do giá lương thực và thực phẩm tăng, và chi phí vận chuyển khi giá dầu tăng. CPI 6 tháng duy trì ở mức 3,29% vẫn dưới mục tiêu 4% cả năm.

Việt Nam tiếp tục duy trì thặng dư thương mại 2,57 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng được báo cáo ở mức 6,35% (so với 7,54% trong 6 tháng 2017) và lãi suất cho vay vẫn ổn định do thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt.

Đồng Việt Nam mất giá so với USD gần đây (1,7% cho đến nay). Đây là mức giá có thể chấp nhận được khi đồng tiền của các quốc gia khác đã giảm xuống ở mức cao hơn nhiều trong vài tháng qua.

Dòng vốn FDI lành mạnh, thặng dư thương mại thuận lợi, và kiều hối mạnh có thể hỗ trợ sự ổn định của đồng Việt Nam trong tình hình hiện tại. FDI đăng ký 6 tháng đầu năm đạt 20,3 tỷ USD (+ 5,7%) trong đó vốn giải ngân 8,37 tỷ USD (+ 8,5%). Chỉ số PMI tháng 6 đã tăng lên 55,9, mức cao nhất trong 8 năm báo hiệu ngành sản xuất đang được cải thiện nhanh chóng nhờ vào số lượng đơn đặt hàng mới, tổng sản lượng và nhu cầu việc làm.  

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên